Bài học từ 2 vụ lừa đảo lớn ở Agribank

10:38 | 03/05/2011

1,320 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Agribank nói riêng và các ngân hàng nói chung cần rút ra những bài học gì để tránh theo "vết xe đổ" trong vấn đề quản lý nguồn vốn vay?

Hai vụ án lừa đảo chiếm đoạt gần 200 tỉ đồng tiền vốn vay xảy ra ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Tân Bình và Agribank chi nhánh 3 do Công an TP HCM thụ lý điều tra đang bước vào giai đoạn "nhạy cảm” với việc khởi tố, bắt giam một loạt cán bộ của Agribank. Qua hai vụ án này, Agribank nói riêng và các ngân hàng nói chung cần rút ra những bài học gì để tránh theo "vết xe đổ” trong vấn đề quản lý nguồn vốn vay?

Lãnh đạo ngân hàng tiếp tay

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP HCM đã thực hiện lệnh bắt tạm giam hai bị can Võ Đức Hùng (nguyên trưởng phòng thẩm định Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Tân Bình – Agribank Tân Bình) và Nguyễn Minh Hòa (nguyên cán bộ kiểm tra nội bộ thuộc Agribank Việt Nam – văn phòng đại diện khu vực miền Nam).

Ngoài 3 cán bộ trên, một loạt cán bộ lãnh đạo của Agribank Tân Bình đã lần lượt bị khởi tố, bắt giam từ năm 2010 đến nay sau khi vụ án này được phanh phui. Cụ thể gồm: Nguyễn Tám (Giám đốc), Phạm Việt Văn (Phó giám đốc), Đặng Thị Duyên Nghĩa (Trưởng phòng tín dụng), Đỗ Giao Toàn (Phó phòng tín dụng), Nguyễn Văn Chín (cán bộ phòng thẩm định) và Nguyễn Trọng Luân (chuyên viên Phòng kiểm tra nội bộ thuộc Văn phòng Agribank khu vực phía Nam). Hầu hết các cựu cán bộ ngân hàng này đều bị khởi tố về hành vi “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

CQĐT cũng khởi tố, bắt giam kẻ lừa đảo chính là Trần Huỳnh Nghĩa (Giám đốc Cty TNHH Cát Phương Nam, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Trường Phát Đạt). Riêng “trùm lừa đảo” Nguyễn Thị Phương Hoa (nguyên Phó giám đốc kinh doanh Cty Reetech thuộc Cty Cổ phần Cơ điện lạnh REE) đã bỏ trốn nên CQĐT đang truy nã đặc biệt.

Kết quả điều tra cho thấy, nhằm lừa đảo chiếm đoạt nguồn vốn vay, suốt thời gian từ năm 2005 đến 2009, Trần Huỳnh Nghĩa đã câu kết với Nguyễn Thị Phương Hoa giở thủ đoạn giả mạo các hợp đồng kinh tế góp vốn đầu tư Dự án cao ốc văn phòng E-town 2 và E-town 3&4 (nằm trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP HCM) do Cty REE làm chủ đầu tư và sử dụng các tờ cổ phiếu giả của REE để làm tài sản thế chấp, lập hồ sơ vay vốn tại Agribank Tân Bình để chiếm đoạt tổng cộng 120 tỉ đồng.

Về phía lãnh đạo Agribank Tân Bình, do có mối quan hệ làm ăn, thân quen từ trước, nên dù biết rõ Cty TNHH Cát Phương Nam của Trần Huỳnh Nghĩa không có năng lực tài chính, không có tài sản đảm bảo, không có dự án đầu tư, không đủ điều kiện để được vay vốn nhưng Nguyễn Tám (Giám đốc Agribank Tân Bình) vẫn thỏa thuận giúp Nghĩa, Hoa vay tiền. Nguyễn Tám chỉ đạo con rể là Đỗ Giao Toàn (Phó phòng tín dụng) tiếp nhận các loại hồ sơ giấy tờ cần thiết từ Nghĩa, Hoa để lập báo cáo thẩm định rồi trình ông ta ký duyệt mà không cần phải thẩm định hồ sơ theo đúng quy định.

Theo Cơ quan điều tra, từ những phi vụ lừa đảo trên, thông qua 11 hợp đồng tín dụng của Cty Cát Phương Nam và Cty Trường Phát Đạt tại Agribank Tân Bình cho thấy Trần Huỳnh Nghĩa, Nguyễn Thị Phương Hoa đã lừa rút chiếm đoạt tổng cộng là 120 tỉ đồng, trong đó riêng Nguyễn Thị Phương Hoa đã chiếm đoạt 78 tỉ đồng.

Có tiêu cực hay sập bẫy lừa

Không hơn gì Agribank Tân Bình, một loạt cán bộ lãnh đạo của Agribank chi nhánh 3 (trụ sở trên đường Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TP HCM) cũng “xộ khám” khi vụ lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng tiền vốn vay ở đây bị Công an TP HCM phát hiện.

Trong diễn biến mới nhất, Công an TP HCM đã khởi tố, bắt tạm giam Đới Sỹ Thúy (Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng tư vấn tín dụng Agribank chi nhánh 3) về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Ngoài Sỹ Thúy, từ cuối năm 2010 cho đến nay, CQĐT đã khởi tố, bắt tạm giam 3 cán bộ lãnh đạo của Agribank chi nhánh 3 gồm Nguyễn Hữu Long (Phó giám đốc phụ trách tín dụng), Đào Phương Thế (Trưởng phòng kế hoạch kinh doanh), Huỳnh Trung Hiếu (cán bộ tín dụng) với cùng tội danh trên.

Theo kết quả điều tra, khoảng tháng 4-2009, với ý đồ lừa đảo chiếm đoạt tiền vốn vay, Trần Quốc Dân (Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty CP bất động sản Đại Phương Uyên) nhờ vả Nguyễn Hữu Long giải quyết cho Cty TNHH Xuân Lan (thực chất do Trần Quốc Dân lập ra, Trần Hữu Thiện làm giám đốc) được vay 39 tỉ đồng nhằm thanh toán tiền mua nhà với tài sản thế chấp là giấy tờ căn nhà số 368 Nguyễn Sơn, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM. Bỏ qua các khâu thẩm định, với sự thỏa thuận của Nguyễn Hữu Long, hồ sơ trên đã được Đới Sỹ Thúy ký duyệt.

 

Trùm lừa Trần Quốc Dân

Hơn một năm sau, Dân gặp Long đề nghị giúp đỡ giải quyết cho Cty TNHH TM DV vận tải Trọng Bằng được vay 40 tỉ đồng để trả hộ nợ gốc và lãi cho Cty Xuân Lan. Tài sản bảo đảm lại cũng chính là căn nhà 368 Nguyễn Sơn vốn đang thế chấp.

Kết quả là tháng 6-2010, Đới Sỹ Thúy đã ký duyệt cho Cty Trọng Bằng vay số tiền 40 tỉ đồng, đồng thời ký duyệt cho rút hồ sơ thế chấp căn nhà 368 Nguyễn Sơn từ kho tài sản của chi nhánh rồi giao cho cấp dưới đi làm thủ tục đi xóa thế chấp và đăng ký thế chấp mới cho Cty Trọng Bằng. Thế nhưng sau đó, qua xác minh được biết, hồ sơ căn nhà 368 Nguyễn Sơn do Agribank chi nhánh 3 đang giữ đảm bảo hoàn toàn là hồ sơ giả mạo.

Tại CQĐT, Đới Sỹ Thúy khai do tin tưởng nhân viên của mình nên đã ký duyệt mà không tiến hành kiểm tra thực tế xem Cty Xuân Lan đã trả hết nợ cho ngân hàng hay chưa. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của Nguyễn Hữu Long, Đào Phương Thế, Huỳnh Trung Hiếu và tài liệu, chứng cứ thu thập được, CQĐT cho rằng, đủ cơ sở xác định Đới Sỹ Thúy biết rõ việc giải quyết cho Cty Trọng Bằng vay là sai mục đích, tài sản thế chấp bảo đảm cho khoản vay 40 tỉ đồng của công ty này đang được thế chấp bảo đảm cho khoản vay 39 tỉ đồng của Cty Xuân Lan và chưa thu được bất cứ khoản nợ gốc và lãi nào.

Ngoài 2 hợp đồng tín dụng kể trên, Đới Sỹ Thúy còn ký duyệt nhiều hồ sơ vay của các công ty khác không đủ điều kiện theo quy định do Trần Quốc Dân lập ra. Từ đó, tạo điều kiện cho Dân chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng tiền vay của Agribank chi nhánh 3. Về phía đối tượng lừa đảo do đã “cao chạy xa bay” mang theo mớ tiền lớn, nên tháng 1-2011, CQĐT đã phát lệnh truy nã đặc biệt đối với Trần Quốc Dân (45 tuổi), và Trần Hữu Thiện (28 tuổi) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bài học trách nhiệm

Qua hai vụ lừa đảo vừa nêu trên, điều làm dư luận băn khoăn là trong khi có nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính rất khó khăn tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, thì các đối tượng lừa đảo chỉ cần lập ra vài công ty con rồi dùng thủ đoạn đơn giản như sử dụng hợp đồng góp vốn giả, cổ phiếu, giấy tờ nhà đất giả để “móc túi” ngân hàng với số tiền gần 200 tỷ đồng một cách dễ dàng. Điều này cho thấy sự yếu kém trong việc quản lý nguồn vốn vay tín dụng thật sự đáng báo động.

Nhiều ý kiến cho rằng, có những khúc mắc mà CQĐT cần làm sáng tỏ như việc có hay không nạn hối lộ, móc ngoặc, chung chi giữa người đi vay và cán bộ ngân hàng chứ không chỉ đơn thuần là vi phạm về cho vay hay chỉ tại lỗi thiếu trách nhiệm.

Nói về việc một loạt vụ lừa đảo vốn vay quy mô lớn tại Agribank suốt thời gian qua, trong buổi gặp mặt giới báo chí cách đây không lâu, Đại tá Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP HCM đã lên tiếng cảnh báo về sự vô trách nhiệm, thậm chí không loại trừ có vấn đề tiêu cực của một số cán bộ ngân hàng, chính điều này đã tiếp tay cho bọn lừa đảo.

Nhìn nhận dưới góc độ điều tra, một điều tra viên cho rằng, cần phải đặt ra vấn đề vai trò, trách nhiệm của ngân hàng, vì xét cho cùng thủ đoạn lừa đảo của Trần Huỳnh Nghĩa, Nguyễn Thị Phương Hoa hay của Trần Quốc Dân thật sự là không mới lắm, đơn giản là thủ đoạn thành lập công ty để ký hợp đồng góp vốn giả rồi đi vay tiền hoặc làm giả cổ phiếu, lập hồ sơ khống, giấy tờ nhà đất giả để thế chấp vay vốn….Thậm chí, một số ngân hàng còn ưu ái cho họ được hưởng lãi suất thấp.

Hồ sơ điều tra cho thấy quy trình lập hồ sơ vay tại Agribank Tân Bình và Agribank chi nhánh 3 thực hiện rất sơ sài, bỏ qua hầu hết các công đoạn thẩm định quan trọng. Nhiều hồ sơ vay của Trần Huỳnh Nghĩa, Nguyễn Thị Phương Hoa, Trần Quốc Dân có vấn đề nhưng do được lãnh đạo hai chi nhánh của Agribank ưu ái, chỉ đạo cấp dưới phải làm theo nên cuối cùng vẫn qua mặt được. Một phần cũng do các cán bộ tín dụng của hai chi nhánh này vì cả nể, làm theo sự chỉ đạo của lãnh đạo mà không thẩm định hồ sơ trên sổ sách, chứng từ, cổ phiếu nên đã bỏ qua các hành vi gian dối của bọn lừa đảo.

Trong khi đó, phía Văn phòng Agribank khu vực phía Nam là cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP HCM cũng chỉ tiến hành thanh tra khi sự việc đáng tiếc đã xảy ra.

Qua đây cho thấy, hoạt động cho vay, cách thu thập thông tin ở một số chi nhánh ngân hàng vẫn còn nhiều lỗ hổng, thông tin một phía từ khách hàng và thiếu kiểm chứng, chấm điểm tín dụng vẫn dựa nhiều vào tài sản thế chấp và thông tin khách hàng. Chính vì thế, khi cho vay, nhiều ngân hàng chưa coi trọng yếu tố uy tín, mục đích vay, năng lực tạo lợi nhuận, môi trường kinh doanh, nguồn trả nợ của khách hàng. Đây là nguyên nhân khiến nợ xấu trong ngành ngân hàng ở mức cao, còn nói riêng hai vụ lừa này thì hai chi nhánh ngân hàng trên bị sập bẫy lừa, khả năng mất trắng.

Với 2 vụ lừa đảo này, dư luận buộc phải thắc mắc: Tại sao đối tượng lừa đảo lại qua mặt được các ngân hàng? Câu trả lời là do hệ thống quản lý lỏng lẻo về nhiều mặt. Trước hết là lỏng lẻo trong việc thành lập các doanh nghiệp, không thực sự dựa trên năng lực tài chính, năng lực thực sự của doanh nghiệp, điển hình như Cty Cát Phương Nam, Cty Trường Phát Đạt, Cty Xuân Lan… chỉ được lập ra để đi vay vốn ngân hàng, không kinh doanh gì cả. Vấn đề tiếp theo là sự kém cỏi, tha hóa của cán bộ tín dụng ngân hàng. Trong thực tế, về Luật Ngân hàng, tín dụng đều quy định chặt chẽ về việc thanh kiểm tra trước, trong và sau khi vay vốn. Đối với các doanh nghiệp vay vốn như trên thì phải có tài sản đảm bảo, phải xem xét toàn bộ hợp đồng mua bán, chứng từ, cổ phiếu… có hợp pháp hay không, cần phải thẩm định trực tiếp để kiểm tra xác thực. Nhưng ở đây cán bộ tín dụng cố tình bỏ qua các nguyên tắc đó.

Để những kẻ lừa đảo dễ dàng móc túi được ngân hàng thì không thể nói cán bộ tín dụng không có vi phạm hoặc không dính đến tiêu cực. Trong trường hợp này, kẻ lừa đảo cần phải bị xử lý nghiêm minh, đối với cán bộ ngân hàng nếu có dấu hiệu vi phạm, có dấu hiệu móc ngoặc cũng phải xử lý triệt để, điều tra rõ tội danh nhằm làm gương để các ngân hàng khác không tiếp tục đi theo “vết xe đổ” trong vấn đề quản lý nguồn vay vốn tín dụng.

Bài và ảnh: Thế Vinh