Bất kỳ sự tái cấu trúc nào cũng đau đớn!

16:53 | 22/12/2011

299 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Một trong các yêu cầu đặt ra trong nguyên lý thị trường là người gửi tiền phải hiểu được các tổ chức tín dụng là các doanh nghiệp. Mà đã là doanh nghiệp lại phải thực hiện theo đúng nguyên lý thị trường. Nếu làm tốt sẽ tồn tại, còn không tốt sẽ bị đào thải. Người dân sẽ gửi tiền ở những ngân hàng nào tốt, làm cho người ta thấy yên tâm” – ông Vũ Viết Ngoạn Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tỉ lệ nợ xấu của các công ty cho thuê tài chính chiếm đến gần 50%. Nguyên nhân và hướng xử lý như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Viết Ngoạn: Các công ty cho thuê tài chính của chúng ta hoạt động trong môi trường khá khó khăn so với các tổ chức tín dụng khác mà trực tiếp ở đây là các ngân hàng thương mại. Do vậy, nguồn vốn của các công ty cho thuê tài chính là tương đối khó khăn.

Thứ hai, các công ty tài chính chưa tìm ra được các phân khúc thị trường phù hợp, họ phải cạnh tranh với các ngân hàng thương mại khác. Đây là khó khăn nổi bật, mang yếu tố lịch sử.

Thứ ba, các công ty cho thuê tài chính của hiện nay đang hoạt động trong một khuôn khổ thiếu sự an toàn, họ không độc lập trong việc thẩm định rủi ro và đánh giá rủi ro. Đây là điều cần rút ra bài học kinh nghiệm để khắc phục.

Ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

Theo chuẩn quốc tế, cá nhân ông cho rằng nợ xấu thực của Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?

Ông Vũ Viết Ngoạn: Theo chuẩn quốc tế chúng ta cần có sự rà soát, đánh giá lại. Tôi nghĩ rằng điều này không hề dễ dàng bởi chúng ta thiếu thông tin. Như vậy cần phải đưa ra các tiêu chí để các tổ chức tín dụng báo cáo lại, đồng thời phải có một tổ chức để kiểm toán, đánh giá.

Chi phí dành cho việc tái cấu trúc là một khoản tương đối lớn. Năm 1997, khi Hàn Quốc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, họ đã bỏ ra khoảng 200 tỉ USD. Theo ông, Việt Nam sẽ huy động nguồn lực ở đâu và có những chuẩn bị như thế nào cho công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng?

Ông Vũ Viết Ngoạn: Theo tôi, so sánh như vậy là rất khập khiễng bởi vì chúng ta xác định quy mô, giới hạn và khái niệm tái cấu trúc như thế nào.

Nếu thuần khiết là xử lý các tổ chức tín dụng đang yếu kém hiện nay, thì tôi cho rằng không tới mức cần phải sử dụng một khoản chi phí quá lớn. Các tổ chức tín dụng cũng đã trích lập quỹ dự phòng rủi ro. Nếu tính chung trong toàn hệ thống thì quỹ dự phòng rủi ro của chúng ta hiện nay là trên 60% nợ xấu. Tất nhiên, nợ xấu ở đây theo tiêu chuẩn Việt Nam. Năm 2000 chúng ta không hề có quỹ dự phòng rủi ro nào.

Còn Hàn Quốc và các nước khác, họ đã tính toán và xây dựng lại hệ thống một cách hết sức căn bản, quyết liệt, sâu sắc… Chúng ta không áp dụng một cú sốc lớn như vậy mà chúng ta có cách làm riêng.

Theo Ủy bạn Giám sát Tài chính Quốc gia, cái giá phải trả để tái cấu trúc thành công là như thế nào?

Ông Vũ Viết Ngoạn: Theo tôi các giá phải trả rất lớn. Chúng ta cần phải xem xét ở khía cạnh về mặt tổ chức, về mặt con người, về mặt quy chế và cả mặt thể chế. Bởi vì bất kỳ sự tái cấu trúc nào cũng phải chấp nhận sự đau đớn, vì nó là sự thay đổi, lúc đó có người sẽ lớn lên và có người sẽ lùn đi, có người sẽ tồn tại và có người sẽ không tồn tại.

