Bằng cấp cao thất nghiệp nhiều

23:32 | 07/10/2017

1,976 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo bản tin mới cập nhật về thị trường lao động do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) công bố, đáng chú ý trong quý II năm 2017, nhóm trình độ “đại học trở lên” có 183,1 nghìn người thất nghiệp, tăng 44.200 người so với quý I/2017; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15-24 tuổi) cũng tăng lên 7,67%.

Dự báo bị bỏ qua

Nhiều lao động có kỹ năng thực hành nghề nghiệp lại có dấu hiệu “không hết việc”, thậm chí không ít em được “trải thảm đỏ” ngay khi tốt nghiệp ra trường. Cụ thể, các chuyên gia đã phân tích, nếu quý I/2017, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm có trình độ từ đại học trở lên là 2,79% thì quý II tăng lên 3,63%. Ngược lại, nhóm có trình độ cao đẳng, tỷ lệ thất nghiệp lại giảm so với quý I khi từ 104,2 nghìn người thất nghiệp xuống còn 82,6 nghìn người, giảm 21,6 nghìn người. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm này vẫn ở mức 4,9% nhưng tốc độ giảm tỷ lệ thất nghiệp như vậy theo các chuyên gia là một dấu hiệu đáng mừng.

bang cap cao that nghiep nhieu
Rất nhiều cử nhân trở thành lái xe ôm Grab, Uber vì không xin được việc

Câu chuyện nhà nhà, người người đổ xô học đại học là điều đáng lo ngại. Theo dự báo của các chuyên gia, con số thất nghiệp ở nhóm có trình độ đại học trở lên chưa dừng lại ở đó mà sẽ có khoảng 200 nghìn cử nhân thất nghiệp ngay trong năm nay. Nguyên nhân được phân tích trước hết chính là do tư duy của người dân khi quan niệm “phi đại học bất thành nhân” - phải học đại học, phải có trình độ cử nhân thạc sĩ, tiến sĩ mới lập được nghiệp đã tồn tại hàng chục năm nay. Nhưng để dẫn đến tư duy đó, cần phải nói cũng xuất phát từ chính những điều kiện vô lý của không ít cơ quan tuyển dụng khi yêu cầu người tuyển dụng phải có bằng cấp, mặc dù công việc thực tế không đến mức phải cần tiêu chí ấy.

Có một dạo, dư luận từng xôn xao nhiều công ty tuyển dụng tạp vụ đòi hỏi thạo tiếng Anh, thuần thục máy vi tính. Đó là sự vô lý trong yêu cầu tuyển dụng. Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội nói: “Cả xã hội đua nhau vào đại học. Tư duy cũ về bằng cấp khiến các gia đình đổ tiền cho con học, thậm chí bán nhà cho con đi học… để cung cấp cho thị trường lực lượng lao động không đúng nhu cầu, trong khi đó chúng ta đang cần những người học nghề, học kỹ năng làm việc thực sự”.

Cơ quan quản lý “buông”

TS Nguyễn Lê Minh, nguyên Phó vụ trưởng Phát triển nguồn nhân lực, Phó trưởng ban Chương trình Quốc gia về việc làm của Bộ LĐ-TB&XH thì chỉ ra rằng, ngày càng nhiều cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp ở Việt Nam, là do sự xuất hiện ồ ạt của quá nhiều trường đại học, tâm lý nặng nề về bằng cấp, sự kỳ vọng của gia đình đối với các bạn học sinh…

Có đến 58,2% sinh viên tốt nghiệp không biết xin việc ở đâu, 42% không đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng, 27% không tìm được việc làm vì lý do ngành học không phù hợp với nơi tuyển dụng.

Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng tạo nên trong đào tạo nhân lực là vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc “nắn” lại đầu vào các nhóm ngành và cân đối cung - cầu cho thị trường lao động khiến nhóm có trình độ đại học trở lên tăng, bị đẩy vào tình trạng thừa mà thiếu. Thừa ở chỗ đối tượng lao động thị trường cần thì không có. Mà đối tượng sẵn có thì thị trường lại không cần.

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội lạc quan cho biết, vài năm trở lại đây, ở một số ngành, lễ tốt nghiệp của sinh viên trở thành lễ nhận người của doanh nghiệp. Những em có lực học tốt, kỹ năng nghề nghiệp thể hiện xuất sắc trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp có thể nhận mức lương hơn chục triệu đồng/tháng ngay sau khi được nhận vào làm. Thậm chí để khẳng định đối tượng lao động này đang là nhu cầu cấp thiết của xã hội, một số trường dạy nghề còn cam kết nếu sinh viên sau khi tốt nghiệp, không xin được việc làm, nhà trường sẽ hoàn trả học phí.

Trước “bi kịch” của phân luồng lao động, ông Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng khẳng định, việc thị trường lao động đang “nghiêng” về “thợ” và đào thải những lao động bằng cấp cao là một xu hướng rất khắt khe nhưng công bằng và tất yếu. Bởi nếu tất cả đều làm “thầy” thì thị trường lấy ai thực hành nghề? Và ông Sâm cho biết: “Nay, nhiều cử nhân tốt nghiệp đại học sau hàng năm trời không xin được việc làm, có người sẵn sàng làm xe ôm; có nhóm cất bằng đại học quay lại học nghề để tìm được việc làm mà thị trường đang có nhu cầu”.

Để cải thiện tình hình này, các chuyên gia cho rằng, trước hết cần thay đổi tư duy của người dân trước con đường học vấn, định hướng nghề nghiệp: Không nên nặng về bằng cấp và phải học cái thị trường cần chứ không phải học cái mình muốn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng phải “giúp sức” khi thông báo, “nắn dòng” lao động bằng cách khuyến cáo những mảng sáng cũng như mảng tối của thị trường lao động, loại bỏ “thẳng tay” những ngành nghề mà thị trường không cần đến. Chỉ có như vậy, bức tranh thị trường lao động trong nước mới “sáng” và lạc quan hơn.

Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội vừa trình UBND TP Hà Nội Dự thảo Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của CBCNVC… trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội. Theo quy định, việc phát ngôn được thực hiện trong giờ hành chính và ngoài giờ hành chính (trong trường hợp cần thiết, cấp thiết hoặc do lãnh đạo phân công). CBCNVC không phát ngôn tùy tiện, bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, trang cá nhân. Những CBCNVC khi phát ngôn phải có tác phong tự tin, cử chỉ đúng mực, tôn trọng các giá trị văn hóa và sự khác biệt trong quá trình phát ngôn…

Về ngôn ngữ sử dụng trong phát ngôn cần đảm bảo dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ. CBCNVC Hà Nội được khuyên hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương; tuyệt đối không nói trống không… Quy định cũng nêu rõ khi người cùng giao tiếp nóng giận, bức xúc thì CBCNVC Hà Nội phải bình tĩnh, nhẹ nhàng giải thích, động viên, chia sẻ… Quy định trên nhằm định hướng cho CBCNVC, NLĐ trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội chuẩn mực văn hóa phát ngôn trong giải quyết công việc, quan hệ công tác với tổ chức và cá nhân.

Nguyễn Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc