Ám ảnh chất tạo nạc

16:48 | 18/04/2012

572 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những thông tin về chất tạo nạc trong thời gian 2 tháng vừa qua đã làm cho cả xã hội hoang mang, ngành chăn nuôi thiệt hại hàng tỉ đồng mỗi tháng. Thế nhưng cho tới nay, người ta vẫn chưa hiểu đúng về chất cấm...

Chi cục QLTT tỉnh Đồng Nai kiểm tra, thu giữ các chất tạo nạc cho heo

Sợ chất tạo nạc, người dân giảm mua thịt lợn

Trong những ngày gần đây, tại các chợ trên địa bàn thành phố lượng thịt lợn tiêu thụ giảm rõ rệt. Đặt biệt, tại các chợ trong trung tâm thành phố như Thành Công, Khâm Thiên, Chợ Mơ, Đồng Xuân, Chợ Hôm… mức tiêu thụ chậm khiến giá thịt lợn giảm từ 10.000 – 20.000 đồng/kg. Do lo sợ thịt lợn có chất tạo nạc, thịt nhiều mỡ bán chạy hơn thịt nạc.

Cụ thể, giá thịt nạc vai giảm từ 120.000 đồng/kg xuống còn 100.000-110.000 đồng/kg, xương sườn giảm từ 120.000 đồng/kg xuống còn 90.000-100.000 đồng/kg, thịt thăn giảm từ 130.000 đồng/kg xuống 110.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi bán cũng giảm còn 50.000 -55.000 đồng/kg. Lợn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ dân ở mức 42.000-45.000 đồng/kg.

Ở chợ Thành Công, trước đây, một quầy hàng thịt bán trung bình khoảng 70-100 kg/ngày thì nay lượng bán chỉ bán được khoảng một nửa. Người tiêu dùng chỉ mua với số lượng ít, mỗi lần khoảng vài ba lạng thịt, nhiều thì nửa cân.

Phó giáo sư-tiến sĩ Lã Văn Kính (Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam) khẳng định: “Người chăn nuôi chân chính, người sản xuất thức ăn chân chính và người tiêu dùng là những bộ phận chịu thiệt hại nặng nề nhất từ chất cấm gây nên”.

Thực tế, từ đầu năm 2012 đến nay, sau khi có thông tin thịt lợn chứa chất tạo nạc, người tiêu dùng đã quay lưng với loại thực phẩm này. Vì vậy, giá heo hơi cũng liên tục lao dốc mạnh. Hiện giá heo hơi tại các tỉnh ĐBSCL và vùng Đông nam bộ chỉ còn 3,8 – 4 triệu đồng/tạ nhưng vẫn tiêu thụ rất là khó khăn.

Không chỉ tại các chợ, sức mua thịt lợn tại các siêu thị cũng giảm nhẹ. Đại diện siêu thị Big C cho biết, tại các siêu thị miền Bắc sức mua thịt lợn có giảm nhẹ, còn tại miền Nam lại tăng từ 15-20%.

Người chăn nuôi chịu thiệt

Tại Đồng Nai – thủ phủ chăn nuôi lợn của các tỉnh Nam Bộ, người chăn nuôi bị thiệt hại nghiêm trọng do ảnh hưởng của chất "tạo nạc” gây ra. Bà nguyễn Thị Thêu – một hộ chăn nuôi gia đình ở thị trấn Gia Ray (huyện Xuân Lộc) cho biết, gia đình bà vừa xuất chuồng 20 con lợn thịt, lên bàn cân được hơn 2 tấn. Tuy nhiên, giá bán lợn lúc chỉ còn 45.000 -46.000 đồng/kg.

"So với đợt xuất chuồng cách đây 3 tháng, cũng bầy lợn chừng ấy con, gia đình tôi bị thiệt đến 20 triệu đồng (lúc ấy 55 .000 đồng/kg). Giá cả như thế này thì nuôi tiếp sẽ lỗ to nên tôi quyết định treo máng nghỉ một thời gian…” – bà Thêu cho biết thêm.

Tương tự, một số hộ chuyên chăn nuôi lợn gia đình từ 10 đến vài chục con ở xã Suối Nho, huyện Định Quán, xã Xuân Quế huyện Cẩm Mỹ… cũng nghỉ nuôi do tình hình giá bán giảm, bị lỗ nên tính bỏ nghề, chuyển làm việc khác mưu sinh.

