Cần lắm những hình ảnh này!

19:12 | 27/05/2016

10,994 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xem những hình ảnh này, bạn đọc có thể dễ dàng nhận thấy đó là hình ảnh của cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương khi còn ở cương vị Phó thủ tướng Chính phủ về với dân trong một trận lũ lịch sử đã tàn phá cả một vùng ven sông Ba, ở tỉnh Phú Yên vào năm 1994.

Khi ấy, tôi là phóng viên Báo Công an Nhân dân, thường trú ở các tỉnh miền Trung và đã được đi đưa tin hoạt động của Phó thủ tướng.

Phó thủ tướng đi xuống vùng bị thiên tai không có tiền hô hậu ủng với đông đảo cán bộ, ban nọ, ngành kia; không có xe cảnh sát dẫn đường, mà thay vào đó là hình ảnh một vị Phó thủ tướng gần dân, đi vào vùng lũ phải đi bằng xe máy, rồi phải cuốc bộ hàng cây số trên những đoạn đường lầy lội hoặc lổn nhổn đá, rồi ông xuống ngồi với bà con, nghe bà con kể về nỗi khổ của mình sau trận lũ.

can lam nhung hinh anh nay

Ông hỏi bà con những điều bình thường nhất: còn gạo ăn không, còn muối không, còn chăn màn, quần áo không… Rồi ông cũng ăn những thanh lương khô của bộ đội mà anh em mang theo. Gần như không có khoảng cách của một vị Phó thủ tướng với người dân. Nom ông cứ như một ông cán bộ xã vậy.

can lam nhung hinh anh nay

 Sau khi đi kiểm tra và có những chỉ thị với địa phương, nhằm giúp đỡ bà con không bị đứt bữa, không phải chịu rét, ông trở về huyện và ăn một bữa cơm hết sức đạm bạc với cá mặn, rau luộc.

Nhìn lại những hình ảnh của ông ngày ấy và so sánh với hình ảnh cán bộ lãnh đạo của ta hiện nay đi xuống dân, mà tôi thấy một nỗi buồn man mác.

can lam nhung hinh anh nay

Sao bây giờ cán bộ lãnh đạo cấp cao về với dân mà lại xa dân như thế.

Chính quyền địa phương tổ chức đón tiếp linh đình, giăng băng-rôn, khẩu hiệu chào mừng, rồi cán bộ đi theo lúc nào cũng xúng xính comple, cà vạt, thậm chí là được phục vụ một cách “quá ư chu đáo”.

can lam nhung hinh anh nay

Hình như càng ngày, cơ hội đến gần dân, lắng nghe dân của lãnh đạo càng ít đi. Có lẽ chính cách “đón tiếp” quá ư là “nồng hậu”, “chu đáo” của chính quyền địa phương đã làm cho người lãnh đạo bị tách ra khỏi nhân dân. Và cũng rất có thể chính quyền sở tại không muốn lãnh đạo được gặp dân, nghe tiếng nói thật của dân, nên họ cố tình ngăn cách bằng sự “chu đáo”.

 Người dân yêu quý lãnh đạo, tin lãnh đạo nhiều khi không phải những gì to lớn, có tầm vĩ mô, mà đó là những việc làm cụ thể, cách ứng xử gần dân. Người dân tin yêu lãnh đạo là khi họ thấy người lãnh đạo cũng đồng cảm, hiểu nguyện vọng của dân và từ đó có những giải pháp nhanh chóng, thích hợp để giải quyết khó khăn cho dân.

Ở Đà Nẵng, cho đến nay, người dân vẫn giữ nguyên hình ảnh Bí thư Nguyễn Bá Thanh sẵn sàng “lê la” với những người nghèo nhất, khổ nhất… Ông từng lẳng lặng ngồi ở một trụ sở chính quyền trong vai người dân, để được nghe từng lời người dân chửi cán bộ. Ông từng đối thoại hàng tiếng đồng hồ với những gã vũ phu, hơi tý “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ”…

Xem ra bây giờ, những cán bộ cấp cao như bác Trần Đức Lương, như Nguyễn Bá Thanh ngày càng “như lá mùa thu”.

Người dân bây giờ chán ngấy những lãnh đạo không chỉ nói một đằng, làm một nẻo mà còn quan cách, có tác phong, lối sống theo kiểu “trưởng giả học làm sang”, thậm chí là một kiểu trọc phú.

Bác Hồ đã dạy “cán bộ phải là công bộc của dân”, thì quả thật giờ không ít cán bộ đã trở thành “cha mẹ của dân” và thậm chí ở nơi này nơi khác, cán bộ trở thành một thứ cường hào kiểu mới.

Hơn lúc nào hết, chúng ta cần lắm những hình ảnh cán bộ như bác Trần Đức Lương!

 

Nguyễn Như Phong

Năng lượng Mới 526