Bỏ chứng khoán: Đại gia đau đớn ra đi

06:25 | 22/03/2013

497 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thị trường chứng khoán (TTCK) đang chứng kiến những cuộc rút lui của không ít đại gia. Có người âm thầm chấp nhận ra đi như kết thúc một cuộc chơi không may nhưng có người chuộc lấy thua lỗ đau đớn và tù tội.

Giải thể để khỏi mất trắng

Ngày 20/3, đại hội cổ đông CTCP Chứng khoán Âu Việt (mã AVS) đã thông qua kế hoạch thu gọn hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản, giải thể công ty và hủy niêm yết cổ phiếu trên HNX. Số tiền mặt hơn 150 tỷ sẽ gửi ngân hàng để lấy lãi, đảm bảo một mức lợi nhuận vài tỷ cho đơn vị trong năm nay.

AVS đưa ra quyết định rút lui sau gần 6 năm hoạt động với nhiều năm thua lỗ. Với vốn chủ sở hữu tới cuối 2012 là 216 tỷ đồng, giá trị sổ sách AVS đạt 6.000 đồng/cp. Việc giải thể sẽ mang lại cho các cổ đông một khoản tiền khá hơn nhiều so với 4.900 đồng/cp hiện tại và mức hơn 3.000 đồng/cp hồi cuối năm 2012.

Giải thể sớm được cho là cách giúp các cổ đông lấy lại vốn một cách nhanh nhất, càng hoạt động khả năng thua lỗ, tổn thất thêm tiền là rất cao.

Trước đó, hồi đầu năm 2011, giới đầu tư chứng khoán cũng đã chứng kiến chủ đầu tư bán Chứng khoán Vincom (VIX) bán cho ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy). Đặc biệt là sự kiện Chứng khoán Kim Long (KLS) một công ty có mặt từ đâu trên thị trường đang làm ăn ổn bất ngờ tuyên bố rút khỏi thị trường.

KLS đã quyết định từ bỏ cái danh CTCK và chuyển đổi thành công ty cổ phần thuần túy trong sự ngỡ ngàng của giới đầu tư. Trong tờ trình đại hội cổ đông 2011 khi đó, KLS cho biết, công ty nhận thức được những thách thức trong hoạt động kinh doanh chứng khoán và cần thiết thay đổi ngành nghề kinh doanh để nắm bắt những cơ hội phát triển trong tương lai.

Rất nhiều chuyên gia chứng khoán khi đó chia sẻ khó khăn mà KLS dự báo nhưng không thực sự bị thuyết phục bởi quyết định nói trên. Nhiều người cho rằng, thị trường khó khăn là không tránh khỏi, số lượng 105 CTCK là nhiều nhưng không có nghĩa các CTCK không thể làm ăn được, đến mức phải rời bỏ thị trường.

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh điều ngược lại. TTCK đã khó khăn kéo dài bởi nên kinh tế khủng hoảng, bởi sự thiếu minh bạch trên thị trường nhưng lại thừa mứa cổ phiếu không hấp dẫn và có quá nhiều CTCK hoạt động hỗn loạn.

Hàng loạt CTCK sau đó đã rơi vào khó khăn tận cùng và buộc phải rút gọn hoạt động như CLS, Sao Việt, Liên Việt, An Phát, Đông Dương, Hà Nội... (xin chấm dứt tư cách thành viên 2 sở hoặc/và rút nghiệp vụ môi giới).

Chuốc họa vì cố bám

Trái với những cú rút khỏi thị trường trong tình trạng "thua lỗ không nhiều", nhiều đại gia chứng khoán đã phải chấp nhận thua lỗ nặng nề, mất cả vốn do doanh nghiệp hoạt động thua lỗ liên tục trong nhiều năm.

Trường hợp "ngã ngựa" đau đớn nhất có lẽ là Chứng khoán Sacombank (SBS). Từ một ông lớn trên TTCK cách đây 2 năm với quy mô vốn lên tới cả ngàn tỷ (đứng thứ 4 về quy mô, thứ 3 về thị phần môi giới), SBS đang đứng trước án "hủy niêm yết bắt buộc" với số âm vốn chủ sở hữu lên tới trên 250 tỷ đồng.

Mới đây nhất, toàn bộ lãnh đạo SBS đã xin rút lui đẩy công ty vào tinh huông khủng hoảng người điều hành.

Cho tới thời điểm này, các cổ đông SBS đã đồng lòng và rất muốn tái cấu trúc cứu vãn doanh nghiệp. Tuy nhiên, mong muốn cuối cùng của các cổ đông, bao gồm khá nhiều đại gia đầu tư còn phải chờ đợi sự may mắn bởi số phận doanh nghiệp này phụ thuộc vào việc Ngân hàng Nhà nước có cho phép chuyển đổi một phần trái phiếu chuyển đổi (500 tỷ đồng) thành vốn góp hay không và Ủy ban Chứng khoán có cho phép gộp cổ phiếu để xóa lỗ hay không?

Trường hợp Chứng khoán SME tệ hại không kém. CTCK thuộc tốp trên với vốn điều lệ lớn, công nghệ hiện đại này đã bị hủy niêm yết từ tháng 10/2012 và không có lối thoát do hoạt động kém hiệu quả và hàng loạt chiêu trò mà kết quả là những lãnh đạo cao cấp nhất của công ty đã bị bắt và bị khởi tố trong vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Gần đây nhất, một đại gia cũng đã buộc phải tháo chạy khỏi chứng khoán do lỗ nặng. Trong thông báo mới đây, Chứng Khoán Xuân Thành (tên cũ là Chứng khoán Vincom) cho biết, đại hội cổ đông tháng 4 tới, HĐQT sẽ trình cổ đông thông qua một loạt vấn đề quan trọng như thay đổi thành viên HĐQT, ban kiểm soát; thay đổi người đại diện theo pháp luật và đổi tên của công ty và thay đổi cả trụ sở làm việc hiện tại.

Nội dung họp được đưa ra sau khi ông bầu Nguyễn Đức Thụy đã đăng ký rao bán toàn bộ 24,45 triệu cổ phiếu chứng khoán Xuân Thành (tương ứng 81,5% vốn VIX) sau hai năm dính vào chứng khoán. Trong hai năm 2011 và 2012, Chứng khoán Xuân Thành đã lỗ tổng cộng gần 45 tỷ đồng.

Rất nhiều các đại gia khác cũng đang âm thầm rút khỏi cuộc chơi khi mà các CTCK của họ gần như còn rất ít dấu tích trên thị trường như: HSSC, TSC, Hamico, Hà Thành, Cao Su, Công Nghiệp... hay thua lỗ nhiều năm liên tiếp như: Tầm Nhìn (lỗ 6 năm liên tiếp), Chứng khoán Navibank (lỗ 5 năm liên tiếp), SVS (lỗ 3 năm liên tiếp)...

Việc nhiều đại gia tìm cách thoát khỏi một môi trường có tính cạnh tranh cao và đang có sự sàng lọc mạnh mẽ như vậy có lẽ là hợp lý. Nó khiến cho các cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong công cuộc tái cấu trúc thị trường. Và đây có lẽ cũng là một bài học cho những doanh nhân ưa mạo hiểm, thích chộp cơ hội kinh doanh mà mình không có thế mạnh.

Theo Huân Tú/Vietnamnet