Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 4)

06:45 | 26/07/2014

9,172 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chưa ngủ được bao lâu thì Lân chợt tỉnh vì có tiếng ôtô. Một chiếc xe con màu đen sang trọng đến đỗ ở ven đường.Từ trên xe, một người đàn ông ăn mặc rất thể thao, quần soóc đen, áo phông mang nhãn hiệu Nike, đội mũ rộng vành khệnh khạng đi ra hồ ngó nghiêng

Năng lượng Mới số 341

>> Bí mật những cuộc đời (Kỳ 3)

Cùng đi với ông ta còn hai người nữa. Họ mở cốp xe lấy ra túi câu, ghế ngồi và mang đến dưới một gốc cây bạch đàn lớn. Trong khi một người loay hoay lắp máy câu, một người lấy nilon trải ra bãi cỏ và bày ra bia lon, thịt lợn hun khói, xúc xích...

Lân ngồi dậy, theo dõi những người mới đến bằng con mắt tò mò. Nhìn cách họ lắp máy câu, rồi đo độ sâu, dò ổ để thả thính, Lân biết ngay đây là người mới tập tọng vào nghề. Chỉ có điều nhìn túi câu và ghế câu thì cũng biết họ là dân… thừa tiền. Lân  nhếch mép cười vẻ coi thường rồi nằm xuống vắt tay lên trán.

Lúc đó Lân hoàn toàn không biết người đang được phục vụ câu kia là ông Trần Ðức Hiển, Chủ tịch tỉnh. Còn hai người đi theo ông ngoài tay lái xe tên là Lý thì người kia là Phan Hồng Hải. Ðó là một gã thanh niên có vóc người lùn, cặp mắt nhỏ nhưng rất lanh lợi. Hải vốn là tay buôn ôtô, xe máy và đã từng là đại gia trong nhưng năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Hồi ấy, phong trào đưa xe du lịch secondhand sang Trung Quốc đang rầm rộ. Hải đã lập được đường dây mua bán xe từ Campuchia về và đưa sang Trung Quốc. Chỉ trong một năm, hắn bán trót lọt hơn 200 xe và trở thành tỷ phú.

Nhưng vận đỏ không kéo dài mãi, hắn bị Cục Cảnh sát Kinh tế của Bộ Công an bắt vì tội buôn lậu, trốn thuế và lừa đảo. Phải mất khá nhiều tiền cho Viện Kiểm sát, Tòa án tỉnh, Hải mới được nhận mức án 4 năm tù, nhưng chưa được 2 năm thì hắn được ân xá ra trước thời hạn.Với số tiền còn giữ được, Hải lao vào kinh doanh xe máy, nhưng lần này, hắn biết giữ gìn hơn.

Trong khi Hải và tay lái xe chuẩn bị, ông Hiển vẫn chắp tay sau lưng ngó trời, ngó nước.

- Thưa anh, mời anh uống bia. Chờ lát nữa cá vào sẽ câu - Phan Hồng Hải lễ phép nói.

- Ai là chủ hồ này? -  Ông Hiển hỏi.

- Thưa anh, hồ này xưa kia là của Phòng Nông nghiệp thị xã nhưng bỏ hoang đã 3 năm nay. Cá không nhiều nhưng đã có cá thì to lắm, không có cá nhỏ đâu. Hôm nay, nếu son, ông anh sẽ được con “khủng long”.

- Các cậu biết không, ở Hà Nội, những hồ như thế này cho dân chơi thuê câu là hái ra tiền đấy.

- Hồ ở Hà Nội chán lắm. Hầu hết là bị ô nhiễm quá mức. Nghe nói Hồ Tây ô nhiễm tới mức con ốc vặn còn bị di dạng. Những loại hồ sạch sẽ như ở quê mình, hiếm lắm. Em nói thật nhé, nếu đầu tư tốt thì đây là nơi giải trí bậc nhất và cũng là nơi hái ra tiền đấy - Hải nói.

Ông Hiển nói luôn, cậu tìm hiểu cho tôi xem UBND thị xã định xử lý hồ này thế nào. Nếu thuận lợi ta thuê lại. Có hồ này, cho làm một vài nhà sàn, thả thêm cá, hằng tuần mời các anh trên Hà Nội về câu giải trí, chả tốt à.

Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 4)

Phạm Hồng Hải tán thưởng:

- Ý tưởng của ông anh hay quá. Em gọi tay chủ tịch thị xã đến đây anh nói chuyện nhé.

- Thôi, lúc nào các cậu làm cái việc này giúp tôi. Nhưng mà phải tìm người tin cẩn đứng tên đấy. Họ biết tôi đầu tư hồ câu thì không khéo lại đơn lên tận Trung ương.

- Anh khỏi lo, chúng em sẽ thực hiện ý định của anh. Mời anh cầm cần. Em thấy có tăm sủi rồi. Tăm mịn và dày như thế này chắc là cá chép đấy.

Nghe nói thế, ông Hiển khệnh khạng ngồi vào ghế, cầm cần câu. Hải vội vàng lấy ô che cho ông ta. Mồ hôi vã ra trên bộ mặt béo nung núc của ông Hiển.

 Cách đó không xa, Lân ngồi dậy và nhìn ra chỗ ổ thính. Mắt Lân sáng lên khi thấy có tăm dưới hồ sủi lên to như đầu đũa búng lên thưa thớt. Nhìn những hạt tăm này, Lân tưởng tượng ra dưới tầng nước sâu gần 3m đang có  một chú cá trôi Ấn Ðộ khoảng trên 2kg lượn lờ quanh ổ thính. Cá to khi vào ăn bao giờ cũng điềm đạm và nếu là con đã từng một lần bị bộ lưỡi câu lục lấy đi mất vài cái vảy thì chúng sẽ cảnh giác vô cùng.

Tăm dưới hồ vẫn hờ hững búng lên. Lân khoan thai thả lưỡi câu xuống bằng những động tác chính xác và quen thuộc. Chiếc phao chìm  nghỉm trong làn nước xanh lục và đầu phao sơn đen chỉ nhô lên trên mặt nước như một hạt đậu đen.

Thời gian chờ cá cắn câu trôi đi rất nhanh. Mắt Lân nhìn như bị hút vào chấm đen của phao. Không hề có một sự chuẩn bị nào trước chứng tỏ đang có cá, chiếc phao lịm xuống một cách dịu dàng...

Chỉ chờ có vậy, Lân búng mạnh đầu cần câu. Một cảm giác nặng chĩu và lưỡi câu như mắc phải khúc gỗ khiến Lân ngây ngất. Con cá mang cả bộ lục  xé nước lao vút đi. Lân thả dây dù. Máy câu rít lên ro ro, đầu cần trĩu xuống. Tiếng máy câu rít làm ông Hiển giật mình nhìn sang. Con cá chạy lao ra khoảng năm chục mét rồi lại đâm ngược vào bờ. Lân phải guồng dây câu thật nhanh và chạy giật lùi để làm sao luôn giữ được độ căng vừa phải. Và chỉ vùng vẫy được vài phút, chú cá mệt dần và nổi lên mặt nước. Lôi cá vào bờ, Lân dùng vợt xúc cá rồi lấy một chiếc khăn to đè chặt con cá xuống bãi cỏ và dùng chiếc kìm nhọn gỡ những lưỡi câu đang bám quanh mang nó. Cho cá vào túi xong, Lân lại thấy có tăm... Cá trôi to thường đi có đôi - Lân biết chắc như vậy và buông cần. Quả nhiên, chỉ vài phút sau, Lân lôi lên một con cá trôi khoảng 3kg nữa.

Trong khi đó bên phía ông Hiển  phao vẫn lặng không nhúc nhích.

Nghe tiếng máy câu của Lân rít, ông Hiển lại giật mình.

Ðến khi Lân câu được con cá thứ 3 thì ông Hiển nổi cáu. Ông bảo Hải:

- Các cậu làm thính như... cứt ấy. Thằng kia nó giật liên tục, thế mà đây chả thấy động tĩnh gì?

- Cá đến chậm thường là cá to. Em thấy có tăm sủi phía ngoài... Nó đang vào đấy anh ạ. Tăm mây như thế này là chép đấy. Ðược chép mới là cao thủ...

- Cao với chả thấp. Ngồi ê cả mông chả được gì.

Phan Hồng Hải chạy ra chỗ Lân và hỏi:

- Này, ông anh, dùng câu thính gì mà cá vào nhiều thế?

- Anh hỏi làm gì?

- Ông biết ai ngồi đằng kia không? Chủ tịch tỉnh đấy. Ông anh làm thế nào cho ông ấy câu được mấy con cá, chứ không được con nào, chết chúng em.

Lân tỏ ý bất cần:

- Bảo ông ấy đem ra ổ này mà câu. Tôi đi kiếm chỗ khác.

