Vụ án Trần Thị Hợp lừa đảo, chiếm đoạt tài sản:

Ai "tiếp tay" cho siêu lừa?

19:00 | 27/01/2013

2,094 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bà Nhân Thị Crane, một Việt kiều tại Mỹ đã gửi đơn tố cáo vợ chồng ông Kim Xuân Giáp, bà Trần Thị Hợp, có hộ khẩu tại số 16, ngách 177/10, phường Định Công, quận Hoàng Mai nhưng tạm trú tại thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt lượng tài sản trị giá hàng chục tỉ đồng của bà. Đặc biệt, Trần Thị Hợp còn giả danh Phó chủ tịch nước để lừa tiền các nạn nhân. Cơ quan CSĐT, Công an huyện Sóc Sơn đã khởi tố, bắt tạm giam Trần Thị Hợp để điều tra, song Kim Xuân Giáp vẫn ngoài vòng pháp luật và nhanh chóng tẩu tán tài sản do lừa đảo mà có. Quá trình phạm tội của đôi vợ chồng này có dấu hiệu tiếp tay của một số cán bộ địa phương và cán bộ ngân hàng...

Lừa Việt kiều với số tiền “khủng”

Bà Nhân Thị Crane trình bày: Năm 2002 bà cùng con trai là Thọ Hữu Crane về Việt Nam thăm thân. Trên chuyến tàu từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội tình cờ bà quen với vợ chồng Hợp, Giáp. Biết bà có ý định về Việt Nam sống và giúp đỡ trẻ em nghèo khuyết tật, bị chất độc da cam và tu sửa đền, chùa làm công đức, vợ chồng Hợp, Giáp nhận bà là chị em kết nghĩa và gợi ý đầu tư mua nhà, đất và cho vay tài chính, lấy tiền lãi để làm từ thiện...

Nghe bùi tai, nên từ năm 2002 đến năm 2007 bà đã nhiều lần chuyển tiền cho Trần Thị Hợp, Kim Xuân Giáp mua 19 mảnh đất ở các địa phương: thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định (5 mảnh); Định Công, quận Hoàng Mai (1 mảnh); Phú Thượng, quận Tây Hồ (1 mảnh); xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội (12 mảnh) và chuyển tiền đầu tư xây dựng trên một số mảnh đất đã mua.

Do thời điểm bấy giờ Nhà nước chưa cho phép Việt kiều được đứng tên sở hữu nhà và sử dụng đất, nên bà Nhân đồng ý để vợ chồng Hợp, Giáp đứng tên, khi nào bà về nước định cư thì họ sẽ trả lại. Bà không ngờ đến tháng 3/2009, bà cùng em trai về nước để làm thủ tục sang tên các miếng đất đã nhờ Hợp, Giáp mua hộ, thì vợ chồng họ lật lọng, không công nhận việc mua hộ đất, trong khi nhiều thửa đất đã được sang tên vợ chồng họ và các con họ là Kim Xuân Thắng và Kim Xuân Cường.

Trần Thị Hợp khi bị bắt giữ tại Công an huyện Sóc Sơn

Trong thời gian từ năm 2002 đến năm 2007, bà Nhân Thị Crane đã chuyển cho vợ chồng Hợp, Giáp số tài sản: 78 lượng vàng 9999; 1.087.270 USD; 11 tỉ VNĐ và số nữ trang gồm 1 đồng hồ (Rolex), 1 nhẫn kim cương, 1 dây chuyền vàng tổng trị giá 51.000USD. Như vậy, theo tính toán sơ bộ, tổng số tiền và tài sản bà Nhân Thị Crane bị chiếm đoạt lên đến gần 30 tỉ đồng.

Sau khi biết mình bị lừa, bà Nhân Thị Crane đã có đơn tố cáo gửi Cơ quan CSĐT, CA Hà Nội từ tháng 4-2011, song chưa được giải quyết. Đến ngày ngày 2/11/2012, Cơ quan Điều tra, CA huyện Sóc Sơn tiến hành bắt giữ và ra các quyết định số 247/QĐ-KTVA-CSĐT, số 637/QĐ-KTBC-CSĐT, khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Trần Thị Hợp về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Quyết định số 131/QĐ-CSĐT, bắt tạm giam Trần Thị Hợp thời hạn 4 tháng. Biết tin, bà Nhân đã gửi đơn đến CA huyện Sóc Sơn, đề nghị điều tra làm rõ, trả lại quyền lợi hợp pháp cho gia đình bà.

Giả danh Phó Chủ tịch nước

Không chỉ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nữ Việt kiều, Trần Thị Hợp còn táo tợn dùng sim rác (số 01639 286 070) giả làm số điện thoại của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhắn tới 7 cá nhân ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Nguyên vận động góp tiền lo dự án, rồi chiếm đoạt của các nạn nhân trên 14 tỉ đồng và hơn 5.000USD.

Đơn tố cáo của các bị hại này trình bày: “Bà Hợp lừa chúng tôi bằng nhiều thủ đoạn. Bà Hợp tự giới thiệu quen thân với ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và bà Nguyễn Thị Doan, Phó chủ tịch nước, lấy lòng tin của chúng tôi để vay tiền và góp tiền làm dự án. Cụ thể: bà Hợp nói vay hộ ông Phạm Quang Nghị 4.730.000.000 đồng để mua khách sạn; đưa cho ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh 5.500USD; đưa cho bà Nguyễn Thị Doan 9.820.000.000 đồng, để được làm 5 dự án”.

Theo đơn tố cáo của bà Trần Thùy Hương ở 254A phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP Hà Nội, bà quen Trần Thị Hợp qua ông Nguyễn Đắc Chung - Giám đốc chi nhánh Bảo hiểm Prudential Hoàn Kiếm. Bà được Hợp cho biết, có một chủ đất cắm sổ ở ngân hàng đang cần bán gấp thửa đất thổ cư. Thấy bà Hương có ý muốn mua, Hợp dẫn bà Hương đến thửa đất ven hồ để xem, rồi kết nối cho bà Hương ngã giá qua điện thoại với một giọng nữ. Hai bên thống nhất giá 50 triệu đồng/sào.

Hợp còn đưa con gái bà Hương là chị Phan Thùy Dương đến xem, chụp ảnh để lấy lòng tin. Vì vậy, bà Hương đã chuyển tiền nhiều lần cho Hợp, tổng số 593 triệu đồng để mua 1,2 mẫu. Hợp đã nhờ bà Phan Thị Trung viết giấy, giả danh ông Cao Xuân Hải bán đất cho bà Trần Thùy Hương. Tiền đã trao mà không thấy đất, bà Hương mới “té ngửa”, thì ra thửa đất mang tên ông Hải ở vị trí khác, còn diện tích đất bà đồng ý mua lại là rừng phòng hộ. Nhiều lần bà Hương tìm gặp, nhắn tin, điện thoại cho Hợp và khẩn cầu ông Chung giúp đỡ, nhưng họ đều lảng tránh.

Lừa lấy sổ đỏ thế chấp

Nhiều nạn nhân ở các địa phương khác cũng tố cáo Hợp đã dùng các thủ đoạn để lừa tiền, lấy sổ đỏ đem thế chấp ngân hàng để vay tiền... Bà Nguyễn Thị Nhẫn, ở thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội đã bị lừa 70 triệu đồng từ ngày 3/2/2009. Bà Vũ Thị Hồng Mỹ ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho biết, năm 2011 Hợp mượn sổ đỏ mảnh đất của bà ở xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn để thế chấp vay 400 triệu đồng, song đến giờ không trả lại sổ đỏ, cũng không nghe điện thoại của bà nữa.

Trần Thị Hợp (áo đen) đi tắm biển cùng nạn nhân

Gia đình ông Nguyễn Quốc Huy và con trai là Nguyễn Quốc Hoàng, ở thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội cũng bị mượn sổ đỏ để đi làm thủ tục tách diện tích đất mà họ đã nhượng lại (thực chất là Hợp Giáp đứng tên mua hộ bà Nhân Thị Crane). Song thực tế vợ chồng Hợp đã đem sổ đỏ của gia đình họ thế chấp tại Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Thịnh Long (Hải Hậu, Nam Định) để vay tiền, đến nay không trả tiền ngân hàng, cũng không trả lại sổ đỏ cho gia đình họ.

Cùng cảnh ngộ, gia đình bà Hoàng Thị Vui, ở thị trấn Thịnh Long, Hải Hậu, Nam Định nhượng cho bà Nhân Thị Crane, khoảng 700m2 đất, trên diện tích 5,6 sào từ năm 2002. Sau đó Hợp lừa gia đình bà đưa sổ đỏ để đi tách, nhưng lại làm thủ tục thế chấp vay Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Thịnh Long hơn 400 triệu đồng cho Kim Xuân Thắng. Số tiền này, Hợp cũng không trả, dẫn đến ngân hàng này tiến hành kê biên, niêm phong toàn bộ thửa đất của gia đình bà để phát mại thu hồi vốn, khiến chồng bà là ông Nguyễn Văn Đích đột tử vì uất ức.

Thậm chí vợ chồng này còn lừa cả nhà chùa Hoành Nha, ở xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định do Thượng tọa Thích Tâm Thiệu trụ trì. Đơn của Thượng tọa Thích Tâm Thiệu trình bày: “Ngày 30/9/2008 (khi đó nhà chùa đang tu bổ - PV), Trần Thị Hợp có đến, nhận 235 triệu đồng, hứa bán cho nhà chùa 20m3 gỗ lim Lào, đến tháng 10/2008 sẽ giao gỗ. Đến hẹn, nhà chùa không thấy chở gỗ về giao, tôi (Thích Tâm Thiệu) lên gặp vợ chồng Hợp - Giáp, thì họ dẫn đi loanh quanh chỉ những đống gỗ của người khác. Sau rất nhiều lần đòi lại tiền, nhưng họ không trả...”.

Có sự tiếp tay của chính quyền xã?

Câu hỏi đặt ra, ai đã tiếp tay cho vợ chồng Hợp-Giáp “hợp thức hóa” quá trình lừa đảo “mượn sổ đỏ đi tách thửa rồi cắm sổ đỏ vay ngân hàng” mà vẫn có bản chứng thực như bình thường? Trong tờ chứng thực sao y bản chính của UBND xã Bắc Sơn, do ông Nguyễn Đức Việt ký tên vào ngày 17/9/2010 với nội dung là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hơn 9.000m2 nhà ông Nguyễn Quốc Huy đã bị vợ chồng Hợp - Giáp và con trai Kim Xuân Cường “cắm” tại Ngân hàng Agribank Nam Định, Chi nhánh Thịnh Long để vay tiền theo Hợp đồng 8162/HĐTD.

Một chi tiết khác, để “lý giải” cho việc “khó tách thửa” của mảnh đất ông Huy bán cho Hợp, vào ngày 30/1/2010, ông Tạ Hồng Thái đã ký, đóng dấu xác nhận vào đơn của Trần Thị Hợp về thửa đất của gia đình ông Huy chuyển nhượng cho vợ chồng Hợp nằm trong khu vực “trùng lấn” quy hoạch đất lâm nghiệp (đất rừng). Ấy vậy mà, chính quyền xã vẫn để gia đình Hợp xây tường kiên cố bao quanh như một “biệt phủ” rộng vài chục nghìn mét vuông. Phải chăng, việc quản lý đất đai của xã đang có nhiều vấn đề, các cơ quan chức năng cần phải làm rõ?

Tại buổi làm việc với UBND xã Bắc Sơn, chúng tôi yêu cầu được gặp Phó chủ tịch xã Nguyễn Đức Việt, người đã ký vào bản chứng thực về quyền sử dụng đất để vay ngân hàng của vợ chồng Hợp - Giáp. Ông Tạ Hồng Thái, Bí thư kiêm Chủ tịch xã cho biết: “Đồng chí Việt hôm nay đi họp huyện”.

Chúng tôi nhờ ông Thái cung cấp số điện thoại, ông Thái nói không có số ông Việt (?). Khi kết thúc cuộc làm việc với xã, liên lạc với một cán bộ hội tại xã, cán bộ này khẳng định với chúng tôi, ông Việt vừa họp ở trụ sở xã. Nghĩa là, thời điểm chúng tôi làm việc với xã, ông Việt đang có mặt ở trụ sở xã. Ngay lập tức chúng tôi gọi điện thoại nói chuyện với ông Việt, vừa nhắc đến chuyện ông ký vào giấy chứng thực sao y bản chính sổ đỏ nhà ông Huy, lập tức tín hiệu cuộc điện thoại bị ngắt.

Nhóm phóng viên làm việc với ông Nguyễn Hữu Hoa, Phó chủ tịch xã Bắc Sơn, ông Hoa thừa nhận đã vay tiền của Trần Thị Hợp, số tiền “nhiều hơn 240 triệu đồng” nhưng cụ thể bao nhiêu tiền thì ông không nhớ rõ. Ngoài ra, nhiều nhân chứng và có nhiều bức ảnh khẳng định sự có mặt của cán bộ xã tại các buổi “ăn uống”, du hý do Hợp tổ chức.

Về phía Ngân hàng Agribank Nam Định, Chi nhánh Thịnh Long, dư luận đang đặt câu hỏi: Vì sao có sự “dễ dãi” đến mức cho Trần Thị Hợp thế chấp sổ đỏ không mang tên mình mà không có người bảo lãnh để vay một khoản tiền lớn đến mức không có khả năng trả nợ dẫn đến niêm phong tài sản đảm bảo? Ông Nguyễn Quốc Huy cũng khẳng định: “Ngân hàng không gặp tôi khi thẩm định vay tiền”.

Tại biên bản hòa giải năm 2010, Hợp vẫn khẳng định không mang sổ đỏ đi “cắm” ngân hàng. Nhưng trao đổi với chúng tôi, ông Lương Quốc Toàn, Phó giám đốc Chi nhánh Thịnh Long của Ngân hàng Agribank Nam Định luôn khẳng định: “Chúng tôi làm đúng quy trình, đúng quy định” (?)

Văn Bảo