Bộ Tài chính cam kết giảm 50% Chi cục thuế vào năm 2020

10:35 | 03/07/2018

350 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: "Chúng tôi cam kết từ nay đến năm 2020 sẽ giảm 50% Chi cục thuế”.

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 2/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có báo cáo về kết quả thực hiện tài chính ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2018 và đưa ra nhiều kiến nghị để cải thiện những bất cập còn tồn tại.

bo tai chinh cam ket giam 50 chi cuc thue vao nam 2020
Tình hình trong nước là tăng trưởng kinh tế chậm lại, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, việc sắp xếp đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm.

Theo đó, Bộ trưởng cho biết, tình hình kinh tế xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức phải đối mặt từ tác động bên ngoài và những yếu kém nội tại. Trong đó, đáng chú ý là chủ nghĩa bảo hộ, chính sách tiền tệ thắt chặt, cuộc đua điều chỉnh ưu đãi thuế của các nền kinh tế dẫn đến ảnh hưởng dòng vốn đầu tư quốc tế…

“Tình hình trong nước là tăng trưởng kinh tế chậm lại, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, việc sắp xếp đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm…”, Bộ trưởng thẳng thắn chỉ rõ.

Vì thế, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định, tình hình trên đã có ảnh hưởng tới việc thu chi NSNN. Cụ thể, thu NSNN 6 tháng đạt 49,4% dự toán, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ 2017, trong đó các khoản thu nội địa đạt 46,6% dự toán, tăng 13% so với cùng kỳ, cao hơn tăng trưởng kinh tế và CPI.

Bên cạnh đó, tình hình thu từ khu vực kinh tế dù tăng nhưng đều đạt thấp, trong đó, thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ các ngân hàng TMCP nhà nước mới đạt 39% dự toán, thu từ các doanh nghiệp ngành viễn thông đạt 34,3%, thu từ doanh nghiệp sản xuất thuốc lá đạt 44,9% doanh nghiệp sản xuất bia đạt 44%, doanh nghiệp than 29,7%, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô có vốn đầu tư nước ngoài nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đạt 36,8%…

Hơn nữa, kết quả thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh còn thấp, thu ngân sách địa phương đạt 46,2%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái (41%). Thu ngân sách địa phương đạt 44,5% dự toán… trong đó, có 46/63 địa phương đạt tiến độ, 38 địa phương không đạt, vẫn còn một số địa phương thu thấp hơn dự toán.

Do đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị, trong 6 tháng cuối năm, các cấp lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, cơ quan trung ương tiếp tục vào cuộc, chỉ đạo sát sao, thực hiện các giải pháp tăng cường chỉ đạo thu, phối hơp, tăng cường công tác thanh kiểm tra, đảm bảo thu đúng, thu đủ các khoản thu phát sinh.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết, việc chi đã được quản lý chặt chẽ, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, chi chủ yếu cho địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở bờ sông, gia cố đề điều…

Trong công tác giải ngân vốn, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, công tác giải ngân vốn cao hơn cùng kỳ song còn chậm so với yêu cầu, mới đạt 32,5% dự toán, nhiều bộ, ngành, địa phương có tốc độ giải ngân thấp dưới 25%. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung chủ đạo tháo gỡ khó khăn trong xây dựng cơ bản để thúc đẩy giải ngân theo dự toán.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, 2018 là năm thứ 2 thực hiện Luật NSNN, nên các địa phương cần phấn đấu thu đạt để vượt nguồn chi tiêu, trường hợp vượt dự toán thì cần giữ lại 50% ngân sách dự phòng trung ương, đảm bảo cân đối các nguồn lực tại chỗ.

Về công tác cải cách hành chính, Bộ Tài chính đã cải thiện môi trường đầu tư. Người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã phê duyêt đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm 92 điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa 98 điều kiện, đạt 51,3% số lượng; Bộ cũng đã kiến nghị sửa đổi 6 luật và 16 nghị định, phối hợp với các bộ sửa đổi, bãi bỏ 80/87 văn bản về quản lý kiểm tra chuyên ngành theo chỉ đạo của Chính phủ.

Hơn nữa, đến năm 2018, Bộ Tài chính đã thực hiện triển khai trực tuyến thủ tục hành chính, thực hiện kê khai nộp thuế điện tử, hải quan điện tử với 11 bộ, ngành tham gia kết nối; tuy nhiên mới có 53/284 thủ tục hành được thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN.

Báo cáo về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, theo Bộ trưởng Đinh Tiễn Dũng, trong 6 tháng cả nước mới cổ phần hóa được 8 doanh nghiệp, trong khi kế hoạch là năm 2018 cổ phần hóa 85 doanh nghiệp.

“Như vậy, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm, khó có khả năng đạt được kế hoạch đề ra trong năm 2018”, Bộ trưởng nói, đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng quyết định, phương án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trực thuộc theo chỉ đạo của Chính phủ, giúp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.

Về việc đổi mới khu vực sự nghiệp công, Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá: “Nếu theo tiến độ này thì khó đạt được như tinh thần theo Nghị quyết 19, kho đảm bảo mục tiêu cải cách tiền lương. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ khẩn trương thực hiện, hoàn thiện đề án sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp”.

Một kiến nghị nữa được đưa ra là về việc tinh giản bộ máy kết hợp tinh giản biên chế, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, cơ quan cần sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Hiện Bộ Tài chính đã cắt giảm, giải thể một số phòng giao dịch của Kho bạc Nhà nước, tinh gọn các chi cục thuế, hải quan, cục dự trữ… Do đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị các địa phương ủng hộ, đảm bảo đúng lộ trình.

Trước tình hình trên, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp triển khai đúng kế hoạch NSNN năm 2018. xây dựng dự toán NSNN 2019 và dự thảo kế hoạch tài chính ngân sách 2019. Bộ Tài chính sẽ chủ động căn cứ các chỉ đạo để tính toán điều chỉnh cơ cấu ngân sách trong trường hợp các bộ, địa phương chậm triển khai.

Liên quan đến các kiến nghị trong lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ tiếp thu, sửa đổi và có văn bản trả lời các địa phương theo thẩm quyền.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Luật thuế tài sản "đẩy lùi" tình trạng đầu cơ bất động sản
Dự thảo Luật thuế tài sản mong muốn lắng nghe ý kiến người dân
Bộ Tài chính kiên quyết công ty đòi nợ phải có vốn 2 tỷ đồng, sếp tốt nghiệp đại học
VCCI phản đối quy định giám đốc doanh nghiệp đòi nợ phải có… bằng đại học