Bản tin năng lượng xanh: dồn dập đầu tư năng lượng tái tạo

14:00 | 19/08/2021

431 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) kêu gọi các quốc gia nỗ lực hơn nữa trong việc cắt giảm phát thải CO2, đồng thời dự báo đầu tư vào NLTT năm 2021 sẽ vượt dầu khí năm thứ 2 liên tiếp (367/351 tỷ USD).
Bản tin năng lượng xanh: dồn dập đầu tư năng lượng tái tạo

Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu tại cuộc họp tuần trước nhận định, hiện tượng nóng lên của Trái đất đang diễn ra nhanh hơn so với dự kiến ​​trước đây, và có khả năng vượt ngưỡng 2°C trong thế kỷ 21, hàng loạt các hiện tượng khí hậu cực đoan đang diễn ra với cường độ mạnh, cũng như tại các khu vực không ngờ tới của trái đất – cháy rừng diện rộng, nắng nóng kỷ lục tại Bắc Mỹ, châu Âu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) kêu gọi các quốc gia nỗ lực hơn nữa trong việc cắt giảm phát thải CO2, đồng thời dự báo đầu tư vào NLTT năm 2021 sẽ vượt dầu khí năm thứ 2 liên tiếp (367/351 tỷ USD). Trong năm 2020, đầu tư vào upstream ước tính đạt 326 tỷ USD, NLTT – 359 tỷ USD.

Bản tin năng lượng xanh: dồn dập đầu tư năng lượng tái tạo
Biểu đồ: Đầu tư NLTT so với dầu khí. (NLTT màu đen, dầu khí màu xanh)

Giá tuabin gió trên thị trường dự kiến sẽ tăng đến 10% trong vòng 12-18 tháng tới do giá hàng hóa, chi phí hậu cần và những tác động của đại dịch tăng lên. Hiện giá thép, giá đồng, nhôm, sợi carbon tăng mạnh cùng với chi phí hậu cần đã tăng gấp 4 lần. Điều này đã làm tăng giá tuabin trong vòng 6 tháng qua, đồng thời đà tăng sẽ tiếp tục trong 4-5 quý tiếp theo. Theo các chuyên gia của Wood Mackenzie, các nhà sản xuất tuabin và các nhà cung cấp linh kiện sẽ phải đối mặt với mức tăng kép về chi phí trong một năm rưỡi tới, trước khi giá trở lại mức bình thường vào cuối năm 2022. Với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa có dấu hiệu cải thiện, các nhà sản xuất tuabin gió sẽ phải đối mặt với những áp lực lớn hơn nữa.

Bộ năng lượng mới và tái tạo Ấn Độ mới đây đã công bố thông tin về tình hình phát triển NLTT tại quốc gia này. Theo đó, tổng công suất lắp đặt các nguồn điện tái tạo (không bao gồm các nhà máy thủy điện lớn) đã vượt trên 100 GW, đưa Ấn Độ đứng thứ 5 thế giới về công suất lắp đặt điện mặt trời, đứng thứ 4 về công suất điện gió. Nếu tính cả công suất của các nhà máy thủy điện lớn, tổng công suất lắp đặt NLTT của Ấn Độ là 146 GW. Bên cạnh đó, 50 GW công suất NLTT mới đang trong quá trình lắp đặt và 27 GW công suất mới trong quá trình đấu thầu. Trước đó, Chính phủ Ấn Độ đã đặt mục tiêu nâng tổng công suất các nguồn NLTT lên 175 GW trong năm 2021. Thực tế thì danh mục các dự án NLTT ở các giai đoạn khác nhau có tổng công suất đã vượt mục tiêu này. Vào tháng 11/2020, Thủ tướng Ấn Độ N. Modi kỳ vọng rằng, nước này sẽ nâng tổng công suất NLTT lên 220 GW vào năm 2022.

EIA cho biết, Mỹ có thể bổ sung thêm 10.000 MW công suất pin lưu trữ quy mô lớn trong giai đoạn 2021 - 2023, tức gấp 3 lần công suất pin lưu trữ vào năm 2019. Phần lớn dung lượng pin lưu trữ bổ sung đến từ các hệ thống tích hợp hoặc kết nối với các dự án năng lượng mặt trời. Tính đến cuối năm 2020, hầu hết các cơ sở pin lưu trữ quy mô lớn tại Mỹ được xây dựng dưới dạng cơ sở độc lập. IEA cho biết thêm, sự phát triển lĩnh vực pin lưu trữ năng lượng tại Mỹ là rất quan trọng khi nước này phải đối mặt với những rào cản mới về nhu cầu cung cấp nguồn điện tin cậy. Năng lượng được lưu trữ trong pin điện có thể bảo vệ chất lượng điện lưới và nâng cao hiệu suất của lưới điện.

Viễn Đông