- Thôi ông anh. Thằng em xin ông anh làm quân sư cho chủ tịch một lát.

- Cũng được, anh ra bảo ông ấy đem cần lại đây.

Gã bèn chạy ra nói với ông Hiển. Ông ta khệnh khạng đến, nhấc túi cá của Lân lên xem, khen nắc nỏm:

- Chú em giỏi quá nhỉ. Chắc là tay câu chuyên nghiệp.

- Cháu mê câu từ bé. Chú câu ổ của cháu. Ðang có tăm vào. Con này là trắm cỏ, chắc khoảng trên 3kg.

- Mày nói như Long Vương ấy - Ông Hiển bĩu môi.

- Rồi chú xem - Lân khẳng định.

Ông Hiển loay hoay thả cần. Lân đỡ lấy cần của ông và nói:

- Ối giời, sao chú dùng bộ lưỡi câu cá rô phi thế này. Phải thay lưỡi thôi. Bộ này chỉ câu cá rô phi, loại từ dăm lạng trở xuống.

Ông Hiển quắc mắt nhìn hai gã đệ tử. Hai người lấm lét sợ hãi. Lân mở hộp câu lấy cho ông bộ lưỡi câu lục mới:

- Cháu biếu chú bộ này. Làm bằng thép của dây đàn piano đấy. Loại này cá hàng chục cân cũng phải chết.

Ông Hiển thả cần, phao nổi lên trên mặt nước đến 5cm. Lân cười, giảng giải:

- Chú cho phao thấp xuống. Chỉ nhô lên nửa phân thôi. Có vậy mới dễ câu.

Ông Hiển điều chỉnh phao và thả cần câu tiếp. Vài phút sau, phao chìm xuống. Lân hét:

- Giật!

Ông Hiển giật và xuýt ngã bổ chửng vì giật quá mạnh. Ðầu cần còn bị vít xuống nhưng ông Hiển không biết buông dây. Lân lại hét:

- Buông cước.

Ông Hiển thả ngón tay giữ cước, máy câu rít lên ro ro. Con cá lao như tên bắn. Ông Hiển sung sướng đến đê mê khi gò con cá. Lân đứng dậy chỉ huy:

- Chú dựng đầu cần lên, kéo mạnh vào... lại thả cho nó chạy. Con này lưỡi đóng đúng vây lái nên chạy khỏe lắm. Cứ cho nó chạy chán đi.

Một hồi lâu sau, con cá mệt lử, ông Hiển lôi nó vào bờ. Quả nhiên đó là chú cá trắm cỏ, to như cái phích hai lít.

Anh chàng nhân viên của hồ câu có bộ mặt béo tròn lấy chiếc cân treo ra móc vào con cá:

- Ba cân tươi anh ạ.

Ông Hiển quay sang hỏi Lân:

- Thằng cháu này giỏi thật. Mày tên là gì? Ở đâu đấy. Từ nay chú đi câu, mày theo được không?

Lân bất ngờ khi nghe ông hỏi vậy. Và chỉ thoáng chút suy nghĩ, Lân gật đầu:

- Vâng ạ, cháu cũng đang rảnh. Khi nào chú muốn đi, cứ gọi, cháu chuẩn bị thính bã cho.

***

Thế là từ đó, Lân trở thành một đệ tử của ông Hiển và chuyên phục vụ ông đi câu. Dần dà, ngày tháng trôi đi, ông Hiển quý Lân và coi Lân như một thành viên trong gia đình. Vợ chồng ông sinh được bốn cô con gái không có con trai, vì thế những công việc nặng trong nhà, ông đều giao cho Lân làm.  Từ chỗ gọi chú xưng cháu, Lân chuyển sang chú xưng con lúc nào không biết. Và không chỉ có thế, thi thoảng ông cho Lân đi theo đến những cuộc chiêu đãi, rồi những cuộc gặp gỡ với nhiều quan chức cao cấp ở Trung ương về.

Mỗi lần tổ chức tiệc ở nhà ông, Lân là người được giao tổ chức. Vì vậy, nhiều người trong tỉnh đã nhìn Lân bằng con mắt tử tế hơn và cũng không ít người ngạc nhiên, tại sao một thằng bán thịt lợn như Lân lại có thể cặp kè với ông chủ tịch tỉnh. Bản thân Lân cũng nhiều lúc tự hỏi, tại sao ông Hiển và cả gia đình ai cũng rất quý Lân, nhưng không giải thích được và Lân cho rằng hình như mối “lương duyên” này là do trời định đoạt thì phải.

“Một hôm, Lân xách đến cho ông ba quả tim lợn...

***

Ông Hiển đang ngồi đọc báo, mà hình như ông có chuyện gì đang phải suy nghĩ cho nên cứ đọc được vài dòng ông lại để tờ báo xuống ngóng ra cổng. Bà vợ ông thấy vậy liền hỏi:

- Ông đợi ai thế ?

- Tôi chả đợi ai cả, nhưng cứ thấy trong người nó bồn chồn thế nào ấy.

- Nếu ông không bận lắm thì gọi thằng Lân đến mà hai chú cháu đi câu.

- Bà có sáng kiến hay quá. Tôi sẽ gọi thằng Lân... Bà chuẩn bị chút gì chiều nay chúng tôi uống rượu.

Ông Hiển vừa nhấc máy điện thoại định gọi cho Lân thì có tiếng chuông gọi cửa.

Bà vợ ông chạy ra và khi thấy Lân, bà  reo lên:

- Ôi, sao thiêng thế. Chú vừa nhắc đến anh xong. May quá, ông ấy đang buồn.

Lân đưa cho bà ba quả tim lợn:

- Có mấy quả tim ngon, để cô nấu cháo cho chú ăn sáng.

Ông Hiển nói:

- Mày vẽ chuyện. Bây giờ có rảnh  không, chú cháu mình đi câu tối một bữa. Mới có người biếu chú một lọ thuốc chống muỗi hay lắm và hai lọ thuốc nhử cá của Trung Quốc

Lân nhìn ra đường rồi bật cười:

- Gió tây chú ạ. Gió này mà đi câu, có nhét thính vào mồm nó cũng lắc ra. Câu bây giờ là vô ích. Chỉ có chờ đến đêm, khi hết gió tây có gió đông nam thì câu được.

- Thế thì thôi vậy. Nhưng mà Chủ nhật này, tao với mày lên Hà Nội câu nhé. Một anh bạn hứa đưa tao ra hồ Tây câu.

- Thế thì tuyệt quá. Lâu lắm rồi con không được câu cá ở hồ Tây. Cá chép hồ Tây là ngon nhất đấy.

Lân thấy ông Hiển có một chiếc lọ lộc bình, trên đó có vẽ hoa lá, chim bay và mấy cô gái yểu điệu thướt tha kèm theo mấy chữ Hán viết theo lối đá thảo. Lân nhìn và đọc:

- “Quốc sắc thiên hương”. Cái lọ đẹp quá. Nhưng chơi lọ lộc bình này là phải có đôi chú ạ.

- Thằng này giỏi. Ðúng là phải có đôi. Còn một chiếc tao cất ở phòng trong. Mày vào lấy ra đây.

Lân vào phòng trong lấy ra chiếc bình nữa đặt ở hai bên tủ chè rồi tấm tắc khen:

- Cái này là đồ sứ Giang Tây thời hiện đại, nhưng công nhận là họ làm giả cổ rất giỏi. Ðồ sứ Bát Tràng của ta, “dân” thì ít mà “gian” thì nhiều.

Ông Hiển bật cười, bỗng nghiêm nét mặt lại hỏi:

- Ngày xưa mày học hành thế nào mà sao tao thấy mày cái gì cũng biết thế? Lắm lúc chú cũng muốn bố trí cho mày một công việc nào đó, nhưng không biết bố trí công việc gì cho phù hợp.

Lân thoáng nhíu mày rồi nói bừa:

- Con tốt nghiệp Ðại học Ngoại thương, nhưng do nhà nghèo, đành phải về bán thịt lợn kiếm tiền nuôi mẹ, nuôi em. Hoàn cảnh nhà con, chú lạ gì.

-  Chà, khá nhỉ. Thảo nào, tao thấy mày tiếng Pháp, tiếng Anh, chữ  Hán đều biết. Mai mang bằng tốt nghiệp lên đây cho tao - Ông Hiển hào hứng nói.

Lân gãi đầu:

- Bằng và hồ sơ đại học con vẫn gửi ở chỗ thằng bạn trên Hà Nội để nhờ nó xin việc. Con đi lấy về ngay.

- Nhanh lên. Tao sẽ bảo tổ chức đưa mày làm ở Phòng Kinh doanh của Công ty Xây dựng  Hoa Ban Trắng.

Nói rồi ông Hiển gọi điện thoại cho giám đốc công ty:

- Anh Tuấn hả... Tôi đây, Hiển đây!

- Dạ, em chào anh.

- Dạo này công ty làm ăn được không?

- Thưa anh cũng yếu lắm ạ.

- Căn bản là cái phòng quản trị kinh doanh làm ăn rất kém, mang nặng tư tưởng bảo thủ, quen mãi với cơ chế bao cấp, xin, cho rồi.

- Thưa anh, đúng quá ạ. Chúng em đang đau đầu vì phòng quản trị kinh doanh. Anh Thảo trưởng phòng thì ốm đau liên miên. Hơn nữa, anh ấy lại không được học hành gì về kinh doanh...

- Thôi được rồi, tôi giới thiệu cho cậu một cán bộ có năng lực nhưng chẳng gặp thời. Ðã tốt nghiệp Ðại học Ngoại thương, giỏi ba ngoại ngữ... Hiện đang chờ việc trên Hà Nội. Nhưng tôi thuyết phục nó về... Tôi coi như con cháu trong nhà mà.

- Thế thì tốt quá!

- Mai nó đến trình diện. Còn bằng cấp thì nó lấy trên Hà Nội về nộp sau, được không?

- Dạ, đã là con của chủ tịch thì bằng cấp là chuyện nhỏ mà anh. Bây giờ là phải tìm người thực tài anh ạ.

- Rồi, cứ thế nhé. Tôi sẽ viết thư cho Ban Giám đốc. Mà này, tôi giới thiệu người, nhưng các cậu phải kiểm tra trình độ, nhỡ nó không làm được, đừng đổ tại chủ tịch nhé.

- Ấy chết, anh đã giới thiệu thì chúng em yên tâm quá còn gì.

***

Tối hôm đó, trong bữa cơm ở nhà ông Hiển. Lân cầm ly rượu nói nghẹn ngào:

- Thưa chú, thưa cô! Bố mẹ con sinh ra con nhưng vì hoàn cảnh nhà nghèo nên không lo cho con được. Nay chú đã lo con có công ăn việc làm, con không biết lấy gì để cảm ơn chú và gia đình. Nhà ta không có con trai, nếu cô chú không chê, con xin... xin cô chú chấp nhận con... làm anh của các em đây.

Ông Hiển và vợ cũng cảm động trước tấm lòng của Lân, ông chưa kịp nói gì thì Minh, cô con gái út mới mười hai tuổi đã reo lên:

- Bố đồng ý đi. Con thích có anh trai lắm. Ðứa nào bắt nạt, anh ấy sẽ cho chúng nó biết tay.

Trừ một cô lớn nhất đang đi học ở Pháp, còn ba cô con gái ông Hiển đều rất vui khi thấy có thêm ông anh. Bà Lưu, vợ ông Hiển lấy ly ra rót rượu cho đủ mỗi người một ly. Bà trịnh trọng nói:

- Nào, xin mọi người nâng ly chúc mừng gia đình ta thêm một thành viên mới.

***

Ngày hôm sau, Lân lên Hà Nội, đến nhà một thằng bạn chuyên làm hồ sơ đại học giả:

- Mày lo khẩn cấp cho tao 1 bằng tốt nghiệp Ðại học Ngoại thương và tất nhiên là cả hồ sơ, phiếu điểm.

- Có cần học bạ phổ thông trung học không - Gã kia lạnh lùng hỏi.

- Có thì càng tốt.

- Mày ghi tên, tuổi, địa chỉ, quê quán, quá trình học từ lớp 1... ra tờ giấy này, rồi đi chụp ảnh mang lại đây. Chiều tới lấy, được không?

- Thế thì tốt quá.

- Nhưng mà gấp, lại đòi hỏi đầy đủ, giá hơi cao đấy.

- Bao nhiêu?

- 3 triệu.

- Cũng được. À, tao cần thêm một chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh nữa, bằng C.

- Chuyện đơn giản. 5 trăm ngàn nữa.

Lân rút tiền trong túi ra đếm và đưa cho hắn. Gã nheo mắt nhìn Lân rồi cười tinh quái:

- Chắc kiếm được cái ô nào chạy việc cho rồi phải không? Cái ngữ đọc rộng biết nhiều như mày cũng dễ lòe người ta lắm.

Lân cười khùng khục:

- May hơn khôn. Dưng mà mày nhớ giữ kín cho tao nhé.

- Thằng hâm! Tao chả lo giữ cho thân tao à.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong