Bản tin năng lượng trong nước từ ngày 23/8 - 29/8

11:36 | 30/08/2021

364 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Từ ngày 23/8 đến ngày 29/8/2021, ngành năng lượng trong nước ghi nhận một số tin tức như sau:

Giảm tiền điện cho 3 nhóm doanh nghiệp khó khăn do Covid-19

Bản tin năng lượng trong nước từ ngày 23/8 - 29/8
Chính phủ thống nhất phương án giảm tiền điện cho 3 nhóm doanh nghiệp khó khăn do Covid-19 (Ảnh minh họa)

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 28/8/2021 thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 như đề xuất của Bộ Công Thương.

Cụ thể, đối tượng được hỗ trợ giảm tiền điện là các nhà máy hoặc cơ sở sản xuất đặt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại thời điểm ngày 25/8/2021 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và đang duy trì sản xuất trong các lĩnh vực: Doanh nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; Doanh nghiệp chế biến và bảo quản rau quả; Doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ đô la Mỹ; đồng thời là khách hàng mua điện trực tiếp từ Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc các đơn vị bán lẻ điện khác.

Các khách hàng doanh nghiệp thuộc 3 nhóm trên sẽ được giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn. Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện cho khách sử dụng điện là 3 tháng tại các kỳ hoá đơn tiền điện tháng 9 đến hết kỳ hóa đơn tiền điện tháng 11/2021. Theo ước tính của EVN, trong đợt 5 số tiền hỗ trợ giảm giá điện cho khách hàng sử dụng điện là khoảng 650 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế VAT).

Chuẩn bị giải ngân khoản vay đầu tiên cho Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang

Mô hình Nhà máy Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang.
Mô hình Nhà máy Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang.

Thông tin từ Tập đoàn An Khánh cho biết, dự án Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang sẽ được giải ngân khoản vay đầu tiên vào cuối quý 3/2021 từ Ngân hàng ICBC. Theo đó, dự án sẽ hoàn thành trong 33 tháng (từ ngày tổng thầu EPC nhận khoản tạm ứng đầu tiên) và dự kiến sẽ vận hành chạy thử vào tháng 12/2023, phát điện thương mại vào năm 2024. Khi nhà máy đi vào hoạt động dự kiến mỗi năm sẽ cung cấp cho thị trường điện trên 5 tỷ kWh.

Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp nên Công ty CP An Khánh Bắc Giang đang tạm dừng các hoạt động trên công trường để tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Các giao dịch với nhà thầu, đối tác phải tạm hoãn, hoặc chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến nên cũng ảnh hưởng đến công tác thi công và tiến độ của dự án.

Đốt dầu thành công tổ máy 2 Nhiệt điện Nghi Sơn 2

Đốt dầu thành công tổ máy số 2 Nhiệt điện Nghi Sơn 2.
Đốt dầu thành công tổ máy số 2 Nhiệt điện Nghi Sơn 2

Ngày 24/8/2021, tổng thầu và các nhà thầu liên doanh vừa thực hiện thử nghiệm đốt dầu thành công tổ máy số 2 thuộc dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 (xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa), đánh dấu một mốc quan trọng của dự án, là điều kiện tiên quyết để tiếp tục các bước thử nghiệm tiếp theo.

Dự án do Liên doanh Marubeni và Kepco làm chủ đầu tư, Tập đoàn Công nghiệp nặng Doosan làm tổng thầu EPC, Lilama đảm đảm nhận 90% khối lượng thi công lắp đặt cơ khí và điện. Nhà máy có tổng công suất 1.200 MW gồm 2 tổ máy (2 x 600 MW) sử dụng công nghệ đốt than siêu tới hạn.

Trước đó, vào tháng 7/2021, tổ máy số 1 đã hòa điện đồng bộ bằng than thành công vào lưới điện quốc gia, hiện đang chạy thử, hiệu chỉnh và phát điện ổn định lên lưới quốc gia với công suất 600 MW, sẽ vận hành thương mại vào cuối năm 2021.

Chi phí sản xuất và mua điện của EVN tăng

Bản tin năng lượng trong nước từ ngày 23/8 - 29/8
Chi phí sản xuất và mua điện của EVN tăng do giá nhiên liệu đầu vào tăng cao (Ảnh minh họa)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, do giá nhiên liệu đầu vào tăng cao dẫn đến chi phí sản xuất và mua điện của EVN tăng hơn 16.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020. Theo số liệu thống kê, trong tháng 7/2021 và 20 ngày đầu tháng 8/2021, giá nhiên liệu đầu vào mà EVN thực hiện đang cao hơn rất nhiều so với thông số giá bình quân đã thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, đặc biệt là giá than.

Cụ thể, giá than nhập khẩu tăng từ 98,8 USD/tấn bình quân 6 tháng đầu năm lên đến 150 USD/tấn bình quân tháng 7/2021 và 159,7 USD/tấn trong 10 ngày đầu tháng 8/2021. Giá dầu HFSO bình quân tháng 7 tăng 23% so với số liệu bình quân thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 68,3% so với số liệu thực hiện bình quân năm 2020.

Với tình hình biến động về giá nhiên liệu đầu vào trong 8 tháng đầu năm 2021 như trên dẫn đến chi phí sản xuất và mua điện của EVN tăng cao. Bên cạnh đó, tình hình diễn biến thủy văn của các hồ thủy điện ở phía Bắc đến nay không thuận lợi, hiện đã là cuối tháng 8 - tức là thời điểm cuối mùa lũ chính vụ nhưng vẫn chưa có dấu hiệu lũ về các hồ thủy điện. Do vậy, tình hình tài chính của EVN cả năm 2021 được nhận định sẽ có rất nhiều khó khăn.

Xăng dầu đồng loạt giảm giá từ 15 giờ ngày 26/8

Bản tin năng lượng trong nước từ ngày 23/8 - 29/8
Xăng dầu đồng loạt giảm giá từ 15 giờ ngày 26/8. (Ảnh minh họa)

Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa quyết định điều giảm giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu, áp dụng từ 15 giờ ngày 26/8. Cụ thể, xăng E5RON92 giảm 607 đồng/lít, có giá bán lẻ không cao hơn 19.891 đồng/lít; xăng RON95 giảm 550 đồng/lít, có giá bán 21.131 đồng/lít. Tương tự các mặt hàng dầu cũng giảm từ 350 đồng đến 506 đồng/lít tùy loại. Sau khi giảm, dầu diesel có giá 15.667 đồng/lít; dầu hỏa có giá 14.762 đồng/lít và dầu mazut bán lẻ ở mức 15.055 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này đã trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng RON95 ở mức 150 đồng/lít, dầu diesel ở mức 400 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 400 đồng/lít, dầu mazut ở mức 300 đồng/kg. Chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 950 đồng/lít; xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa và dầu mazut không chi.

Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, biến chủng mới của dịch bệnh Covid-19 làm các nước phải tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế đi lại cùng với việc đồng USD tăng giá đã khiến giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm trong tuần giữa tháng 8.

Việt Nam - Hoa Kỳ mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch và xe điện

Bản tin năng lượng trong nước từ ngày 23/8 - 29/8
Việt Nam - Hoa Kỳ mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch (Ảnh minh họa)

Tận dụng Khu vực tư nhân trong Hành động vì Khí hậu, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, mở rộng cơ hội thị trường cho các công ty Hoa Kỳ và củng cố chính sách môi trường của Việt Nam.

Về mở rộng hợp tác trong lĩnh vực Năng lượng Sạch và Xe điện (tên chương trình lớn trong hợp tác chung về biến đổi khí hậu), Chính phủ Hoa Kỳ đã công bố Chương trình Năng lượng Phát thải Thấp Việt Nam II (V-LEEP II), một dự án 5 năm trị giá 36 triệu USD của USAID nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một nền tảng sản xuất, tiêu thụ năng lượng sạch, an toàn và định hướng thị trường hệ thống năng lượng.

Dự án sẽ hoạt động để cải thiện quy hoạch năng lượng của chính phủ, tăng cường cạnh tranh để khuyến khích khu vực tư nhân Hoa Kỳ tham gia vào cung cấp dịch vụ năng lượng và tăng cường hệ thống năng lượng sạch; giúp Việt Nam mở rộng quy mô áp dụng xe máy điện và thực hiện cơ chế Thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) cho phép các doanh nghiệp mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo.

Powertech trở thành đối tác chiến lược của GoodWe tại Việt Nam

Nhà máy sản xuất của GoodWe.
Nhà máy sản xuất của GoodWe

GoodWe (Mã chứng khoán: 688390) vừa chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược cùng nhà phân phối chính thức tại Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại và Kỹ thuật Powertech. Đi kèm với thỏa thuận hợp tác này là đơn hàng thiết bị lưu trữ năng lượng, inverter GW5408D-ES, lớn nhất tính đến thời điểm này của GoodWe tại thị trường Việt Nam.

GoodWe là một trong những thương hiệu biến tần lưu trữ hàng đầu thế giới và Top 3 thương hiệu biến tần C&I tại Việt Nam. Bộ biến tần năng lượng mặt trời GoodWe được phân phối tích lũy hơn hai triệu sản phẩm và lắp đặt 23 GW tại hơn 100 quốc gia và khu vực, sử dụng trong các mái nhà dân dụng và thương mại, các hệ thống quy mô công nghiệp và tiện ích và dải từ 0,7 kW đến 250 kW.

Với cùng mục tiêu hướng đến việc kiến tạo tương lai năng lượng và giảm phát thải carbon, GoodWe và Powertech cam kết mang đến thị trường Việt Nam những giải pháp năng lượng tốt nhất. Mục tiêu là mang đến những sản phẩm chất lượng cao nhất và dịch vụ chuyên nghiệp, nhanh chóng nhất để đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng.

Lâm Anh (t/h)

Bản tin Dầu khí 27/8: BP và PetroChina thành lập một liên doanh mới Bản tin Dầu khí 27/8: BP và PetroChina thành lập một liên doanh mới
Bản tin năng lượng xanh: Chính phủ Anh tài trợ chuyển đổi năng lượng xanh, Ucraine – Đức hợp tác xuất khẩu hydro “xanh” Bản tin năng lượng xanh: Chính phủ Anh tài trợ chuyển đổi năng lượng xanh, Ucraine – Đức hợp tác xuất khẩu hydro “xanh”
Bản tin năng lượng xanh: Các nước thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi năng lượng Bản tin năng lượng xanh: Các nước thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi năng lượng
Bản tin năng lượng trong nước từ ngày 16/8 - 22/8 Bản tin năng lượng trong nước từ ngày 16/8 - 22/8
Bản tin năng lượng xanh: dồn dập đầu tư năng lượng tái tạo Bản tin năng lượng xanh: dồn dập đầu tư năng lượng tái tạo