Cần hoàn thiện pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh

20:29 | 03/04/2024

1,427 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh là khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu các quy định, tiêu chí môi trường, danh mục phân loại xanh ở cấp quốc gia.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại diễn đàn “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh - Vấn đề cấp bách” do tạp chí Nhà đầu tư phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) tổ chức ngày 3/4.

Cần hoàn thiện pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh
Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho hay, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Mới đây, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF 2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa tái khẳng định: Tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững.

Đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về chuyển đổi xanh như: Chiến lược về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Quy hoạch điện VIII… Đồng thời, Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế trong chống biến đổi khí hậu như: Cam kết tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050; tham gia Sáng kiến Phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC); Tuyên bố Chính trị thiết lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP)…

Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn, theo ước tính của ADB khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh.

Cần hoàn thiện pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh

Tại Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, thị trường tín dụng xanh đã có tốc độ phát triển hơn 20%/năm, cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế; một số trái phiếu xanh chính quyền địa phương, trái phiếu xanh doanh nghiệp được phát hành thí điểm, đặc biệt phát hành trái phiếu cho các dự án xanh có quy mô lớn như năng lượng tái tạo, vận tải xanh, bất động sản xanh.

Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh. Tín dụng xanh mới chiếm khoảng 4,4% tổng dự nợ toàn nền kinh tế; con số 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh phát hành trong 5 năm qua vẫn còn rất nhỏ so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh là khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, nhất là còn thiếu các quy định, tiêu chí môi trường, Danh mục phân loại xanh ở cấp quốc gia.

Cần hoàn thiện pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh
Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước trình bày tham luận "Tiềm năng, thực trạng và giải pháp khơi thông, phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam".

Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) chia sẻ, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách, xu thế tất yếu và là giải pháp để các quốc gia vượt qua các thách thức nghiêm trọng của suy thoái kinh tế, bùng nổ dân số, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu trong trình phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Trong bối cảnh các quốc gia đang ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, mô hình tăng trưởng xanh, bền vững là mô hình được các quốc gia hướng đến.

Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến 31/12/2023, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Tín dụng xanh, trái phiếu xanh còn nhiều dư địa để phát triển, tuy nhiên một trở ngại lớn là chưa có danh mục phân loại xanh để làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh.

Cần hoàn thiện pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh
PGS-TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT trình bày tham luận "Xây dựng Danh mục phân loại xanh: Kinh nghiệm thế giới và thực tiễn ở Việt Nam".

Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ cho biết: Trong dự thảo Danh mục phân loại xanh, một chủ đề nhận được sự quan tâm lớn là quy định về tổ chức có chức năng xác nhận xanh thì một cơ quan Nhà nước có thể đứng ra xác nhận nhưng lại làm tăng thủ tục hành chính. Có quan điểm để đơn vị kiểm toán đứng ra xác nhận, tuy nhiên phương án này cũng vấp phải nhiều ý kiến chưa đồng thuận, đặc biệt trong trường hợp sử dụng nguồn tài trợ từ ngân sách nhà nước thì việc giao đơn vị kiểm toán cấp phép chưa đạt độ tin tưởng.

Theo đó, một trong những tầm quan trọng hàng đầu là tạo điều kiện cho phát triển bền vững. Việc xây dựng mục phân loại xanh dựa trên chuẩn quốc tế giúp xác định rõ ràng những tiêu chí và yếu tố quan trọng trong việc đánh giá tính bền vững của các dự án. Điều này khuyến khích việc đầu tư và phát triển các dự án có tác động tích cực đến môi trường, đồng thời hạn chế sự phát triển của những dự án gây hại.

Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và tài trợ quốc tế là một yếu tố quan trọng. Các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế ngày càng quan tâm đến các dự án xanh và bền vững. Bằng việc áp dụng chuẩn quốc tế trong việc phân loại các dự án, Việt Nam sẽ tạo ra sự minh bạch và tin tưởng cho cộng đồng quốc tế. Điều này giúp thu hút đầu tư và tài trợ quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và công nghệ trong nước.

Cần hoàn thiện pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV trình bày tham luận "Tài chính xanh - vấn đề đặt ra với Việt Nam hiện nay".

Theo TS. Cấn Văn Lực, tài chính xanh dù đã được triển khai tại Việt Nam hơn 10 năm, nhưng quy mô còn nhỏ (tín dụng xanh chỉ chiếm 4,4% tổng dư nợ, trái phiếu xanh còn rất ít…). Đặc biệt, việc triển khai tín dụng xanh còn nhiều vướng mắc như chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể (gồm cả thuế, phí, vốn ưu đãi…) liên quan đến việc triển khai tài chính xanh, tài chính bền vững; Các dự án xanh thường có kỳ hạn dài (có thể lên đến 20 năm), chi phí đầu tư lớn,…. trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn và bên vay đòi hỏi lãi suất ưu đãi…

Với trái phiếu xanh, còn thiếu các hướng dẫn chi tiết của các cơ quan chức năng (thông tin, tiêu chí về dự án xanh); cơ chế quản lý, giám sát việc sử dụng nguồn vốn…; khung pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng nhà đầu tư… trên thị trường trái phiêu doanh nghiệp còn chưa hoàn thiện; chưa có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành và đầu tư trái phiếu xanh.

Với cổ phiếu xanh, các công ty niêm yết chưa có sự chủ động đưa ESG vào định hướng kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện hiện tượng lợi dụng nhãn mác xanh nhưng không thực sự vì môi trường.

Để phát triển tài chính xanh tốt hơn, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để phát triển thị trường tài chính xanh một cách hài hòa, hiệu quả giữa các kênh dẫn vốn, gắn với các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hôi. Trong đó, cần xác định các lĩnh vực ưu tiên trước (như năng lượng, giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch...).

Cần hoàn thiện pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh
PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn: Việt Nam đang đi cùng với thế giới về mặt tư duy trong tăng trưởng xanh. Cùng với tăng trưởng xanh, Việt Nam đang thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc, cũng như các nước trong khu vực.

Vấn đề là dù xác định xu hướng như vậy, cũng đã có khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh gồm cả chiến lược, kế hoạch hành động nhưng vấn đề ở đây thách thức với Việt Nam trong chuyển đổi xanh còn lớn.

Tổng kết thực hiện kế hoạch chuyển đổi xanh quốc gia cho thấy chúng ta mới đi được 1/4 chặng đường và yếu nhất vẫn là ở thực thi chính sách. Để giải quyết vấn đề thực thi, giai đoạn 2021-2030 cần rà soát lại vướng mắc trong thực thi chuyển đổi xanh để không lặp lại những vấn đề như giai đoạn trước.

Theo đó, các vướng mắc chủ yếu gồm: Một là năng lực thực thi chủ trương chính sách. Chúng ta đã có sổ tay hướng dẫn tín dụng xanh, trưởng xanh, đã có quy định về chuyển đổi xanh. Nhưng hiện nay vẫn chưa có Danh mục phân loại xanh, tiêu chí môi trường. Dù đã có chủ trương nhưng tại sao tín dụng với các dự án xanh chỉ 4-5% tổng tín dụng trong khi tiềm năng lớn, mục tiêu cao?

Hai là hỗ trợ, can thiệp của Nhà nước vào thị trường. Việc thiếu hỗ trợ sẽ tạo nguồn cung hạn chế cho thị trường. Vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức. Có cung thì mới có cầu. Vì vậy, nhận thức doanh nghiệp chưa đẩy đủ để tham gia vào chuyển đổi xanh. Đi cùng với đó là sự hấp dẫn của trái phiếu xanh, tín dụng xanh còn chưa cao. Cần thấy rằng, để chuyển đổi xanh cần thay thế thế hệ công nghệ và vô cùng tốn kém vì vậy cần có lãi suất ưu đãi, phải có công cụ tài chính hấp dẫn mới có người tham gia.

Ba là làm thế nào để có nền tảng chuyển đổi xanh. Xanh hoá sản xuất là cấu phần quan trọng, cơ cấu năng lương, phát thải, thực hiện kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Từ cấp độ quốc gia, công nghệ đầu tư không đủ. Trung bình các nước đầu tư khoảng 2,2% GDP cho công nghệ trong khi đó Việt Nam còn rất thấp, cần hỗ trợ để chuyển đổi công nghệ cho doanh nghiệp.

Chuyển đổi xanh cũng còn là vấn đề tiêu dùng, gây áp lực xanh hoá. Dư nợ tín dụng hiện nay chỉ tập trung nông nghiệp, năng lượng trong khi còn nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế còn cần chuyển đổi và chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế như xây dựng, giao thông hoặc công nghiệp chế biến chế tạo - cần coi đây là đột phá.

Ngoài ra, làm sao nâng cao nhận thức qua truyền thông. Cần phải có văn hoá chuyển đổi xanh. Cần thay đổi nhận thức của các địa phương về chuyển đổi xanh, đó không phải chỉ là vấn đề dự án, vốn. Có thể thấy yêu cầu chuyển đổi xanh đã sát cửa ngõ nhưng vẫn sự quan tâm, tập trung của chúng ta chưa nhiều.

N.H

Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong công nghiệpThúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong công nghiệp
Thị trường carbon và cuộc đua “Net Zero”Thị trường carbon và cuộc đua “Net Zero”
Thúc đẩy doanh nghiệp FDI trong chiến lược tăng trưởng xanhThúc đẩy doanh nghiệp FDI trong chiến lược tăng trưởng xanh
Sản xuất bền vững hướng đến tăng trưởng xanhSản xuất bền vững hướng đến tăng trưởng xanh