Cam Ranh trong mắt chuyên gia quân sự nước ngoài (Kỳ cuối)

07:00 | 11/08/2016

6,652 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau chuyến thăm Nga gần đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một nhóm chuyên gia của Việt Nam đã đến Moskva để hội đàm với thượng nghị sĩ Nga, Trung tướng Viktor Aistov, về hướng sử dụng quân cảng Cam Ranh trong tương lai.

Nhìn chung, Việt Nam và Liên Xô cũ không thừa hưởng được nhiều từ căn cứ Cam Ranh do Mỹ để lại. Vào khoảng giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, nhiều hạng mục công trình ở đây đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, một số hạng mục trở nên lạc hậu, lỗi thời. Cầu cảng và đường băng sân bay phải được sửa chữa, nâng cấp. Khí hậu nhiệt đới cũng làm cho hệ thống đường sá bị hư hỏng nặng.

cam ranh trong mat chuyen gia quan su nuoc ngoai ky cuoi
Trung tướng, thượng nghị sĩ Nga Viktor Aistov

Xây dựng lại từ đầu

Theo ông Viktor Aistov, phía Liên Xô gần như hoàn toàn phải xây dựng mới căn cứ quân sự Cam Ranh. Chỉ trong năm 1987 (năm ông bắt đầu được giao phụ trách công tác xây dựng ở Cam Ranh), tại đây đã có 440 tòa nhà và binh xưởng được bàn giao đưa vào sử dụng. Con số của năm 1988, 1989 là 28 và 131.

Trong việc tái thiết quân cảng Cam Ranh, người Nga đã tỏ ra cao tay hơn người Pháp và người Mỹ. Người Mỹ dù cố gắng cách nào cũng không thể giải quyết vấn đề nước ngọt cho căn cứ này, buộc phải chở nước bằng xe bồn từ sâu trong đất liền tới đây, còn người Nga thì xây dựng thành công một nhà máy lọc nước với nguồn nước lấy từ hồ trên núi qua hệ thống ống dẫn.

Hàng trăm tòa nhà phục vụ đa chức năng khác nhau được người Nga xây dựng tại đây. 7 khu doanh trại với chỗ ăn nghỉ, sinh hoạt cho nhiều nghìn quân nhân thường trực ở căn cứ và các thủy thủ đoàn ghé lại trong thời gian ngắn. 2 khu nhà ăn với tổng cộng hơn 500 bàn ăn. Chỉ huy sở và trạm thông tin của các đơn vị đều thuộc hàng hiện đại nhất thời đó. 1 bệnh viện có 100 giường bệnh. 1 trung tâm văn hóa với rạp đa năng (sân khấu, điện ảnh, xiếc…) có 400 chỗ ngồi. 2 trung tâm luyện tập, thi đấu thể dục thể thao. 1 trường học cho học sinh là con em các quân nhân phục vụ thường trực dài ngày ở căn cứ. 16 tòa nhà chung cư có tổng cộng 700 căn hộ.

cam ranh trong mat chuyen gia quan su nuoc ngoai ky cuoi
Tàu chiến Nga ở cảng Cam Ranh năm 1987

Một căn cứ tiên tiến

Ngoài cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần, người Nga đã tạo ra ở Cam Ranh một cơ sở vật chất - kỹ thuật quân sự tiên tiến nhất thời đó. Họ đã xây dựng được những sở chỉ huy, những trung tâm thông tin liên lạc hiện đại, những kho lưu trữ và bảo trì các hệ thống tên lửa hành trình, kho bom và tên lửa không đối không, không đối hạm, không đối đất cho Trung đoàn Không quân, kho nhiên liệu lỏng (12 hầm chứa và các phương tiện lưu trữ đặc biệt). Một hệ thống cung cấp năng lượng hiện đại: Trạm phát điện chạy bằng động cơ diesel có công suất 24.000kW, đường dây tải điện cao áp, trạm biến áp... 1 hệ thống kho hậu cần cũng đã được xây dựng, gồm 2 kho thực phẩm và hai kho quân trang quân dụng, 3 kho thiết bị kỹ thuật, 2 kho đông lạnh với sức chứa 270 tấn.

Cần biết rằng tất cả những hạng mục công trình kể trên được xây dựng theo công nghệ tiên tiến nhất thời đó. Thí dụ, kho lưu trữ tên lửa hành trình đã được xây dựng với sự tính toán đến các yếu tố cần thiết để đảm bảo loại vũ khí này luôn có thể được sử dụng tốt trong điều kiện thời tiết, khí hậu miền nhiệt đới. Mọi thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất đều được ứng dụng vào những công trình đặc biệt như thế. Kho vũ khí ở Cam Ranh được coi là tối tân nhất so với bất cứ cơ sở tương đương nào ở Liên Xô thời đó. Sau khi Liên Xô tan rã và Hải quân Nga rút về nước, toàn bộ vũ khí ở Cam Ranh được chuyển giao cho phía Việt Nam, Tướng Aistov cho biết.

