Để hạ tầng năng lượng đi trước một bước trong kỷ nguyên mới

Bài 1: Bài toán năng lượng - Cơ hội nhiều, thách thức lớn

13:43 | 09/07/2025

428 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển bứt phá với khát vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP đạt tối thiểu 8% trong năm 2025 và duy trì mức trên 10% trong các năm tiếp theo. Tuy nhiên, đằng sau con số đó là những bài toán phức tạp và đầy sức ép: bảo đảm đủ năng lượng cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh mà vẫn phải giữ lộ trình giảm phát thải carbon để đạt Net Zero vào năm 2050...
Bài toán năng lượng: Cơ hội nhiều - thách thức lớn

Phát triển năng lượng cần đi trước một bước nhằm tạo nền tảng hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm lớn cho phát triển năng lượng, xác định đây là lĩnh vực cần đi trước một bước nhằm tạo nền tảng hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội.

Hàng loạt quyết sách quan trọng đã được ban hành, tiêu biểu như Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch điện VIII điều chỉnh; Luật Điện lực (sửa đổi)...

Tuy vậy, nhiều chuyên gia nhận định dù khung chính sách đã dần hoàn thiện nhưng quá trình phát triển nguồn điện vẫn có dấu hiệu tăng chậm, trong khi năng lượng tái tạo (NLTT) lại chững lại, làm dấy lên mối lo ngại về khả năng thiếu điện trong tương lai gần.

Thực tế giai đoạn 2010-2020, khi GDP tăng trung bình 6% mỗi năm thì nhu cầu tiêu thụ điện đã tăng tới 9-10%/năm, phản ánh hệ số đàn hồi điện phổ biến ở mức 1,5-2.

Theo tính toán, nếu nền kinh tế thực sự tăng trưởng 10%/năm, nhu cầu điện sẽ tăng tới 15-20%, tương đương Việt Nam phải bổ sung khoảng 2.200-2.500 MW công suất mới chỉ trong năm 2025. Trong khi đó, tại Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, điện sản xuất và nhập khẩu đạt khoảng 560,4-624,6 tỷ kWh, công suất cực đại khoảng 89.655-99.934 MW. Tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước dự kiến đạt 183.291-236.363 MW, tăng thêm tới 27.747-80.819 MW so với quy hoạch trước.

Đáng chú ý, kế hoạch cũng bổ sung Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 với tổng công suất từ 4.000-6.400 MW, dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2030-2035. Đây rõ ràng là bước đi cho thấy quy mô công suất các nguồn điện đã cao hơn rất nhiều, mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư. Thêm vào đó, việc áp dụng giá mua điện khác nhau theo vùng miền cũng đã tính tới tín hiệu đầu tư, chi phí sản xuất, nhằm khuyến khích giảm tải cho hệ thống truyền tải.

Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch điện VIII điều chỉnh cũng đặt ra những đích đến đầy tham vọng. Theo đó, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp sẽ đạt 15-20% vào năm 2030 và vươn tới 65-70% vào năm 2045, đồng thời hướng tới phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Không chỉ mở rộng quy mô công suất các nguồn điện, Việt Nam còn chú trọng xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hiện đại, có khả năng tích hợp cao với năng lượng tái tạo. Song song là các chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng, đặt mục tiêu giảm tiêu thụ cuối cùng khoảng 7-10% vào năm 2030 và 14-20% vào năm 2045, góp phần hạ hệ số đàn hồi điện. Đây chính là những cam kết mạnh mẽ thể hiện tầm nhìn dài hạn, cho thấy quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam không chỉ để đảm bảo an ninh điện mà còn để khẳng định vị thế quốc gia trong tiến trình phát triển xanh toàn cầu.

Dù vậy, hành trình hiện thực hóa những con số này đang đối diện không ít rào cản. Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương chỉ rõ, nguyên nhân quan trọng là thiếu đồng bộ giữa quy hoạch và cơ sở hạ tầng truyền tải điện, giữa việc xây dựng nguồn phát và lưới điện. Hệ quả là nhiều dự án NLTT đã phải cắt giảm công suất, thậm chí không thể hòa lưới ổn định.

Bài toán năng lượng: Cơ hội nhiều - thách thức lớn
Một số dự án NLTT đã phải cắt giảm công suất, thậm chí không thể hòa lưới ổn định.

Cơ chế giá điện, tài chính vẫn chưa rõ ràng, ổn định, gây tâm lý e dè cho nhà đầu tư. Việt Nam cũng chưa có hệ thống lưu trữ năng lượng, điều độ linh hoạt để tích hợp hiệu quả nguồn NLTT vào lưới điện quốc gia. Thiếu đồng bộ dữ liệu, nền tảng số phục vụ quản lý, cũng như sự phối hợp còn rời rạc giữa các ngành điện, dầu khí, giao thông, công nghiệp khiến bức tranh chuyển dịch năng lượng và tăng trưởng xanh chưa thật sự liền mạch.

Điện gió ngoài khơi (ĐGNK) nguồn NLTT quan trọng hiện cũng đang phát triển chậm, không xứng với kỳ vọng. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho biết, mặc dù các quy định về ĐGNK đã cụ thể hơn trước, song vẫn chưa đủ để triển khai dự án, do đó đến nay chưa có dự án nào được khởi động, khiến mục tiêu đạt 6.000 MW điện gió vào năm 2030 trở nên khó khả thi.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp nước ngoài, ông Chandan Singh, Tổng Giám đốc Hitachi Energy tại Việt Nam, đánh giá Việt Nam đã liên tục xây dựng các tuyến truyền tải cao áp mới, song việc đưa điện từ các dự án NLTT lên lưới vẫn gặp khó khăn. Thêm vào đó, hệ thống điện quốc gia còn thiếu thiết bị chuyên dụng để bù đắp tính bất ổn của NLTT, thiếu cơ sở lưu trữ cũng như kết nối mạng lưới để phục vụ giao dịch điện.

Trước thực trạng này, các chuyên gia khuyến cáo cần có những cơ chế mạnh mẽ để huy động nguồn vốn lớn. Bởi theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, chỉ riêng giai đoạn 2026-2030, tổng vốn đầu tư cho nguồn và lưới truyền tải điện đã lên tới hơn 130 tỷ USD. Việt Nam hiện có thể tự đảm bảo khoảng 30% tổng vốn, còn lại khoảng 95 tỷ USD, tức 70% phải huy động từ bên ngoài. Trong khi đó, theo quy định, khi đầu tư dự án điện, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải đạt 30%, còn lại 70% sẽ huy động qua các định chế tài chính, thị trường vốn quốc tế.

Ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển cảnh báo, nếu không có cơ chế chia sẻ rủi ro thỏa đáng để các tổ chức tài chính quốc tế an tâm tham gia, thì triển vọng thu xếp đủ vốn cho các dự án điện sẽ rất khó khăn, nằm ngoài mong muốn chủ quan của cả Chính phủ lẫn nhà đầu tư.

Đặc biệt, thời gian qua điện khí LNG được kỳ vọng là trụ cột chuyển dịch năng lượng - nhưng cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hạ tầng kho cảng, lưu trữ và phân phối chưa đồng bộ với quy hoạch nguồn; cơ chế giá điện và khung pháp lý chưa rõ ràng, thiếu hấp dẫn nhà đầu tư. Việc huy động vốn khó khăn do chi phí cao và thiếu bảo lãnh rủi ro, trong khi quy trình phê duyệt còn chồng chéo giữa các bộ, ngành. Nếu không sớm tháo gỡ, điện khí LNG khó phát huy vai trò trong bảo đảm an ninh năng lượng và giảm phát thải.

Bài toán năng lượng: Cơ hội nhiều - thách thức lớn
Điện khí LNG được kỳ vọng là trụ cột chuyển dịch năng lượng - nhưng cũng đang gặp khó khăn, vướng mắc

Dù vậy, bức tranh ngành điện vẫn có những tín hiệu tích cực. Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã có những điều chỉnh đáng kể, không chỉ mở rộng tổng công suất mà còn hướng tới đa dạng hóa nguồn, bổ sung cả điện hạt nhân. Quy định về giá mua điện áp dụng linh hoạt theo vùng miền cũng đã tính tới giảm áp lực truyền tải. Để hiện thực hóa, ông Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, bao gồm các luật sửa đổi về Năng lượng nguyên tử, Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời ban hành nhanh các văn bản dưới luật quy định giá mua bán điện của các nguồn linh hoạt, giá điện thủy điện tích năng, làm cơ sở hỗ trợ phát triển NLTT và các nguồn năng lượng mới.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các cơ chế đấu thầu công khai, minh bạch, đẩy nhanh phê duyệt dự án, thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chuyển dịch năng lượng và trung hòa carbon để điều phối liên ngành sẽ góp phần tháo gỡ các nút thắt. Cùng với đó là tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, giảm hệ số đàn hồi điện từ ~1,5 hiện nay xuống ~0,4 vào năm 2050 thông qua phát triển các ngành dịch vụ, công nghệ cao ít tiêu thụ điện, thúc đẩy các chương trình tiết kiệm điện và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Rõ ràng, giải bài toán năng lượng cho mục tiêu tăng trưởng hai con số không chỉ là chuyện xây thêm vài chục nghìn MW công suất điện mới mỗi năm. Đó là bài toán tích hợp nhiều ẩn số về hạ tầng, công nghệ, thể chế, thị trường, tài chính và cả năng lực điều phối chính sách. Chỉ khi tất cả các trụ cột này được vận hành đồng bộ, Việt Nam mới có thể duy trì đà tăng trưởng nhanh, hướng tới nền kinh tế carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu và khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế xanh toàn cầu.

Và để góp thêm góc nhìn, giải pháp cho bài toán đầy thách thức này, nhóm phóng viên PetroTimes đã thực hiện loạt bài "Để hạ tầng năng lượng đi trước một bước trong kỷ nguyên mới". Loạt bài sẽ mang đến những phân tích khách quan, sâu sắc về hiện trạng, các điểm nghẽn, tiềm năng phát triển cũng như đề xuất cụ thể từ phía các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời còn hướng đến việc ưu tiên, ưu đãi sử dụng các nguồn năng lượng mới, xanh, sạch hơn.

Qua đó, chúng tôi mong muốn tiếp thêm động lực, mở ra những ý tưởng mới nhằm đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, các cơ quan ban ngành và cộng đồng doanh nghiệp đưa hạ tầng năng lượng Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, thực sự trở thành bệ đỡ vững chắc cho mục tiêu tăng trưởng hai con số, hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên xanh, thịnh vượng và hội nhập sâu rộng toàn cầu.

Minh Khang

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps