Cần mạnh tay với hành vi thả tiền xuống giếng tại di tích
Đây là nội dung chính của Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Những năm qua, cơ quan chức năng đã tổ chức vận động và tuyên truyền người dân không thả tiền xuống giếng, ao hồ tại các khu di tích nhưng kết quả đạt được chưa thực sự như mong muốn.
Tại một số khu di tích như: Giếng Ngọc thuộc khu di tích Đền Cùng - Giếng Ngọc (Bắc Ninh); giếng Thánh ở chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi); giếng cổ ở Đền Hùng (Phú Thọ); giếng cổ Mắt Rồng thuộc khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc… và rất nhiều hệ thống giếng nước, ao, hồ thuộc các khu di tích đã và đang trở thành nơi để người dân thả tiền cầu may, xin thần phật ban phước, ban lộc.
![]() |
Người dân vẫn thả tiền xuống giếng ở khu di tích lịch sử Đền Hùng mặc dù Ban quản lý đã cắm biển cảnh báo. |
Việc “xả” tiền vô tội vạ khiến nguồn nước bị ô nhiễm, cảnh quan khu di tích trở nên lộn xộn và nhếch nhác. Mặc dù việc này đã bị cấm từ lâu, nhưng đến bây giờ vẫn tiếp diễn.
Là người nghiên cứu văn hóa, TS. Nguyễn Sỹ Toản - Trưởng khoa Di sản Văn hóa (trường Đại học Văn hóa Hà Nội) khẳng định: “Không thể xem hành động thả tiền xuống giếng, ao hồ là tín ngưỡng của người Việt, mà đó chỉ là thói quen của người dân. Giả sử nếu đó là tín ngưỡng, thì không phải tín ngưỡng nào cũng là di sản. Ta phải phân định được tập tục, tín ngưỡng nào phù hợp và có giá trị với đời sống hôm nay mới đáng được bảo tồn và duy trì. Nếu tập tục, tập quán không còn phù hợp thì đó không phải là di sản. Giả định trong quá khứ, việc thả tiền xuống giếng ở các khu di tích có là một nét tín ngưỡng thì đến ngày hôm nay, nếu không còn phù hợp vẫn nên loại bỏ”.
TS. Nguyễn Sỹ Toản cũng chỉ ra những nguyên nhân khiến tình trạng này tiếp diễn: “Có ba nguyên nhân cơ bản khó chấm dứt việc thả tiền bừa bãi của người dân. Thứ nhất, các cơ quan quản lý ở các khu di tích chưa thực sự phát huy hiệu quả cả về vai trò, năng lực, trách nhiệm trong việc quản lý và bảo vệ khu di tích; thứ hai do nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, không hiểu rõ bản chất đúng sai của hành động, thậm chí có dấu hiệu mê tín; thứ ba là tâm lý đám đông, theo phong trào, thấy người khác thả tiền mình cũng làm theo”.
Nói về quy định xử phạt hành chính người ném tiền xuống giếng, ao hồ tại các khu di tích, TS. Nguyễn Sỹ Toản nhấn mạnh: “Ở Việt Nam, chỉ khi đánh vào kinh tế, chạm đến hành chính thì người dân mới chấp hành quy định nghiêm chỉnh. Việc mức phạt chỉ dừng ở 200.000 đồng - 500.000 đồng vẫn chưa đủ sức răn đe mà cần phải tăng mức phạt”.
“Các cơ quan quản lý khu di tích cần phải xác định làm quyết liệt và triệt để trong những năm tới để có thể chấm dứt tình trạng trên. Khi mọi thứ đi vào nề nếp, khuôn khổ, người dân sẽ dần nâng cao ý thức. Cần lắp camera và có người thường xuyên trực tại điểm hay xảy ra tình trạng ném, thả tiền, đặc biệt là trong thời gian diễn ra các hoạt động lễ hội. Bên cạnh đó, có các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng nên đề cập đến vấn đề này để tuyên truyền trong toàn dân" - TS. Nguyễn Sỹ Toản nói thêm.
![]() |
Nghị định 28 cũng quy định chặt chẽ việc hóa vàng hương phải đúng nơi quy định. |
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Đức Thiêm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa cổ Phương Đông, Hội Nghiên cứu Văn hóa Đông Nam Á của Việt Nam cho rằng: “Ở các khu di tích có các hòm công đức, người dân nên thể hiện sự thành tâm của mình thông qua việc đóng góp vào đó thì tốt hơn là ném hay thả tiền xuống giếng. Đức Phật hay Thần thánh không tiêu tiền nên hành động đó rất lãng phí. Đây là lối hành xử thiếu văn hóa. Giếng hay ao hồ trong các khu di tích được xem là nơi hội tụ sinh khí hay long mạch của khu đất đó. Không ai có thể mua, bán hay trao đổi với Thần, Phật bằng vật chất mà nên dành sự thành tâm. Ít nhất là phải hành xử đúng mực và có văn hóa tại các chốn tâm linh”.
Khi đề cập đến quy định xử phạt hành chính với hành vi này, ông Nguyễn Đức Thiêm cho hay, người dân chưa nhận thức được tác hại từ hành vi của mình. Nếu người dân không xem trọng tiền, vứt bỏ hoặc phá hoại tiền thì nên phạt nặng. Trong trường hợp này, suy cho cùng điều người dân muốn hướng đến khi thả tiền xuống giếng chỉ xuất phát từ mong muốn mưu cầu bình an, niềm vui và may mắn trong cuộc sống hằng ngày.
“Tôi nghĩ chỉ nên dừng lại ở mức phạt cảnh cáo và nhắc nhở, tuyên truyền” - ông Nguyễn Đức Thiêm nói.
Việc thả tiền xuống giếng, ao hồ tại các khu di tích từ lâu đã bị phản đối tuy nhiên tình trạng này vẫn tiếp diễn. Các chuyên gia cho rằng, cốt lõi vấn đề vẫn là từ ý thức của người dân. Cần phải giáo dục cho người dân từ khi còn là học sinh, để nâng cao văn hóa ứng xử tại các khu di tích.
Đinh Hương
-
Đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
-
Tăng cường phân cấp, tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước
-
Chuyến thăm 4 nước của Tổng Bí thư tạo thêm động lực và nguồn cảm hứng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới
-
Hôm nay, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi)
-
UNCLOS 1982 - "Xương sống" để Việt Nam ban hành chính sách và hệ thống pháp luật về biển