Cảnh báo trào lưu “mất tích” trong giới trẻ

08:30 | 09/10/2011

507 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày càng nhiều vụ học sinh mất tích, nhiều người trong số đó đã tự trở về nhà, được giải thoát để trở về hoặc bị bắt trở về… Trong những vụ việc ấy, có người là nạn nhân thực sự, nhưng cũng có không ít người lại… tự mất tích để thỏa ý thích nhất thời của mình. Điểm chung của hầu hết các vụ mất tích thật và giả ấy đều là sự nông nổi.

Tống tiền cha mẹ

Những ngày cuối tháng 9, gia đình anh Huỳnh Xuân Bình (Tây Sơn, Bình Định) sống trong hoang mang, lo lắng bởi cô con gái bỗng dưng mất tích và gia đình nhận được tin nhắn đòi số tiền 50 triệu đồng chuộc người. Kẻ tống tiền còn dọa, nếu gia đình báo công an hoặc không chấp nhận nộp tiền thì con gái sẽ bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm. Anh Bình chọn giải pháp vừa chuẩn bị 50 triệu đồng, vừa báo công an.

Sau hai ngày điều tra, sự thật đã được làm rõ: Chính Huỳnh Thị T.T – con gái anh Bình đã dàn dựng màn kịch bắt cóc tống tiền trên. Cô nữ sinh lớp 10 Trường THPT An Nhơn 3 ấy không chịu học hành, ham chơi nên bị cha mẹ mắng. Bực bội, T bỏ lên Đắk Lắk rồi gặp Nguyễn Thị Phiến. Phiến đưa T về Bắc Giang chơi. Để có tiền tiêu xài, T nhờ Phiến nhắn tin cho bố mình đe dọa và yêu cầu gia đình phải nộp 50 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của người quen Phiến. Ngày 3/10, Công an huyện Tây Sơn cùng gia đình anh Bình đã ra Hà Nội làm việc với Cơ quan Công an để đưa Huỳnh Thị T.T về nhà.

Trước đó, một nữ sinh lớp 11 ở huyện Mê Linh cũng đã cùng bạn trai bỏ nhà đi rồi dựng màn kịch mất tích, tống tiền chính gia đình mình. Đôi trẻ đến Hải Dương, rồi thuê Phạm Phú Mạnh (SN 1986) trú tại huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương và Nguyễn Văn Sáng (SN 1985) trú tại huyện Mê Linh, Hà Nội tống tiền hộ. Theo “kịch bản”, Mạnh yêu cầu gia đình T đưa anh ta 30 triệu đồng để biết được nơi T đang trốn. Nếu vụ việc trót lọt, Mạnh và Sáng sẽ nhận được tiền công 2 triệu đồng, còn T sẽ cùng người yêu vào miền Nam sinh sống với số còn lại. Khi các đối tượng nhận 15 triệu đồng từ tay người nhà T ở khu vực chợ Mê Linh thì bị Công an huyện Mê Linh bắt giữ. Tại Cơ quan Công an, cả nhóm khai, chính T đã thuê người để tống tiền bố mẹ mình.

”Sống thử” và "đi hoang”

Một nữ sinh mới học lớp 7 ở Bắc Giang đã bỏ nhà theo bạn trai đi “sống thử”. Cô bé M.N đã cùng với bạn trai là Lê Quang Thành (17 tuổi) trốn gia đình đến nhà nghỉ “sống thử”. Gia đình em M.N đã trình báo Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP Bắc Giang về việc cô con gái 12 tuổi của họ mất tích. Trong đơn trình báo, bố mẹ N khẳng định con gái mình rất ngoan, chỉ chăm chỉ học hành, không chơi bời đàn đúm. Tuy nhiên, bạn bè N cho biết, thời gian gần đây em chơi thân với một cậu bạn trai hơn tuổi, sau giờ học thường đi cùng nhau. Hôm N mất tích, bạn bè nhìn thấy cô đi với cậu này. Trong lúc Cơ quan Công an đang triển khai tìm kiếm thì M.N trở về nhà. Gia đình cô bé đã làm đơn gửi Công an TP Bắc Giang tố cáo và Lê Quang Thành đã bị khởi tố về tội hiếp dâm trẻ em.

Cũng theo chiều hướng bỏ nhà “đi theo tiếng gọi trái tim”, Công an phường 7, TP Đà Lạt vẫn đang tích cực phối hợp với ngành chức năng địa phương tìm kiếm tung tích của nữ sinh Lê Hà Thị Trúc (16 tuổi), học sinh lớp 11B1, Trường THPT Yersin Đà Lạt. Người nhà và bạn bè phỏng đoán cô nữ sinh bỏ nhà đi theo bạn trai. Các bạn học cùng lớp với nữ sinh này cho biết, đầu giờ học chiều ngày 29/8 đã nhìn thấy Trúc đi ra khỏi cổng trường với một thanh niên. Phía gia đình Trúc cũng cho biết, em từng yêu si mê một thanh niên tên Chu Văn Thông, người Nghệ An, không có nghề nghiệp ổn định. Gia đình đã ngăn cấm mối quan hệ này của Trúc.

Từ những vụ việc này, nhiều chuyên gia tâm lý lên tiếng cảnh báo các bậc phụ huynh: đừng lầm tưởng ở vẻ ngoan hiền, chăm chỉ của chính con cái mình, mà phải quan tâm và chăm sóc con cái đúng phương pháp để hiểu rõ được con mình với những tâm sinh lý tuổi mới lớn.

Nổi máu phiêu lưu

Còn nhớ vụ việc hồi cuối năm 2010, Công an huyện Tây Hòa cùng lúc nhận đơn báo của 3 gia đình cùng trú xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa về việc 3 người con của họ là Phan Tấn Hợp, Trần Minh Hoàng và Phạm Trường Hận, cùng SN 1996, học sinh lớp 9D Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Tây Hòa, Phú Yên) đã “mất tích” một cách bí ẩn. Thông báo truy tìm 3 em nhỏ này được phát ra trên phạm vi toàn quốc. Gần 6 tháng sau, gia đình và cơ quan chức năng mới xác định được 3 em đang làm việc tại một cơ sở may gia công ở phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP HCM. Kết quả điều tra của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an Phú Yên cho biết, do có ý định bỏ nhà đi tìm việc làm nên sáng ngày 13/10/2010, Hoàng, Hận, Hợp không đến lớp mà rủ nhau bỏ nhà vào Đồng Nai để tìm việc làm. Cả 3 bán 2 chiếc xe đạp được 250.000 đồng rồi đón xe vào Đồng Nai. Trên xe, các em đã ngủ quên, nên xe chở thẳng vào Bến xe Miền Đông (TP HCM). Những người chạy xe ôm khu vực bến xe giới thiệu các em đến làm việc tại một cơ sở may. Người chủ cơ sở may có gạn hỏi các em về gia đình nhưng cả 3 kiên quyết không nói. Rất may các em đã gặp được người chủ tốt chứ không bị biến thành những nô lệ làm việc hết sức như một số vụ khác.

Biến tính hậu "mất tích”

Em L.T.T, học sinh lớp 10 ở Quảng Trị trở về sau vụ “mất tích” bí ẩn với vẻ lầm lì rất khó hiểu. Mẹ của T cho biết, kể từ ngày trở về T trở nên lầm lì, ít nói, hay ngồi quay mặt vào tường. Bà khẳng định con gái mình rất hiền lành, một buổi đi học, buổi còn lại trông hai đứa cháu và chăm nuôi gà lợn, ruộng vườn. Anh trai của T đã nhận được tin nhắn của em gái: “Anh ơi em không có tiền ăn. Anh gửi cho em nhanh với”. Anh kể, những lần liên lạc sau thì có một giọng nam nghe máy bảo gửi tiền cho T và cho địa chỉ gửi tiền nhưng không rõ ràng. Qua 3 lần kiểm tra, địa chỉ đều không đúng với thực tế, mãi đến lần thứ 4 thì mới biết địa chỉ cụ thể là Bưu điện Nông Trang, thuộc tỉnh Phú Phọ. “Khi ra tới Phú Thọ, em gọi điện cho em gái đến Bưu điện Nông Trang để nhận tiền, đồng thời vờ bảo em đang ở Huế để đề phòng tình huống xấu xảy ra. Khoảng 30 phút sau đó, em gái em đi cùng với một người con trai đến bưu điện. Do mừng quá, em và anh của em đã đến dẫn em gái về mà không hỏi han gì. Người con trai đi cùng em gái em thấy thế thì bỏ chạy” – anh trai của T kể lại.

Theo ông Trần Viết Hậu, Trưởng Công an xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng cho biết: “Chúng tôi tiếp nhận tin báo được khoảng một tuần thì cháu T trở về. Nhiều người cho rằng cháu T bị bắt cóc hoặc tự nhiên mất tích. Tuy nhiên, qua xâu chuỗi các sự việc lại thì vẫn không có cơ sở chắc chắn để khẳng định điều đó. Qua sự việc này chúng tôi cũng khuyến cáo người dân nên quản lý chuyện sinh hoạt, học tập của con cái mình chặt chẽ hơn để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra”.

Cũng trở về sau khi “mất tích” và trở nên lầm lì là Bùi Quang Tuyến, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Ninh Giang. Sau nửa tháng biến mất, Tuyến trở về với biểu hiện lầm lì, ít nói và không chia sẻ các thông tin liên quan. Công an Ninh Giang khẳng định không có chuyện học sinh Bùi Quang Tuyến bị bắt cóc như dư luận phỏng đoán. Còn Trần Thị Ngọc Quyên – học sinh lớp 10A3, Trường THPT Tam Quan, Hoài Nhơn, Bình Định, bỗng nhiên bỏ học đi Quy Nhơn rồi vào khách sạn ở nhờ. Bà chủ khách sạn này cho biết, cách đây gần một tháng, có một người quen làm việc ở gần bến xe khách trung tâm Quy Nhơn dẫn Quyên đến, nói cho Quyên ở nhờ. Bà nhiều lần gặng hỏi, Quyên nói là bị dì ghẻ đánh nên bỏ đi, chứ không cho biết cha mẹ là ai, ở đâu. Đọc thấy thông tin tìm Quyên trên một số tờ báo, bà đã báo tin cho gia đình Quyên biết. Khi về nhà, Quyên chỉ cho biết, có người đã đưa em vào TP Quy Nhơn, nhưng không nói cụ thể là ai và trở nên trầm lặng. Không chỉ có nữ sinh, nam sinh Trương Phùng Hiểu (14 tuổi), ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định), học sinh lớp 8A2, Trường THCS Hoài Phú cũng mất tích bí ẩn. Rồi 1 tháng sau, Hiểu được tìm thấy trong quán cơm ở Quảng Nam, với biểu hiện tâm lý không ổn định.

Theo lý giải của giới chuyên môn, nhiều khả năng các em bị sốc khi va chạm thực tế, với muôn dạng tiêu cực trong xã hội, bị lợi dụng thân thể, lợi dụng sức lao động… Tâm lý còn non nớt nên các em dễ rơi vào trạng thái lầm lì, không dám nhìn thẳng vào người đối diện, e ngại tiếp xúc và trả lời vòng vo, tránh né khi được hỏi về việc bỏ nhà đi của mình.

Hiện nay tình trạng một số thanh thiếu niên tụ tập, bỏ học, rủ rê bạn bè bỏ nhà sống lang thang khiến gia đình vất vả tìm kiếm đang tăng lên. Lý do của những lần “tự mất tích” ấy thường không được người lớn lường trước. Tuổi trẻ và hành vi bồng bột của các em sẽ rất dễ bị những đối tượng xấu lợi dụng gây hại hoặc dụ dỗ sa vào con đường phạm tội. Một số chuyên gia xã hội học đã lên tiếng cảnh báo về khả năng phát sinh trào lưu tiêu cực trong giới trẻ, với hành động rủ nhau đi “dạt nhà”, đi “bụi”, rồi tự dựng vở kịch bị bắt cóc để tống tiền chính gia đình mình hoặc bị lừa bán đi làm nô lệ tình dục, nô lệ lao động…

Phó giám đốc CATP Hà Nội, Đại tá Nguyễn Đức Chung nhận định: “Để ngăn chặn tình trạng này, trước khi có những diễn biến phức tạp phát sinh, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục của nhà trường và các cấp chính quyền địa phương, các bậc phụ huynh cần quan tâm, lựa cách dạy dỗ, quản lý con em mình sao cho gần gũi và chia sẻ, tránh để các em dính vào các tệ nạn xã hội, với những suy nghĩ nông nổi nhằm khẳng định mình”.

Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Thủy, TAND TP HCM: “Xu hướng chạy theo trào lưu của một bộ phận tuổi vị thành niên hiện rất đáng lo ngại. Các em dễ dàng bị thu hút bởi những lối sống, lối chơi phóng túng qua phim ảnh, qua các trò chơi. Các bậc phụ huynh cần nghiêm khắc trong việc kiểm soát các mối quan hệ của con cái lứa tuổi vị thành niên, nhưng mặt khác phải dành cho các em tình cảm ấm áp, giúp các em tự tin bước tiếp những chặng đời dài phía trước”.

Phú Vinh