Bảo vệ an toàn hành lang lưới điện: Một mình EVN không làm nổi!

07:00 | 14/02/2014

1,345 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù ngành điện đã có rất nhiều giải pháp nhưng tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp vẫn diễn ra rất phổ biến. Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Ngọc Minh - Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) xung quanh việc bảo vệ hành lang lưới điện.

Năng lượng Mới số 295

PV: Xin ông cho biết, những loại hình vi phạm hành lang an toàn lưới điện nào là phổ biến nhất hiện nay?

Ông Vũ Ngọc Minh: Theo thống kê, từ 1/7/2008 đến hết năm 2013, loại hình vi phạm phổ biến nhất là do va, quệt đường dây cao áp 220kV phóng điện (18 vụ). Loại hình vi phạm phổ biến thứ hai do diều bay vướng vào đường dây cao áp 220kV, 500kV gây phóng điện (13 vụ). Loại hình vi phạm phổ biến thứ ba do đốt rừng, nương, rẫy gây phóng điện (6 vụ). Cần cẩu, sà lan, tàu thủy là thủ phạm loại 1.

PV: Những hành vi này gây nguy hiểm và thiệt hại như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Ngọc Minh: Đối với ngành điện, các vụ vi phạm này gây mất điện diện rộng (khu vực tỉnh, liên tỉnh, miền) ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp điện cho nền kinh tế, an ninh - quốc phòng.

Đối với người vi phạm, có thể bị phóng điện trực tiếp, nguy hiểm đến tính mạng. Những người bên cạnh trong khoảng cách an toàn phóng điện các cấp điện áp (đối với lưới điện 220kV là 6m, 500kV là 8m), cũng có thể bị nguy hiểm tính mạng.

PV: Địa phương nào có nhiều vụ vi phạm nhất, thưa ông?

Ông Vũ Ngọc Minh: Có thể khẳng định rằng, địa phương nào cũng có vi phạm. Ở miền Bắc, miền Nam, các vụ vi phạm thường do đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện cao áp, còn khu vực miền Trung lại do các cá nhân đốt nương, rẫy.

Đặc biệt, khu vực miền Bắc, loại hình vi phạm nhiều nhất là khoảng cách an toàn phóng điện do thả diều (Thái Nguyên), xe cẩu, tàu, xà lan cẩu giao chéo với đường thủy nội địa (Hải Phòng, Hải Dương). Tại các địa phương này, mật độ giao thông đường thủy cao, tầm quan sát của người điều khiển phương tiện bị hạn chế; đặc biệt là ý thức chấp hành quy định của người tham gia giao thông đường thủy nội địa còn thấp.

PV: Bên cạnh đó có những địa phương nào làm tốt, thưa ông?

Ông Vũ Ngọc Minh: Những địa phương làm tốt là: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Huế, Nghệ An, Hà Nội, Quảng Ninh. Ở các địa phương này có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị quản lý vận hành lưới truyền tải điện và sự quyết liệt trong công tác xử lý các nguy cơ vi phạm hành lang lưới điện 220kV, 500kV của UBND các cấp thành phố (tỉnh), quận (huyện), phường (xã)… và các cơ quan liên quan.

Đồng thời, người dân ở các địa phương này nhận thức được các mối hiểm họa do nguồn điện cao áp gây ra khi vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo từng cấp điện áp. Không những vậy, nhờ các đơn vị truyền tải điện, UBND các cấp, Bộ Công Thương tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích, nên người dân biết và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định an toàn điện.

PV: Xin ông cho biết, EVN NPT đã thực hiện giải pháp nào để hạn chế tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp?

Ông Vũ Ngọc Minh: Chúng tôi đã có nhiều giải pháp hạn chế tình trạng vi phạm như: Kiểm tra thường xuyên hành lang an toàn lưới điện 220kV và 500kV, đặc biệt lưới truyền tải điện 500kV Bắc - Nam (mạch 1, 2).

Rà soát và đảm bảo toàn bộ các thông số kỹ thuật an toàn của hành lang an toàn như: Khoảng cách pha - đất, khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp 220kV, 500kV, khoảng cách an toàn đối với: Đường dây dẫn điện trên không vượt qua rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, vườn trồng cây; nhà ở, công trình, cây trong, ngoài hành lang; phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa… Đặc biệt là khoảng cách an toàn khi cây trồng ngoài hành lang an toàn có nguy cơ ngã đổ vào đường dây. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên đài truyền thanh của địa phương về thực trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện, cũng như mức độ nguy hiểm đến tính mạng của người dân khi vi phạm.

PV: Theo ông, các biện pháp này liệu đã đủ để giải quyết tình trạng vi phạm đang ngày càng gia tăng?

Ông Vũ Ngọc Minh: Vâng, đúng là ngành điện không thể “đơn thương độc mã” trong vấn đề này. Việc bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp - tài sản của Nhà nước và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng còn là trách nhiệm của chính quyền địa phương, các bộ, ban, ngành liên quan.

Về phía EVN NPT, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nâng cao hiệu quả tuyên truyền về an toàn lưới điện cao áp đối với tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan trên dọc các tuyến đường dây cao áp. EVN NPT đang hoàn thiện: Tài liệu tuyên truyền, chương trình tuyên truyền, bản cam kết, tờ rơi, phim, tranh ảnh, quy định an toàn đối với việc thả diều, các vật thể bay liên quan đến an toàn lưới điện 220kV, 500kV.

Chúng tôi yêu cầu các đơn vị cơ sở tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ về thiệt hại do vi phạm hành lang an toàn lưới điện gây nên, đồng thời xử lý mạnh tay hơn nữa những hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện.

Đối với các đội đường dây phải có 1 số điện thoại nóng (số điện thoại này ghi trên các tờ rơi, tranh) để khi người dân phát hiện và báo kịp thời điểm sự cố, như: Thả diều, đốt rẫy, cây ngã đổ… liên quan đến công trình lưới truyền tải điện. Chi phí điện thoại của người dân được đội quản lý vận hành đường dây thanh toán trực tiếp theo quy định.

Ngoài ra, chúng tôi cho kiểm tra và lắp đặt các biển báo hiệu, biển cấm theo quy định. Các đơn vị quản lý vận hành phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn giải thích để người dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp và khẩn trương khắc phục nhằm hạn chế thiệt hại, đảm bảo cho công trình hoạt động an toàn, hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!

Kiều Vân