Cần điều chỉnh hộ kinh doanh bằng một luật riêng

08:59 | 22/11/2019

845 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - "Hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN) hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Hộ kinh doanh có quy mô nhỏ thực hiện đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của Chính phủ. Do đó, nếu điều chỉnh thì cần điều chỉnh hộ kinh doanh bằng một luật riêng" - ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP HCM) nói.

Bổ sung vào Luật để hộ kinh doanh được “chính danh”

Việc bổ sung một chương mới quy định về hộ kinh doanh tại dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã nhận được sự quan tâm của nhiều ĐBQH khi thảo luận tại phiên họp ngày 20/11. Phát biểu ý kiến, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) chỉ rõ, hộ kinh doanh thực chất là sự pha trộn giữa hai loại hình: Cá nhân kinh doanh (như DN tư nhân) và nhóm người kinh doanh (tương tự như công ty nhưng với cơ cấu sơ khai nhất). Về bản chất kinh tế, pháp lý và thực tiễn, các hộ kinh doanh có đăng ký là một loại hình DN. Tuy nhiên, dù là một loại hình DN, nhưng hộ kinh doanh hiện chưa được coi là DN, trong khi nhiều hộ kinh doanh đang có quy mô và số lao động được sử dụng thậm chí còn lớn hơn các công ty.

can dieu chinh ho kinh doanh bang mot luat rieng
ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình)

Từ những phân tích trên, đại biểu Lộc cho rằng, đó là một trong những khiếm khuyết lớn nhất trong hệ thống pháp luật về DN hiện hành. Vì thế, việc không đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp đã để lại một hậu quả pháp lý, đó là trong khi quyền và nghĩa vụ của công ty tư nhân và các cá nhân kinh doanh, đóng góp chưa đầy 10% GDP, được quy định trong Luật, thì quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh - nơi sinh kế của hàng chục triệu người và đóng góp hơn 30% GDP của đất nước, mà bản chất cũng là DN, chỉ được chế định trong một Nghị định do Chính phủ ban hành. Điều này trái với nguyên tắc hiến định là việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của công dân chỉ có thể được quy định trong Luật do Quốc hội ban hành.

Với quan điểm ủng hộ việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật không phải là xóa bỏ hộ kinh doanh, cũng không phải ép buộc hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành công ty, hay thành DN tư nhân, cũng không bắt các hộ kinh doanh phải thay tên, đổi họ mà chỉ để “chính danh” họ trong Luật. Mục tiêu cuối cùng của việc đưa vào điều chỉnh bởi dự thảo Luật này là không để hộ kinh doanh bị bỏ lại phía sau, cũng như giúp minh bạch hóa, nâng cao năng lực, thúc đẩy sự phát triển của họ.

“Ghi nhận hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp sẽ không phát sinh thêm các chi phí và thủ tục hành chính cho họ và Nhà nước. Tên của hộ kinh doanh vẫn là hộ kinh doanh. Tuyệt đối không có chuyện “qua một đêm ngủ dậy” thì ông chủ quán phở hôm qua trở thành giám đốc DN phở hôm nay. Nhưng khi vị thế pháp lý, quyền và nghĩa vụ cơ bản của hộ kinh doanh được ghi nhận trong Luật sẽ giúp họ sẽ yên tâm làm ăn bài bản, minh bạch hơn, cũng như có điều kiện thuận lợi từng bước chuyển đổi thành các mô hình DN hiện đại”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận định.

Đưa vào điều chỉnh trong Luật là khiên cưỡng

Dù tán thành hộ kinh doanh cần được Nhà nước quản lý, có địa vị pháp lý, song nhiều ĐBQH không cùng chung ý kiến với đại biểu Lộc mà cho rằng sẽ có sự khiên cưỡng khi đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này.

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho hay: "Sau khi tiếp cận dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), tôi đã thực hiện phỏng vấn sâu với một số chủ hộ kinh doanh, với hai câu hỏi cơ bản gồm: Hoạt động của hộ kinh doanh có vướng mắc, khó khăn nào? Có muốn chuyển đổi thành DN hay không? Tôi hầu như nhận được câu trả lời không. Hầu như các hộ kinh doanh cá thể không muốn chuyển đổi lên DN nhằm né nghĩa vụ nộp thuế, ký hợp đồng với lao động, dù biết chuyển đổi lên DN được nhận nhiều ưu đãi, hỗ trợ hơn".

can dieu chinh ho kinh doanh bang mot luat rieng
Hộ kinh doanh vẫn không mặn mà "lên" doanh nghiệp

Cùng quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhấn mạnh, quản lý hộ kinh doanh là đúng, là nên, là rất cần thiết, để biết và bảo đảm công bằng các loại hình kinh doanh ở mỗi quốc gia. Đặc biệt là để tạo điều kiện, để hỗ trợ cho hộ kinh doanh, kinh tế hộ phát triển. Đây là vấn đề lớn, vì trên cả nước có khoảng 1,5-5 triệu hộ kinh doanh, nên không thể không quản lý hay không suy nghĩ tìm cách phát triển hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, dù cần phải thắt chặt quản lý song đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, không nên đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này. Bởi lẽ, hộ kinh doanh khác DN về quy mô, trình độ quản lý, nhân lực, việc luật hóa sẽ quá sức chịu đựng, thậm chí làm khó và hạn chế sự phát triển của loại hình kinh doanh phổ biến rộng rãi ở nước ta. Vì thế, trước mắt cần có nghị định về hộ kinh doanh cho phù hợp để tạo điều kiện cho họ phát triển. Sau đó một thời gian sẽ xây dựng luật riêng cho hộ kinh doanh.

Với lý lẽ về việc hạn chế quyền tự do kinh doanh đã được hiến định của công dân phải trong Luật, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP HCM) nhấn mạnh, trên thực tế, hộ kinh doanh đã được điều chỉnh tại Khoản 2, Điều 212 Luật Doanh nghiệp hiện hành. Theo đó, hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập DN hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Hộ kinh doanh có quy mô nhỏ thực hiện đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của Chính phủ. Do đó, nếu điều chỉnh thì cần điều chỉnh hộ kinh doanh bằng một luật riêng, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị.

Trước đó, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đưa ra băn khoăn khi cho rằng, hiện nay hộ cá thể ở Việt Nam khoảng 5 triệu hộ và đóng góp vào GDP. Nhưng đóng thuế rất hạn chế. Vấn đề là chúng ta tổ chức quản lý thế nào? Bởi, đây là một loại hình trên thế giới hầu như không có, chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc. Còn các nước là DN, DN nhỏ, siêu nhỏ chứ không có hộ kinh doanh. Vì thế nếu đưa vào DN là người kinh doanh lo sợ, lúng túng về sổ sách, tính toán, chi phí, nộp thuế như thế nào?

“Tôi nghĩ chúng ta cần có Nghị định riêng về hộ kinh doanh cá thể để hỗ trợ dần dần, từng bước có một luật riêng đối với hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, đi liền với nó là hệ thống kế toán sổ sách để có thể quản lý được chất lượng hàng hóa để chúng ta có thể khấu trừ khi chúng ta cần thuế” - ông Ngân nói.

Đồng quan điểm này, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng, hiện nay chưa có những văn bản quy định về địa vị pháp lý, hỗ trợ của Nhà nước trong thành lập, hoạt động, quản trị hộ. Cần thiết có những văn bản quy định vấn đề này, nhưng nếu đặt trong Luật Doanh nghiệp, thì sẽ “khiên cưỡng”.

“Theo quy định của pháp luật hiện nay, đặc biệt là một số đạo luật như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì hộ gia đình không phải là DN vì trong luật này có quy định là có chính sách để hỗ trợ hộ gia đình trở thành DN, tức là hộ gia đình không phải là DN. Theo tôi, có thể cần có quy định của pháp luật nhưng sẽ để ở một văn bản riêng, có thể chưa hình thành được những điều kiện, chưa có kinh nghiệm thì có thể ở văn bản dưới luật, sau đó tổng kết thì sẽ thành luật riêng cho loại hình này” - đại biểu Đỗ Văn Sinh nói.

Chủ trì thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh sự cần thiết trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý trong dự luật đối với hộ kinh doanh vì đây là đối tượng cần sự quản lý của nhà nước, cần có địa vị pháp lý để được tiếp cận chính sách của Nhà nước, bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, UBKT đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn về khái niệm, loại hình, đối tượng được thành lập, nghĩa vụ đăng ký, chủ hộ và các thành viên, quyền và nghĩa vụ (thuế, lao động, BHXH, môi trường...) của hộ kinh doanh.

Đức Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc