GDP năm 2014 sẽ vào khoảng 5,6 – 5,8%

18:56 | 04/09/2013

363 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhận định của Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Nền kinh tế vẫn còn có chính sách hỗ trợ để tạo nền tảng phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Theo Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc Gia (NFSC): Lạm phát hiện đang được kiểm soát ở mức thấp so với những năm trước và chủ yếu chịu tác động bởi việc điều chỉnh giá hàng hoá cơ bản cũng như dịch vụ, tỉ giá, dịch vụ công như y tế, giáo dục.. Từ đó, NFSC cho rằng nếu không có những thay đổi về giá các mặt hàng cơ bản thì lạm phát cả năm 2013 sẽ vào khoảng 5% (cao hơn so với mức tương ứng 4,3% của năm 2012). Và để đạt được mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm không vượt quá 7% thì công tác điều hành giá chính là yếu tố quyết định.

Cơ quan này cũng đưa đề xuất, để công tác điều hành giá được đảm báo đúng hướng, việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản và dịch vụ công cần có sự điều phối thống nhất và phải có lộ trình thích hợp.

Về cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế, con số thặng dư cả năm 2013 được NFSC đưa ra là 1,5 – 2 tỉ USD. Xuất khẩu tuy vẫn tăng khá nhưng lại đang phụ thuộc quá nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và theo NFSC thì tính riêng 8 tháng 2012, trong khi xuất khẩu FDI tăng tới 14,7% thì xuất khẩu của khu vực trong nước chỉ đạt 3,1%, nhập khẩu cũng tương tự với các con số tương ứng là 14,9% và 4%.

Một điểm đáng chú ý trong bức tranh kinh tế 8 tháng năm 2013 được NFSC đánh giá rất cao là những đóng góp của thị trường tiền tệ trong ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Điều này được thể hiện ở tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, tỉ giá ổn định, chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng các hạng mục rủi ro cao...

Với những số liệu kinh tế vĩ mô được công bố thời gian gần đây như tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động của doanh nghiệp... NFSC cho rằng mục tiêu tăng tưởng 5,5% trong năm 2013 là một thách thức lớn.

Đưa quan điểm dự báo về tình hình kinh tế năm 2014 – 2015, NFSC chỉ ra rằng: Sự ổn định kinh tế vĩ mô 2013 sẽ là nền tảng cho sự phát triển, tạo điều kiện thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài do bức tranh kinh tế đã được cải thiện tốt hơn cũng như khả năng thu hút đầu tư cao hơn với triển vọng TPP được kí kết trong năm 2015. Ngoài ra, với một loạt chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh đã được triển khai, dòng vốn đầu tư tư nhân trong nước cũng sẽ được cải thiện đáng kể; tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu... sẽ giúp hệ thống ngân hàng nâng cao khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế hơn.

Tuy nhiên, NFSC cũng đưa cảnh báo về những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam có thể phải đối diện do nền kinh tế thế giới tuy đã tăng trưởng nhưng ở mức thấp và vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro như vấn đề nợ công ở châu Âu, đặc biệt là dự đoán về sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc, Ấn Độ...

Từ thực tế đó, NFSC dự báo: GDP năm 2014 sẽ vào khoảng 5,6 – 5,8% và năm 2015 sẽ là 6 – 6,2%.

Và để hướng tới các mục tiêu trên, Cơ quan này cho rằng từ nay đến cuối năm cần có các chính sách hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế (đầu tư, tiêu dùng...) để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục đà phục hồi sản xuất, kích thích kinh tế phát triển.

Còn trong dài hạn, NFSC cho rằng Chính phủ cần phải có các chính sách tổng thể để cải thiện cán cân cung cầu của nền kinh tế, nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. Để làm được điều này, tái cơ cấu nền kinh tế chính là yếu tố đóng vai trò quan trọng và cần thiết phải đẩy nhanh thực hiện trong vòng 2 – 3 năm tới.

Về xuất khẩu, khẳng định khu vực FDI vẫn giữ vai trò quan trọng xong NFSC kiến nghị cần có những giải pháp để cải cách một cách hiệu quả khu vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời hỗ trợ công nghiệp và khu vực doanh nghiệp trong nước.

Thanh Ngọc