Người nuôi nhỏ lẻ lỗ nặng, doanh nghiệp cũng không khá hơn. Ông Lê Văn Mẽ – Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Phú Sơn bức xúc: Trại lợn Phú Sơn có lúc lên đến 4.200 nái và 37.000 lợn thịt, mỗi tuần xuất chuồng khoảng 700 con. Tại thời điểm này, giá bán giảm 10.000 đồng/kg so với cách đây 3 tháng. So với trước khi chất cấm trong chăn nuôi bị phát hiện, một tuần Công ty Phú Sơn chúng tôi bị lỗ khoảng 700 triệu đồng.

Ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: Đàn lợn của tỉnh Đồng Nai có số lượng lớn nhất nước, với trên 1.200.000 con. Chất cấm trong chăn nuôi được phát hiện qua kết quả xét nghiệm của ngành thú y chỉ 3%/số hộ chăn nuôi là có sử dụng chất cấm, còn lại đến 97% số hộ, cơ sở, công ty chăn nuôi thì đều lành mạnh.

Tuy nhiên, với thông tin chất cấm trong lợn nói chung đã gây thiệt hại rất to lớn cho ngành chăn nuôi trong tỉnh. Chỉ tính riêng tại huyện Thống Nhất, mỗi ngày người dân, các trại chăn nuôi xuất bán ra từ 1.400 – 1.500 con. Với giá mua như hiện nay giảm sút nghiêm trọng, mỗi ngày huyện Thống Nhất đã bị thiệt từ 1 – 1,2 tỉ đồng.

Ở miền Bắc, thiệt hại của người nuôi lợn cũng lớn không kém. Trên địa bàn huyện Văn Giang (Hưng Yên), Công ty CP chăn nuôi Alpha Văn Giang (Hưng Yên) là điểm sáng về chăn nuôi lợn với hàng nghìn con mỗi lứa.

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại lợn của mình, ông Nguyễn Hồng Hà – Giám đốc Công ty buồn rầu: “Nhà mình nuôi lợn đã lâu, trong chuồng lúc nào cũng có tới 1.000 con, trước đây ngay cả khi xảy ra dịch lợn tai xanh, rồi lở mồm, long móng, mình đều chống chọi được hết. Còn lần này, với bão “chất cấm” thì chịu”. Suốt từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 đến nay, việc bán lợn của công ty ông Hà gặp rất nhiều khó khăn, giá rớt từng ngày, mà nếu bán được còn may.

Ông Hà nói: “Hồi đầu tháng 3, mình còn bán được 55.000-57.000 đồng/kg lợn hơn, thì đùng một cái có thông tin về chất cấm, từ đó giá lợn cứ giảm dần, đến nay chỉ còn độ 45.000-48.000 đồng/kg. Tính ra, với mỗi con lợn 100kg, tôi đã mất ít nhất 800.000 đồng. Cả lứa lợn 1.000 con đợt này, mất đứt 800 triệu đồng”.

Thông tin chất tạo nạc khiến người tiêu dùng phân vân khi lựa chọn thịt lợn cho bữa cơm hàng ngày

Chất tạo nạc ở ngưỡng an toàn

“Thuốc tạo nạc” nguyên chất được bán trên thị trường với giá 20-25 triệu đồng/kg, nhưng thường là sản phẩm đã pha trộn với nhiều thuốc khác có giá bán 500.000 đ – 1.200.000 đ/kg. Lợn nuôi bình thường phải mất 4 tháng mới xuất chuồng, nhưng khi có “thần dược” thì chỉ phải nuôi 3-3,5 tháng.

Theo một đại diện Cục Chăn nuôi, mặc dù nước ta hầu như chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào do chất tạo nạc gây nên, nhưng sự việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi được phát hiện trong thời gian gần đây đã gây nên hậu quả rất nặng nề về mặt kinh tế. Bình quân mỗi tháng cả nước tiêu thụ 250.000 tấn thịt lợn hơi. Nếu tính thiệt hại do giảm giá 8.000 đồng/kg thì tổng giá trị thiệt hại của người chăn nuôi là 2.000 tỉ/tháng.

Theo TS Nguyễn Hùng Long – Cục phó Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng khi ăn phải thịt chứa Beta-agonist (Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine), nếu ngộ độc cấp tính sẽ rối loạn tiêu hóa, run cơ, khó thở, tim đập nhanh, cơn đau thắt ngực, tăng huyết áp, choáng váng, phù phổi, sảy thai… Về lâu dài, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp và có thể gây tử vong ở bệnh nhân có bệnh về tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường…

PGS- TS Nguyễn Đăng Vang - Ủy viên Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia cho rằng: “Không phải các nước đều cấm các chất này. Hiện vẫn có khoảng 25 nước sử dụng, song họ yêu cầu phải cách ly vật nuôi 2 tuần trước khi giết, mổ để đảm bảo các chất kích nạc đã đào thải hết”.

Ông Vang cho biết thêm, việc phát hiện thịt lợn siêu nạc gây nguy hiểm đến sức khoẻ đã gây tâm lý lo lắng cho nhiều người dân, khiến họ tẩy chay luôn cả thịt lợn sạch, không dám tiêu dùng. Tuy nhiên, hầu hết những cơ sở bị phát hiện đều là những cơ sở nhỏ. Trong thời gian tới, sau khi tiến hành kiểm tra và có kết luận cụ thể, chúng tôi sẽ công khai tên của những cơ sở có sử dụng chất cấm để mọi người đều được biết, cũng như có các biện pháp xử lý.

Theo TS Lê Thị Hồng Hảo – Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm (ATVSTP) Quốc gia: “Việc cấm sử dụng các chất tạo nạc trong thức ăn công nghiệp là cần thiết, nhưng không có nghĩa là hàm lượng của các chất này trong thực phẩm bằng không. Do đó, cần có quy định về giới hạn tồn dư tối đa cho phép của các chất Clenbuterol và Salbutamol trong thực phẩm. Theo kết luận của chúng tôi, hàm lượng các hợp chất này trong thực phẩm ở nước ta vẫn ở mức an toàn, nếu đối chiếu với các quy định của thế giới. Cần có những tuyên truyền để tránh gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến người tiêu dùng”.

Theo các chuyên gia, khó có thể phân biệt thịt lợn siêu nạc trên thị trường với thịt sử dụng chất tạo nạc về mặt cảm quan. Để mua thịt lợn an toàn nên chú ý mua ở những con lợn khoẻ mạnh, có lớp mỡ dày khoảng 2cm, mỡ màu trắng, thớ thịt mịn, chắc, có độ đàn hồi tốt. Khi nấu có mùi thơm hấp dẫn.

Cần tránh mua những loại thịt lợn có mông và vai nở to, bắp thịt cuộn lên một cách khác thường. Còn thịt đã qua pha cắt thì có thể phân biệt bằng quan sát tỉ lệ nạc trên miếng thịt: Thịt sử dụng chất tăng trọng có tỉ lệ nạc quá nhiều, màu hơi sậm, nạc gần như dính vào da, phần mỡ rất mỏng. Trong khi thịt lợn nuôi theo kỹ thuật thông thường có màu hồng tươi, phần mỡ khá nhiều.

Cần xử lý mạnh tay người chăn nuôi sử dụng chất cấm

“Muốn cứu ngành chăn nuôi, trước hết phải lấy lại lòng tin của người tiêu dùng” – đó là khẳng định của ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tại hội thảo bàn biện pháp giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn do hiệp hội tổ chức sáng 17/3. Theo ông Công, thiệt hại lớn nhất liên quan đến hiện tượng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo không phải là người chăn nuôi mà là lòng tin của người tiêu dùng. Do đó, chỉ đến khi lấy lại được lòng tin của người tiêu dùng, ngành chăn nuôi mới có thể khôi phục.

Ông Nguyễn Kim Đoán, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, hiến kế: “Chúng ta cần có những bản cam kết không sử dụng chất cấm cho cả người chăn nuôi và người bán thức ăn. Nếu phát hiện vi phạm thì sẽ đề xuất xử lý mạnh như đóng cửa, không cho xuất bán…”.

Còn theo ông Phạm Đức Bình – Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, cần có hướng dẫn cho người tiêu dùng biết cách phân biệt giữa thịt có chứa chất tạo nạc và thịt sạch. Khi người tiêu dùng tẩy chay thịt có chứa chất tạo nạc thì những người làm ăn gian dối sẽ không có đất dụng võ.

Linh Nguyễn

Tổng hợp