Bắc Ninh: Bán đấu giá động vật hoang dã quý hiếm

07:00 | 06/02/2015

5,175 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay sau khi tiếp nhận 42 cá thể tê tê Java, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức bán đấu giá. Hành động “vội vàng” này không những vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, mà còn làm giảm ý nghĩa răn đe, ngăn ngừa tội phạm.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho hay, ngày 1/2/2015, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh được Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công An) bàn giao xử lý theo thẩm quyền 42 cá thể tê tê Java vận chuyển trái phép tại địa bàn tỉnh.

Ngay khi tiếp nhận, ngày 2/2/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với người vi phạm, đồng thời tổ chức bán đấu giá toàn bộ số tang vật tê tê ngay trong đêm.

42 cá thể tê tê Java.

Động thái “vội vàng” này không những vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, mà còn làm giảm ý nghĩa răn đe, ngăn ngừa tội phạm, biến cơ quan chức năng trở thành một mắt xích trong việc đưa động vật hoang dã bất hợp pháp thành hợp pháp.

Cũng theo bà Phương Dung, trước tình trạng hai loài tê tê của Việt Nam (tê tê Java và tê tê vàng) đang phải đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng do nạn săn bắn, buôn bán, tiêu thụ trái phép, Chính phủ đã nâng cấp độ bảo vệ và liệt kê trong danh mục loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP. Như vậy, cả hai loài tê tê của Việt Nam đều được bảo vệ cao nhất theo quy định của pháp luật, tương đương mức bảo vệ gấu, hổ, voi, tê giác.

“Các hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép tê tê hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm, bộ phận của chúng phải bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Tang vật tê tê sau khi tịch thu cần được xử lý theo các biện pháp quy định tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP mà không tiến hành bán đấu giá” – bà Phương Dung nói.

Sau khi Nghị định 160/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2014), ENV đã gửi khuyến cáo đến Ủy ban nhân dân và các cơ quan thực thi pháp luật có liên quan như Tòa án, Viện Kiểm sát, Chi cục Kiểm lâm và cơ quan công an của 63 tỉnh thành, nhằm cập nhật tình trạng bảo tồn cũng như cách thức xử lý các vụ việc liên quan đến tê tê vàng và tê tê Java theo đúng quy định hiện hành của pháp luật. Tuy nhiên, nhiều cơ quan chức năng địa phương vẫn tiếp tục áp dụng quan điểm xử lý vi phạm về tê tê theo quy định cũ, tức là xử phạt hành chính và bán đấu giá tang vật vi phạm.

Lực lượng chức năng đang kiểm đếm số lượng tê tê bị bắt giữ.

Điển hình, trong năm 2014 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận 10 vụ vận chuyển tê tê trái phép, chưa kể đến các trường hợp chưa có quyết định xử phạt, trong đó tất cả các vi phạm liên quan đến tê tê đều bị xử phạt hành chính. Tại tỉnh Hải Dương, theo ghi nhận của ENV, cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vận chuyển trái phép 137 cá thể tê tê Java được phát hiện ngày 1/4/2014 và bán đấu giá tang vật vi pham. Cơ quan chức năng tỉnh cũng ngay lập tức bán đấu giá tang vật của vụ việc vận chuyển trái phép 50 cá thể tê tê phát hiện ngày 21/10/2014.

Bà Phương Dung cho hay, hiện nay tình trạng săn bắt và buôn bán tê tê đang ở mức báo động, đặc biệt là vào gần các dịp lễ tết. Do đó, để bảo vệ hai loài tê tê của Việt Nam khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng thì việc xử lý nghiêm minh các vi phạm liên quan đến tê tê là vô cùng quan trọng. Có như vậy mới giúp giảm thiểu được tình trạng săn bắt và buôn bán các loài tê tê của Việt Nam. ENV hy vọng các cơ quan thực thi pháp luật sẽ nhận thức được mức độ nghiêm trọng của những vi phạm liên quan đến tê tê và do đó áp dụng đúng quy định hiện hành của pháp luật. Các vi phạm đối với tê tê cần được xem xét xử lý hình sự và không áp dụng bán đấu giá đối với loại tang vật này.

Theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự, chỉ cần có hành vi “săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó” sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với mức tối đa lên đến 7 năm tù giam bất kể khối lượng, số lượng, giá trị tang vật.

Theo quy định của Nghị định 160/2013/NĐ-CP, đối với tang vật là loài ĐVHD thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ như tê tê vàng và tê tê Java: (i) các cá thể còn sống chỉ được phép tái thả lại nơi sinh sống tự nhiên phù hợp hoặc chuyển giao cho các Trung tâm cứu hộ nếu ốm yếu hoặc bị thương; (ii) các cá thể chết trong quá trình cứu hộ sẽ được chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành để nghiên cứu, lưu giữ, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng hoặc tiêu hủy đối với các cá thể bị chết do bệnh dịch hoặc không thể xử lý được bằng biện pháp nói trên.

Quang Dương (tổng hợp)