Còn nói về mặt tài chính, thì tôi cho rằng nếu trong khuôn khổ cách làm, phương pháp của chúng ta sẽ không giống các nước, do vậy định lượng về số tiền để thực hiện sẽ không lớn.

"Bất kỳ sự tái cấu trúc nào cũng đau đớn" - ông Vũ Viết Ngoạn nhấn mạnh.

Theo ông, Chính phủ nên có những bước như thế nào để thu xếp vốn cho công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng?.

Ông Vũ Viết Ngoạn: Trước mắt chúng ta chỉ tập trung vào xử lý các tổ chức tín dụng quá yếu kém mà nợ xấu quá lớn và có thể gây ra rủi ro hệ thống. Về lâu dài, chúng ta từng bước xây dựng hệ thống ngân hàng với một quy chuẩn và một hệ thống giám sát tốt, để tự các ngân hàng hạn chế và không bị rơi vào rủi ro quá lớn, những nợ xấu nào ở mức gây khó khăn cho thanh quản của hệ thống thì chúng ta mới cần phải hỗ trợ và khắc phục.

Quan điểm của tôi là Chính phủ không bỏ tiền ra cho tất cả các định chế tài chính để khắc phục những khó khăn yếu kém, mà tự các định chế tài chính về cơ bản là tự phải lo liệu.

Chúng ta không tiến hành tái cấu trúc một cách quyết liệt như kiểu của Hàn Quốc, như vậy liệu có đạt được mục tiêu là tạo ra một hệ thống ngân hàng đáp ứng được nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới của Việt Nam không?

Ông Vũ Viết Ngoạn: Ở đây sự quyết liệt của các nước là trong vòng một thời gian ngắn họ gây ra những liệu pháp sốc như phá sản hoặc sáp nhập một cách hết sức khốc liệt nhưng chúng ta thì không làm như vậy. Cách làm của chúng ta là từng bước một và không gây liệu pháp sốc. Cho nên quá trình của chúng ta là từ nay cho đến năm 2015, còn ở các nước khác là trong vòng mấy tháng đến một năm là giải quyết hết.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc tái cấu trúc này?

Ông Vũ Viết Ngoạn: Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã trình Thủ tướng một đề án để báo cáo. Chức năng của Ủy ban Giám sát hiện nay vẫn là tư vấn cho Chính phủ và Thủ tướng. Còn Ngân hàng Nhà nước là cơ quan được Chính phủ giao cho xây dựng đề án chính thức. Và hai đề án này hoàn toàn độc lập với nhau.

Nhiều nước có sự tham gia của ngân hàng nước ngoài khi tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, vậy ở Việt Nam tỉ lệ cổ phần 15% có phù hợp không?

Ông Vũ Viết Ngoạn: Hiện nay, chúng tôi cho rằng các ngân hàng nước ngoài chưa cần thiết phải tăng thêm thị phần. Thêm vào đó, nhìn nhận với quy mô, điều kiện của chúng ta có đủ khả năng để cân đối và cơ cấu lại các ngân hàng. Do vậy không nhất thiết phải dựa vào các nguồn lực ở bên ngoài. Còn trong một quá trình dài hạn hơn, cũng xem xét để tạo ra được một khuôn khổ thu hút thêm các kỹ năng về quản trị.

Cái khó nhất đối với nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách là làm thế nào để có một chính sách, một biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế, phù hợp với văn hóa của từng quốc gia và từng thời điểm lịch sử.

Theo ông, vai trò của các ngân hàng Nhà nước trong tái cấu trúc như thế nào?

Ông Vũ Viết Ngoạn: Các ngân hàng Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng. Ngân hàng Nhà nước đã được giao là cơ quan xây dựng đề án, thực hiện những điều 4 của Luật Ngân hàng Nhà nước, tức là có thể được phép bỏ tiền ra để đầu tư vào các tổ chức tín dụng khi các tổ chức tín dụng yếu kém.

Với chức năng nhiệm vụ được giao, trong tương lai Ngân hàng Nhà nước cần phải xây dựng được một quy chuẩn an toàn cũng như tham gia vào hệ thống giám sát để ngăn ngừa các rủi ro, ngăn chặn các tổ chức tín dụng đầu tư mạo hiểm vượt quá khả năng kiểm soát của họ.

Đức Chính