Cấp “sổ đỏ” tại Hà Nội: Lỗi từ nhiều phía

13:15 | 15/04/2012

406 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Tính đến cuối năm 2011, công tác cấp giấy chứng nhận đối với đất ở đô thị của cả nước chỉ đạt 63,5%. Trong đó, Hà Nội chỉ đạt 9,3% thấp nhất cả nước. Lý do của tình trạng ùn ứ trong công tác cấp “sổ đỏ” này đã được các đại diện từ Bộ Tài nguyên – Môi trường và Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội giải đáp trong buổi Toạ đàm trực tuyến “Cấp sổ đỏ những vấn đề vướng mắc”.

Còn quá nhiều bất cập

Ngày 20/2/2012, trong báo cáo mà các địa phương đưa ra tại cuộc họp Chính phủ cho thấy, tính đến cuối năm 2011, công tác cấp giấy chứng nhận đối với đất ở đô thị của cả nước chỉ đạt 63,5%, mới có 15 tỉnh hoàn thành trên 90%, còn 13 tỉnh đạt dưới 50%. Đặc biệt khu vực mới phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có tỷ lệ cấp đạt 19,3% tổng số căn hộ được duyệt. Trong đó, hai thành phố “chậm chạp” nhất là Hà Nội chỉ đạt 9,3% và TP.HCM đạt 30%.

Theo ông Lê Thanh Nam, Trưởng phòng Đăng ký và Thống kê đất đai, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội, sở dĩ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm là do sự chồng chéo trong quản lý, cũng như sự phức tạp trong giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất đai.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có liên quan tới việc công nhận lịch sử, trong một thời gian dài, các loại giấy tờ do lịch sử để lại đôi lúc rất chồng chéo, gây khó khăn trong việc giải quyết. Do một thời gian rất dài chúng ta buông lỏng quản lý nên việc quan tâm đến quản lý đất đai trong chính quyền các cấp chưa tốt, vì vậy, việc vi phạm luật đất đai rất nhiều. Đặc biệt là vùng ven ngoại ô thành phố Hà Nội có số lượng vi phạm rất lớn.

Ông Trần Hùng Phi (trái) và ông Lê Thanh Nam (phải) trong buổi tọa đàm

Ông Nam khẳng định: “Để công nhận lịch sử này buộc phải xem xét rất nhiều vấn đề như là nguồn gốc sử dụng, giấy tờ pháp lý rồi tình trạng tranh chấp, hiện trạng sử dụng. Những cái đó phải do chính quyền cơ sở, chính quyền cấp xã cung cấp. Cơ quan cấp trên không thể nào nắm bắt được”.

Trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất buộc phải có ý kiến xác nhận của cấp xã, cụ thể người trực tiếp là cán bộ xã cùng hội đồng đăng ký và trong trường hợp cần thiết phải lấy ý kiến dân cư. Quy định rất cụ thể như vậy nhưng trên thực tế không phải nơi nào cũng làm tốt, mà không phải chỗ nào lấy ý kiến cũng làm đúng.

Hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” ở Hà Nội cũng phức tạp hơn các địa phương còn lại. Có 3 loại giấy tờ đặc thù, đó là đơn, giấy tờ về nguồn gốc và giấy tờ về nghĩa vụ tài chính liên quan. Hà Nội có yêu cầu photo và nộp thêm một số loại giấy tờ khác như chứng minh thư, sổ hộ khẩu, chính điều này đã khiến việc xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trở nên rắc rối hơn.

Ông Trần Hùng Phi – Cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kê, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên – Môi trường) cho biết: “Về nguyên tắc, trong cấp giấy lần đầu không cần nộp các loại giấy tờ này. Nhưng tại một số nơi chúng tôi đi kiểm tra, cũng có trường hợp cán bộ thu hồ sơ nói dân nộp thì cứ nhận. Trong khi đó, về nguyên tắc quy định đã không yêu cầu thu thì nộp cũng không thu. Có nơi còn bắt dân nộp cả sổ hộ khẩu bản sao có công chứng. Đó chính là những yếu tố gây phiền hà, không cần thiết, khiến tâm lý người dân thêm ức chế vì sự phiền hà”.

Cần sự thống nhất giữa chính quyền và người dân

Việc “chậm chạp” trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không chỉ do bất cập trong thủ tục hành chính của các cấp chính quyền mà còn do lỗi từ phía người dân.

Hiện nay, lượng giấy chứng nhận tồn đọng ở Hà Nội, đã ký rồi nhưng chưa cấp rất nhiều. Có rất nhiều nơi mong muốn cấp sổ đỏ nhưng lại chưa được cấp và ngược lại nhiều nơi đã được làm sổ đỏ rồi nhưng người dân lại không muốn lấy vì sợ phải nộp thuế.

Lượng hồ sơ tồn đọng ở cơ quan nhà nước rất lớn và lượng trường hợp chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cũng nhiều. Trong đó có trường hợp người dân không muốn làm thủ tục, chưa muốn làm thủ tục. Có trường hợp, cấp giấy rồi mà người dân chưa muốn nhận vì lý do về nghĩa vụ tài chính rất lớn.

Việc chậm cấp "sổ đỏ" là lỗi từ cả chính quyền và người dân

Ông Nam cho biết, các cơ quan chính sách cũng đang nhanh chóng rà soát, sửa đổi và hoàn thiện Luật về đất đai để tránh tình trạng luật không theo kịp thực tế. Ông khẳng định: “Trong 2 năm vừa qua thì chúng tôi đã cùng với Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi, hoàn thiện rất nhiều điểm. Trong đó có cắt giảm, ghi nợ, thậm chí miễn thu rất lớn. Tuy nhiên, định hướng chung là nghĩa vụ tài chính cũng phải gắn như thế nào để đảm bảo công bằng”.

Tuy nhiên, một số trường hợp người dân có hiểu biết về Luật đất đai, song lại cố tình vi phạm. Những trường hợp thực sự là người dân lấn chiếm, vi phạm, chuyển mục đích sử dụng đất thì luật pháp cũng không thể loại trừ những trường hợp đó được. Nếu không, tình trạng vi phạm luật đất đai cũng ngày càng gia tăng.

Các quy định về mẫu hồ sơ, mẫu giấy tờ, yêu cầu … đã được niêm yết lại các UBND cấp phường, nhưng hiện nay chế tài xử phạt quá thấp, thiếu tính răn đe. Ông Trần Hùng Phi khẳng định: “Phải tăng chế tài xử phạt. Cấp phường hiện nay chỉ phạt 200.000 đồng, nhưng dù có tăng 100 triệu thì người dân vẫn nộp để tiếp tục xây dựng”.

Ông Nam cũng chia sẻ: “Kiểm tra 10 dự án chung cư thì đến 9 dự án sai phạm về giấy tờ đất đai hoặc chủ đầu tư chưa nộp nghĩa vụ tài chính đã bán nhà”. Trong các sai phạm trên, một phần thuộc về cơ quan nhà nước, hành lang pháp lý chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở cho người dân dễ dàng “lách” được. Thậm chí chưa có giấy tờ pháp lý đã để cho người dân xây dựng xong.

Ngoài ra, ở nhiều địa phương, chính quyền cố tình hạch sách, nhũng nhiễu khi người dân tới nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hà Nội là một trong những địa phương có sự biến động đất đai nhiều lần, nhiều biến động bị xếp vào diện vi phạm dẫn đến việc vi phạm chồng lên vi phạm.

Ông Phi khẳng định: “Việc cấp giấy chứng nhận của Hà Nội rất khó bởi ý thức chấp hành pháp luật đất đai của người dân không cao, hệ thống pháp luật của các cơ quan nhà nước phải có điều chỉnh. Muốn có thành phố đẹp thì phải có quy hoạch đồng bộ và có sự thống nhất giữa người dân và chính quyền”.

Vương Tâm