Cậu bé giao tiếp bằng hội họa

11:55 | 09/05/2014

880 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mắc hội chứng tự kỷ bẩm sinh, Nem không thể tư duy ngôn ngữ để giao tiếp với mọi người. Để giao tiếp, cậu bé 2 tuổi Nem đã tìm đến hội họa thay cho ngôn ngữ để tư duy và giao tiếp với thế giới bên ngoài.

Nhằm hưởng ứng chủ đề “Giáo dục và khuyết tật” của tuần lễ toàn cầu hành động vì giáo dục cho mọi người, Ban Hành động vì Sự phát triển hòa nhập (IDEA) phối hợp với Trung tâm Kinh tế và Phát triển Cộng đồng (ECCO), nhóm phụ huynh trẻ tự kỷ tổ chức trưng bày tranh và ảnh “Câu chuyện của Nem”.

Triển lãm bắt đầu từ 18h ngày 8/5 – 15/5 tại trung tâm Kai Art, 342 Nghi Tàm, Tây Hồ, Hà Nội.

Các bức tranh do Nem, cậu bé tự kỷ vẽ

Đây là những bức tranh do cậu bé Nem, tên thật là Hà Đình Chí (SN 2005, Hà Nội) vẽ từ lúc 2 tuổi đến nay. Đây là cuộc hành trình khám phá về thế giới đầy màu sắc, sáng tạo và ngẫu hứng của một cậu bé sinh ra đã mắc hội chứng tự kỷ. Tuy phải đối mặt với khó khăn trong cuộc sống thường nhật nhưng thế giới của Nem luôn có những mảng màu hy vọng và ước mơ. Mỗi bức tranh là mỗi câu chuyện nhỏ về tình yêu thương của gia đình, bạn bè và cộng đồng dành cho Nem.

Theo chia sẻ của chị Lan Phương (mẹ Nem): “Nem dường như không có nhu cầu chia sẻ và chơi với bạn nhưng có nhu cầu chia sẻ và chơi với những đường nét trên tờ giấy trắng. Nem say sưa hàng tiếng đồng hồ với những hình ảnh muôn màu, muôn vẻ trong đầu”. Nhờ đó, Nem có thể khắc họa lại thế giới màu sắc và đa dạng của mình bằng những bức tranh đầy cảm xúc. Qua thời gian, hội họa đã trở thành phương tiện để Nem tư duy và giao tiếp với thế giới bên ngoài.

Có thể nói trong những nỗ lực giải phóng bản thân, Nem tìm đến hội họa như cây cầu nối liền em với con người. Đối với Nem, hội họa quyết định nhận thức, tư duy và hành động giống như người ta nói để tỏ buồn vui, để chia sẻ và cảm thông…

Qua đây khán giả còn được tiếp cận cuộc sống thực của một trẻ tự kỷ mà qua đó những bậc cha mẹ nói chung sẽ thấy học hỏi được rất nhiều cho việc giáo dục và tiếp cận với chính con cái mình, đặc biệt là tính kiên nhẫn. Điều quan trọng không nằm ở đứa trẻ mà ở việc tạo ra môi trường và cơ hội để đứa trẻ đó phát triển. Mỗi đứa trẻ là một sự khác biệt, mỗi em là một hạt giống tiềm năng.

“Câu chuyện của Nem” hi vọng sẽ mang đến cho trẻ khuyết tật cơ hội sống và thể hiện bằng tiếng nói của chính mình.

Rất nhiều khán giả sau khi tham quan triển lãm đã viết vào cuốn sổ ghi lại cảm tưởng cũng như sự khâm phục bé Nem.

Ngọc Diệp