Ca tái dương tính có thể là "người lành mang trùng"

16:59 | 14/04/2020

720 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm đánh giá "bệnh nhân 22" tái dương tính có thể là "người lành mang trùng", tức mang mầm bệnh nhưng không triệu chứng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết sau khi điều trị khỏi, bệnh nhân trở thành người hết bệnh nhưng còn mang virus trong cơ thể, khi xét nghiệm dương tính thì gọi là người lành mang trùng. Những người này không có triệu chứng nên không điều trị triệu chứng, mà chỉ cách ly, theo dõi.

Theo bác sĩ Khanh, thông thường khi nhiễm virus, giai đoạn đầu virus nhân lên rất nhiều trong cơ thể. Cơ thể sẽ huy động hệ thống tế bào sản xuất kháng thể, chặn lại không cho virus nhân lên. Qua giai đoạn sau, bệnh nhân có thể thuộc một trong hai nhóm. Một nhóm là hoàn toàn không còn virus trong cơ thể. Nhóm thứ hai là virus trở thành cộng sinh, vẫn ở trong cơ thể mà không gây bệnh, gọi là người lành mang trùng.

Người lành mang trùng có thể lây bệnh. Về nguyên tắc, người mang virus trong cơ thể, tùy theo triệu chứng mà khả năng lây ít hay nhiều. Chẳng hạn khi người mang virus trong mũi họng mà ho, hắt hơi nhiều, thì nguy cơ phát tán virus cao. Nếu họ không ho, hắt hơi thì sẽ phát tán ít hơn.

"Thậm chí ở một số bệnh, giai đoạn sau có virus nhưng không lây cho người vì nồng độ virus thấp", bác sĩ Khanh nói. Ví dụ bệnh cúm, sau một thời gian mắc bệnh, xét nghiệm mang virus nhưng không có khả năng lây nữa. Bệnh sởi cũng tương tự, khoảng 4-5 ngày sau khi phát ban, trong họng còn virus nhưng không lây bệnh.

Theo bác sĩ Khanh, một số bệnh, tỷ lệ người lành mang trùng sau khi khỏi bệnh khoảng vài phần trăm. nCoV còn mới, nếu muốn biết sau khi khỏi bệnh lượng virus còn bao nhiêu, khả năng lây nhiễm thế nào cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

"Nếu đã phát người lành mang trùng ở Covid-19, biện pháp phòng ngừa càng phải nghiêm ngặt hơn", bác sĩ cảnh báo. Cần mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc gần để bảo vệ người khác khỏi nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là người lớn tuổi, người có bệnh nền.

Theo một chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại TP HCM, ba khả năng có thể xảy ra ở "bệnh nhân 22": tái phát, tái nhiễm hoặc chưa hoàn hoàn âm tính. Thế giới từng ghi nhận nhiều bệnh nhân xét nghiệm âm tính một vài lần rồi dương tính trở lại. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng âm tính giả do kỹ thuật xét nghiệm không đủ nhạy.

Ca tái dương tính có thể là
Bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM xét nghiệm Covid-19 bằng kỹ thuật RT-PCR. Ảnh: Quỳnh Trần

"Bệnh nhân 22" điều trị Covid-19 tại Đà Nẵng từ ngày 8 đến 27/3. Bệnh nhân được xét nghiệm 3 lần âm tính vào các ngày 19, 23, 25 trước khi xuất viện, tiếp tục cách ly 14 ngày tại một khách sạn ở Đà Nẵng.

Ngày 10/4, bệnh nhân vào TP HCM, lấy mẫu sàng lọc ở sân bay. Xét nghiệm RT-PCR tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đều dương tính. Bệnh nhân đã xuất cảnh về Anh trước khi có kết quả xét nghiệm.

Thế giới cũng ghi nhận nhiều người xét nghiệm dương tính sau khi khỏi Covid-19. Theo SCMP, m

ột nghiên cứu bởi các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc công bố đầu tháng 4 cho thấy 38 trong số 262 người bị dương tính lại, chiếm 14,5%. Tuy nhiên những người tiếp xúc với 38 người này không bị nhiễm nCoV từ họ.

Các chuyên gia cho rằng do sự khác biệt về bộ kit xét nghiệm, không loại trừ khả năng những người đã được cho là khỏi Covid-19 vẫn mang mầm bệnh. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng virus trong những bệnh nhân tái dương tính không có khả năng lây lan, nhưng vẫn cần cân nhắc cách thức ứng phó thích hợp với vấn đề dương tính lại.

Theo VNE