Việt Nam góp sức lớn

Cũng cần biết rằng sự đóng góp của phía Việt Nam trong việc xây dựng lại căn cứ quân sự Cam Ranh là rất lớn. Ban đầu, việc tái thiết căn cứ Cam Ranh được giao cho bộ phận xây dựng công trình cơ bản của Hạm đội Thái Bình Dương, về sau được chuyển giao cho Binh đoàn xây dựng hải ngoại thuộc Bộ Quốc phòng Liên Xô. Tướng Aistov lúc đó là Chỉ huy trưởng Lữ đoàn số 22 thuộc lực lượng này, đơn vị trực tiếp thực hiện việc tái thiết căn cứ Cam Ranh.

Dĩ nhiên phía Việt Nam cũng tham gia quá trình xây dựng, nâng cấp căn cứ Cam Ranh. Trong giai đoạn cao điểm (1987-1989), có khoảng 4.500-5.000 binh sĩ thuộc Lữ đoàn Xây dựng số 394 của Việt Nam tham gia xây dựng Cam Ranh cùng 2.400-2.500 binh sĩ Liên Xô.

Tổn thất khó tránh

Trong quá trình xây dựng, phục hồi căn cứ quân sự Cam Ranh, phía Liên Xô đã phải chịu một số tổn thất về nhân mạng, với 44 binh lính, sĩ quan hy sinh. Hiện nay tại nơi đây vẫn còn tấm bia đá khắc tên những quân nhân Liên Xô ngày ấy đã ngã xuống. Đó là toàn bộ phi hành đoàn chiếc máy bay Tu-95, hy sinh ngày 13-2-1985; các phi công và hành khách của chiếc máy bay An-42, thọ nạn ngày 8-7-1989 khi hạ cánh xuống đường băng sân bay Cam Ranh, các phi công của đội bay Tráng sĩ Nga nổi tiếng, lâm nạn gần Cam Ranh ngày 12-12-1995 và một số trường hợp đáng tiếc khác.

Cuộc chiến tranh ngày ấy, tuy được gọi là “lạnh”, nhưng phía Liên Xô đã phải đổ không ít máu. Theo chuẩn đô đốc Nikolai Matyushkin, người đã từng phục vụ tại căn cứ Cam Ranh, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Liên Xô mất một số lượng tàu ngầm nhiều hơn số tàu ngầm bị mất trong chiến tranh Nga - Nhật, Thế chiến thứ I, nội chiến và chiến tranh Nga - Phần Lan cộng gộp.

Tại sao Nga rời khỏi Cam Ranh?

Những năm đầu thế kỷ XXI, Hải quân Nga chủ trương giảm hoạt động. Hội đồng An ninh quốc gia cho rằng, căn cứ Cam Ranh không còn cần thiết cho Nga.

Nhưng trong văn bản Thỏa thuận ký kết vào năm 1979 lại không có điều khoản về việc chấm dứt hợp tác trước thời hạn (25 năm, theo thỏa thuận). Sau một quá trình đàm phán kéo dài, ngày 2-5-2002, hai bên đã ký biên bản bàn giao - tiếp nhận các hạng mục của căn cứ này.

Sau khi Nga rút đi, Việt Nam đã tiến hành nâng cấp sân bay Cam Ranh thành phi trường quốc tế và tiếp tục duy trì quân cảng. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định rằng Liên bang Nga là đối tác chiến lược của Việt Nam và hai bên nên sử dụng những tiềm lực sẵn có để phát triển mối quan hệ vì lợi ích của cả hai quốc gia. Với những điều kiện mở như thế, theo Tướng Aistov, Nga sẽ không gặp trở ngại gì nếu muốn trở lại với Cam Ranh.

Cũng theo Tướng Aistov, Việt Nam giờ đây đã cởi mở hơn nhiều. Người Việt Nam, sau nhiều thập niên phải cầm súng bảo vệ nền tự do, độc lập của dân tộc, bây giờ chính là thời điểm chín muồi để tái thiết đất nước, vươn tầm thời đại, đồng thời cũng quan tâm đến việc chống trả sự nhòm ngó, lấn ép từ những thế lực bên ngoài. Theo truyền thống, Liên Xô trước đây và Nga ngày nay không bao giờ xa lánh bạn bè, đối tác. Những kinh nghiệm dồi dào của Nga trong các lĩnh vực quốc phòng và kiến thiết có thể sẽ giúp ích cho Việt Nam anh em, ông Aistov bày tỏ hy vọng sẽ được tái ngộ tại Cam Ranh.

Phạm Bá Thủy (Theo Tass)

Năng lượng Mới 547

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc