LNG ở châu Á: Bước chuyển tiếp tới tương lai xanh

06:45 | 10/07/2025

120 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh các nỗ lực giảm phát thải carbon, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đang ngày càng được chú ý như một giải pháp quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Á.
LNG ở châu Á: Bước chuyển tiếp tới tương lai xanh
Trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh các nỗ lực giảm phát thải carbon, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đang ngày càng được chú ý như một giải pháp quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Á. Hình minh họa

So với than đá và dầu mỏ, LNG sạch hơn, vì vậy được xem là nhiên liệu trung gian, giúp các quốc gia từng bước rời xa năng lượng hóa thạch để tiến tới sử dụng năng lượng tái tạo.

Châu Á là nơi có nhiều nền kinh tế phát triển nhanh và tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, chiếm hơn 70% tổng lượng LNG nhập khẩu toàn cầu. Nhu cầu năng lượng tại khu vực này vẫn đang tăng mạnh, đặc biệt ở các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, cùng với những nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines và Thái Lan. Với các nước này, LNG được xem là lựa chọn phát thải thấp hơn, trong khi họ vẫn tiếp tục đầu tư mạnh vào hạ tầng năng lượng tái tạo.

LNG góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và hỗ trợ quá trình chuyển đổi

LNG có nhiều lợi thế như linh hoạt, phát thải thấp hơn và hỗ trợ tốt cho các nguồn năng lượng tái tạo, vốn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết như điện gió và điện mặt trời. Dù không phải là nguồn năng lượng không phát thải, LNG vẫn thải ra ít hơn khoảng 50-60% CO₂, so với than khi dùng để phát điện. Ngoài ra, các nhà máy điện chạy bằng LNG có thể dễ dàng điều chỉnh công suất, phù hợp với đặc tính biến động của năng lượng tái tạo, và giúp giữ cho lưới điện ổn định.

Sau khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, nguồn cung khí đốt qua đường ống cho châu Âu bị gián đoạn, khiến thị trường LNG toàn cầu có sự thay đổi lớn. Việc châu Âu chuyển sang dùng LNG đã đẩy giá giao ngay tăng cao, và buộc các nước châu Á phải ký kết các hợp đồng dài hạn để đảm bảo nguồn cung. Dù gặp nhiều khó khăn, các chính phủ châu Á vẫn kiên định đưa LNG vào chiến lược năng lượng tổng thể, không chỉ để bảo đảm nguồn điện ổn định, mà còn để thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính.

Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan - những thị trường LNG truyền thống - nay đang được nối tiếp bởi các quốc gia như Bangladesh, Pakistan, đặc biệt là Việt Nam. Những nước này đang tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng để nhập khẩu, lưu trữ và tái hóa khí LNG, coi đây là giải pháp tạm thời trong hành trình hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Phát triển hạ tầng LNG ở châu Á

Để đáp ứng nhu cầu LNG ngày càng tăng, nhiều quốc gia châu Á đang chứng kiến làn sóng phát triển mạnh mẽ các dự án hạ tầng, từ trạm nhập khẩu, tàu tái hóa khí nổi (FSRU), đến hệ thống đường ống và cơ sở tiếp nhiên liệu cho tàu chạy bằng LNG.

Trung Quốc - nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới trong năm 2023 - đang tiếp tục mở rộng công suất tại các trạm tiếp nhận. Các tập đoàn quốc doanh lớn như CNOOC, Sinopec và PetroChina đang đầu tư mạnh vào các trạm tái hóa khí cả trên bờ và ngoài khơi, đặc biệt dọc theo bờ biển phía đông. Riêng trong năm 2024, Trung Quốc đã đưa vào vận hành thêm công suất tiếp nhận LNG lên tới 15 triệu tấn/năm, củng cố vai trò trung tâm trong nhu cầu LNG toàn cầu.

Ấn Độ cũng là một thị trường LNG đang phát triển nhanh. Chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng tỷ trọng khí đốt trong cơ cấu năng lượng từ 6% lên 15% vào năm 2030. Điều này thúc đẩy làn sóng đầu tư vào các trạm nhập khẩu LNG. Hiện nay, các bang Gujarat và Maharashtra ở bờ tây đã trở thành những trung tâm lớn, trong khi các dự án mới đang được triển khai ở bờ đông, để tạo sự cân bằng giữa các vùng. Bên cạnh đó, Ấn Độ còn phát triển mạng lưới phân phối khí cho đô thị và phương tiện giao thông chạy bằng LNG, như xe buýt, nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải carbon.

Tại Đông Nam Á, nhiều quốc gia đang đẩy mạnh sử dụng LNG, đặc biệt là những nước có kế hoạch giảm dần điện than. Việt Nam gần đây đã phê duyệt hàng loạt dự án điện LNG theo Quy hoạch điện VIII (PDP8), với mục tiêu thay thế các nhà máy điện than cũ và cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị. Tàu FSRU đầu tiên của Việt Nam dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2025, và sẽ còn thêm nhiều dự án khác trong thời gian tới. Thái Lan và Philippines cũng đang mở rộng công suất nhập khẩu LNG, nhằm hỗ trợ khai thác điện và giảm phụ thuộc vào thị trường than vốn nhiều biến động.

Tại Bangladesh, sau nhiều năm thiếu hụt nhiên liệu, Chính phủ đang tăng cường đầu tư vào LNG, với kế hoạch xây thêm các FSRU gần Chattogram và Payra, ven Vịnh Bengal. Trong khi đó, Pakistan cũng đang cố gắng ổn định hệ thống điện, thông qua việc tăng cường nhập khẩu LNG, dù hiện tại vẫn phải đối mặt với tình trạng dư cung. Tuy nhiên, khó khăn tài chính vẫn là trở ngại lớn đối với nước này.

Bắc Cực Bắc Cực "trỗi dậy": Nga tìm được đường xuất khẩu LNG ngoài lệnh cấm?
Vì sao nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga cho châu Âu giảm?Vì sao nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga cho châu Âu giảm?
Canada lần đầu xuất khẩu LNG sang châu ÁCanada lần đầu xuất khẩu LNG sang châu Á

Nh.Thạch

AFP

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps