Bộ GTVT quy định niên hạn hoạt động của tàu cánh ngầm

16:14 | 25/09/2013

591 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 25/9, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thiện công tác soạn thảo và trình lên Thủ tướng Chính phủ về “Dự thảo Nghị định về niên hạn sử dụng phương tiện thủy cao tốc chở khách tại Việt Nam”.

Theo dự thảo, thời gian qua, hoạt động vận tải hành khách bằng tàu cao tốc cánh ngầm đã xảy ra một số sự cố, tai nạn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông hàng hải và đường thủy nội địa. Cụ thể, theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, từ 2007 đến tháng 6/2012, đã xảy ra 25 sự cố, tai nạn liên quan đến tàu cao tốc chở khách, làm chết 12 người, bị thương 33 người.

Trước những con số giật mình về các vụ tai nạn liên quan đến tàu cao tốc chở khách trong 5 năm qua, ông Nguyễn Văn Thuấn - Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) đánh giá: Hiện nay, các tàu cao tốc cánh ngầm về cơ bản đảm bảo các điều kiện an toàn kỹ thuật. Tuy nhiên, còn một số khiếm khuyết liên quan đã được cơ quan chức năng khuyến cáo và đã được khắc phục ngay.

Tàu cánh ngầm vẫn hoạt động sai luồng tuyến bởi theo quy định Thông tư 14 của Bộ Giao thông Vận tải thì loại tàu này được coi là phương tiện hoạt động thủy nội địa nhưng khi ra khỏi bến lại hoạt động trên luồng hàng hải. Về nguyên tắc, phương tiện chạy trên luồng hàng hải phải được theo dõi giám sát nhưng vì tàu cánh ngầm chỉ được coi là phương tiện thủy nội địa nên nhiều chủ tàu không lắp thiết bị giám sát hàng hải cho tàu của mình, ông Thuấn cho biết thêm.

Bộ Giao thông Vận tải "siết" hoạt động tàu cánh ngầm.

Trước thực trạng trên, Bộ Giao thông Vận tải đã và đang chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về niên hạn sử dụng phương tiện thủy cao tốc chở khách tại Việt Nam. Theo đó, đơn vị chủ trì đã trình 2 phương án quy định niên hạn sử dụng tàu cao tốc chở khách, thời hạn áp dụng và cách tính tuổi tàu.  

Phương án thứ nhất quy định, tất cả các phương tiện thủy cao tốc chở khách nên quy định niên hạn sử dụng không quá 25 năm.

Về quy định niên hạn này, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, nếu áp dụng theo phương án này thì không ảnh hưởng đến vận tải, chủ tàu có đủ thời gian để đổi mới phương tiện nên hầu như không tác động xấu đến vận tải hành khách, không ảnh hưởng nhiều đến đầu tư.

Phương án thứ hai được đưa ra là niên hạn sử dụng của tàu cánh ngầm không quá 21 năm; tàu đệm khí không quá 18 năm; các phương tiện thủy cao tốc chở khách khác không quá 25 năm. Theo phương án này thì số lượng phương tiện bị loại khi hết năm 2013 lớn, chủ tàu không có đủ thời gian để đổi mới phương tiện nên sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu vận tải hành khách và ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của chủ tàu.

Bên cạnh niên hạn sử dụng tàu cánh ngầm, Bộ Giao thông Vận tải cũng quy định thời hạn kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của tàu cao tốc chở khách tối đa là 12 tháng. Sau khi kiểm tra thực tế đối với các tàu cao tốc chở khách trên 20 tuổi đã tăng khối lượng kiểm tra và rút ngắn chu kỳ kiểm tra xuống còn 6 tháng.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu cảng, bến phải có hướng dẫn các thao tác sử dụng phao cứu sinh, các tình huống thoát hiểm khi xảy ra sự cố. Thuyền viên trên tàu phải thường xuyên được cập nhật các quy định đảm bảo an toàn hàng hải đặc biệt các quy định phòng chống va trôi, các thông tin về luồng hàng hải.

T.Minh