Liều thuốc nào cho căn bệnh trầm cảm?

07:00 | 04/04/2023

84 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Tuy nhiên, những kỳ vọng của phụ huynh cũng như thiếu sự kết nối, chia sẻ từ hai phía đang khiến nhiều đứa trẻ phải chịu những áp lực nặng nề gây ảnh hưởng đến tâm lý và để lại những hệ quả nghiêm trọng.

Theo kết quả nghiên cứu "Sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam" do Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam công bố vào 11/2022: Trong 12 tháng, 21,7% số trẻ vị thành niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó 3,3% đáp ứng các tiêu chí đối với một rối loạn. Phổ biến nhất là lo lắng (18,6%), tiếp theo là trầm cảm (4,3%). Và chỉ 5,1% cha mẹ xác định rằng vị thành niên của họ cần được giúp đỡ với các vấn đề về cảm xúc và hành vi, mặc dù 21,7% thanh thiếu niên đã gặp phải vấn đề sức khỏe tâm thần trong cùng thời kỳ.

Liều thuốc nào cho căn bệnh trầm cảm?
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết

Những vụ việc đau lòng vẫn xảy ra và lan truyền trên mạng xã hội. Có lẽ sự việc nam sinh cấp III để lại thư tuyệt mệnh rồi nhảy từ tầng 28 chung cư xuống đất cách đây một năm vẫn còn gây ám ảnh với nhiều người. Và còn rất nhiều sự việc đau lòng như thế đã diễn ra làm gióng lên hồi chuông cảnh báo về tính nghiêm trọng của vấn đề sức khỏe tâm lý trẻ vị thành niên. Đây không phải một vấn đề mới, nó đã diễn ra và tồn tại từ lâu.

Số lượng người trẻ bị trầm cảm gia tăng theo từng năm, kèm theo là những ca tự tử xuất hiện với tần suất ngày một nhiều. Vậy lối thoát nào cho các em trước những áp lực tâm lý dồn nén và vượt qua trầm cảm để sống tích cực hơn? Để giải đáp câu hỏi này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết.

PV: Thưa chuyên gia, chị có thể giải thích cụ thể cho tôi cũng như các độc giả hiểu rõ hơn bệnh trầm cảm là gì không?

Chuyên gia Lê Thị Tình Tuyết: Trầm cảm là một dạng rối loạn tâm thần, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của con người cũng như các mối quan hệ, chất lượng cuộc sống của người bị bệnh.

PV: Vậy nguyên nhân nào dẫn đến trầm cảm ở lứa tuổi này (vị thành niên)?

Chuyên gia Lê Thị Tình Tuyết: Thực tế người ta gọi trầm cảm là rối loạn bởi vì không xác định được rõ nguyên nhân cụ thể. Ngoài các nguyên nhân sinh học, yếu tố não, di truyền thì có những yếu tố về mặt xã hội làm cho các cá nhân gặp các trầm cảm. Đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên thì nó liên quan đến áp lực kéo dài trong học tập về thành tích, hay mối quan hệ bạn bè. Hoặc có những bạn có những sang chấn như mất người thân, những sang chấn ám ảnh về tuổi thơ hay gia đình không hạnh phúc. Hay ví dụ thời điểm vừa rồi có đợt dịch kéo dài thì việc học online quá lâu, các bạn không có tương tác xã hội mà đa số là tương tác online, các bạn không được gặp bạn bè, hay không có trong các hoạt động xã hội thì đó cũng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến trầm cảm.

PV: Ở lứa tuổi vị thành niên thì trầm cảm có những dấu hiệu nhận biết nào?

Chuyên gia Lê Thị Tình Tuyết: Có khá nhiều biểu hiện và có khuyến nghị các biểu hiện kéo dài liên tục trên 2 tuần thì thường người ta đánh giá chẩn đoán là trầm cảm. Ví dụ như biểu hiện về mặt cơ thể như là đau nhức cơ thể, tình trạng không tập trung, có những bạn bị rối loạn giấc ngủ, mất động lực, không cảm thấy hứng thú trong các hoạt động. Các bạn tự đánh giá thấp bản thân, các bạn cảm thấy mình vô dụng, mình không có giá trị gì, đấy cũng là những biểu hiện ban đầu. Rồi là một số tình trạng tâm trạng chán nản, vui buồn thất thường, lười giao tiếp, ngại giao tiếp và sợ giao tiếp. Có hai trạng thái một trạng thái các bạn thờ ơ, lãnh đạm, nhưng cũng có trạng thái có những bạn dễ bị gây hấn, dễ bị kích động.

PV: Làm thế nào để ngăn ngừa người trầm cảm tự hại bản thân? Chuyên gia có đánh giá như thế nào về vai trò của gia đình trong việc giúp con trẻ vượt qua chứng bệnh tâm lý này?

Chuyên gia Lê Thị Tình Tuyết: Thực tế khi mà có những xác định, chẩn đoán trầm cảm, thì rất cần sự hỗ trợ của người thân trong gia đình rất là lớn. Ngoài ra chúng ta cũng nên điều trị theo phác đồ, cũng như sử dụng thuốc hay là điều trị trị liệu về mặt tâm lý như là liệu pháp nhận thức hành vi hay liệu pháp gia đình, đó là những liệu pháp mà chúng ta cần tuân thủ theo. Còn để mà ngăn chặn các hành vi tự hại của những người trầm cảm, những hành vi tự hại diễn biến rất phức tạp và vào đúng thời điểm chúng ta không lường trước được. Việc này đòi hỏi sự hỗ trợ và phối hợp rất lớn từ gia đình, bởi vì người đang rơi vào trầm cảm họ không kiểm soát được hành vi của họ. Thế thì người thân trong gia đình hay những người xung quanh họ có vai trò rất lớn trong trường hợp như thế này. Những người thân trong gia đình cần phải luôn luôn theo sát và để ý những mọi hành vi của họ để ngăn chặn kịp thời điều đáng tiếc xảy ra.

PV: Vậy làm thế nào để những bạn có áp lực tâm lý dồn nén có thể vượt qua trầm cảm để sống tích cực hơn thưa chuyên gia?

Chuyên gia Lê Thị Tình Tuyết: Điều mà tôi vẫn chia sẻ với các phụ huynh, hay các em học sinh, sinh viên rằng quan trọng là chúng ta phải có sự chia sẻ. Sự chia sẻ ở đây phải đến từ hai phía và tạo thành một thói quen từ sớm. Có nhiều gia đình tập thói quen chia sẻ với con từ rất sớm. Việc này sẽ làm cho con thấy vui và cảm thấy mình có giá trị, chúng thấy mình chia sẻ được với bố mẹ. Và các con cũng sẽ hiểu được phần nào những áp lực của cha mẹ mình. Trẻ con cũng có áp lực của riêng mình. Khi chúng ta tạo thành thói quen chia sẻ cùng nhau thì sẽ không bị dồn nén cảm xúc tiêu cực, vấn đề đến đâu thì chúng ta giải quyết đến đó.

PV: Xin cảm ơn chuyên gia đã có những chia sẻ xác đáng, những lời khuyên hữu ích cho độc giả về căn bệnh trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên.

“Trẻ con cũng có áp lực của riêng mình. Quan trọng là chúng ta phải có sự chia sẻ. Sự chia sẻ ở đây phải đến từ hai phía và tạo thành một thói quen từ sớm. Khi chúng ta tạo thành thói quen chia sẻ cùng nhau thì sẽ không bị dồn nén cảm xúc tiêu cực, vấn đề đến đâu thì chúng ta giải quyết đến đó”, chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết chia sẻ.

P.V

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.