Cảnh giác trước các xu hướng gian lận tài chính trong năm 2024

08:19 | 29/03/2024

2,968 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lừa đảo và gian lận tài chính đang trở thành vấn đề “nóng” trên thị trường gần đây, nhà đầu tư cần tự trang bị cho mình những biện pháp phòng chống để tránh rơi vào các tình huống thiệt hại.

Trên thị trường gần đây đã xảy ra một số sự kiện liên quan đến gian lận, mà điển hình là toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin của một công ty chứng khoán Top đầu tại Việt Nam đã bị “hacker” truy cập và tạo ra ảnh hưởng có tác động khá lớn tới thị trường.

Cảnh giác trước các xu hướng gian lận tài chính trong năm 2024 | DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH
Nhà đầu tư cần hình dung được trên thị trường hiện nay đang có những “cạm bẫy” gì cần phải tránh

Ngoài ra, cũng có rất nhiều thông tin, số liệu công bố, hay các báo cáo tài chính có dấu hỏi được đặt ra với nhiều doanh nghiệp niêm yết, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu.

Theo báo cáo cập nhật Top 5 xu hướng liên quan tới gian lận đầu năm 2024 từ tổ chức ACFE - Hiệp hội Điều tra và Phát hiện gian lận quốc tế, chúng ta có thể hình dung được trên thị trường hiện nay đang có những “cạm bẫy” gì cần phải tránh.

Thứ nhất, một hiện tượng ngày càng phổ biến và gây quan ngại đối với cộng đồng là sự xuất hiện của các hình thức lừa đảo sử dụng công nghệ cao, đặc biệt thông qua trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ tạo sinh (GenAI). Một trong những phương thức lừa đảo phổ biến là việc sử dụng công nghệ Deepfake, cho phép tạo ra các video giả mạo với độ chân thực cao, từ đó lừa và chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân.

Thứ hai, là gian lận tiền điện tử và tài sản kỹ thuật số, trong bối cảnh Bitcoin đã có sự tăng giá rất mạnh, đâu đó có liên quan đến một số trường hợp tại thị trường Việt Nam vừa rồi. Trong đó, các hackers đã chiếm tiền từ các ví tiền điện tử hay đánh cắp các tài khoản kỹ thuật số. Có một thống kê rất thú vị rằng, hơn 50% các hackers liên quan đến việc chiếm quyền tài khoản tiền điện tử đến từ khu vực Bắc Triều Tiên.

Thứ ba, trong lĩnh vực tài chính và đầu tư, một trong những thách thức lớn mà nhà đầu tư đối mặt chính là sự không minh bạch và gian lận từ phía các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong đó, một số công ty đã sử dụng các phương pháp "kế toán sáng tạo" để bịa đặt kết quả kinh doanh hoặc nâng khống giá trị tài sản. Các hành vi này bao gồm khai báo không chính xác về vốn điều lệ, nâng khống doanh thu, tạo ra các báo cáo kết quả kinh doanh sai lệch nhằm thu hút đầu tư và tăng giá cổ phiếu một cách không hợp lý.

Hậu quả của những hành động này không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức khi họ đưa ra quyết định dựa trên thông tin sai lệch, mà còn ảnh hưởng đến niềm tin vào sự công bằng, minh bạch của thị trường tài chính. Đồng thời đặt ra một bài toán khó cho các cơ quan quản lý thị trường, buộc họ phải tìm kiếm các giải pháp hiệu quả nhằm tăng cường giám sát và kiểm soát, đồng thời phát triển các công cụ phân tích tài chính tiên tiến để phát hiện và ngăn chặn gian lận kịp thời.

Báo cáo của ACFE nhấn mạnh rằng, các phương pháp kế toán sáng tạo hay kế toán lừa đảo gắn nhiều đến các doanh nghiệp khởi nghiệp và sau đó niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tôi cho rằng, dù thị trường Việt Nam hay toàn cầu, thì chúng ta đều phải quan tâm đến các yếu tố này, vì sau những sự kiện gian lận sẽ dẫn đến sự sụp đổ của cả một doanh nghiệp hoặc một công ty lớn.

Thứ, là xu hướng tăng cường quy định và trách nhiệm pháp lý để ngăn chặn và phát hiện gian lận. Ngoài việc cải thiện và áp dụng những biện pháp pháp lý từ bên ngoài, các doanh nghiệp cũng cần phát triển hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán mạnh mẽ hơn.

Mục tiêu của việc này không chỉ nhằm tuân thủ pháp luật mà còn tạo dựng niềm tin với cổ đông, đối tác và khách hàng, giúp doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro cũng như giữ uy tín trên thị trường.

Thứ năm, một xu hướng mà chúng ta đã quên đi nhưng lại đang xuất hiện mạnh mẽ tại Mỹ đó là các hành vi gian lận liên quan đến Covid. Mặc dù Covid đã qua được khoảng 2 năm nay, song việc lừa đảo liên quan đến Covid để trục lợi vẫn tiếp diễn tại đất nước này.

Trong bối cảnh đại dịch đã làm thay đổi nhiều khía cạnh của xã hội, vấn đề gian lận liên quan đến Covid như một lời nhắc nhở rằng, sự cảnh giác và trách nhiệm là cần thiết không chỉ trong giai đoạn khủng hoảng mà còn trong quá trình phục hồi và hướng tới tương lai.

Quý 1/2024 đã chuẩn bị qua, nhưng Hiệp hội Điều tra và Phát hiện Gian lận Quốc tế vẫn đưa ra các cảnh báo để chúng ta thấy rằng việc chiếm quyền tài khoản, đánh cắp tài sản kỹ thuật số hay gian lận báo cáo tài chính ngày càng trở nên phổ biến và trở thành một trong những xu hướng cần phải lưu tâm, trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang có nhiều bất định.

Chúng tôi hy vọng, các nhà đầu tư sẽ có thêm thông tin, hiểu biết để có thể tự trang bị cho mình những biện pháp phòng chống, tránh rơi vào các tình huống thiệt hại do lừa đảo hay do gian lận gây ra.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài cuối: Những

Bài cuối: Những "tuyệt chiêu" phòng ngừa tội phạm online

Trên thế giới, từ nhiều năm qua tội phạm trực tuyến được xếp vào nhóm những nguy cơ đe dọa an ninh lớn nhất đối với các quốc gia, ngang hàng với tấn công khủng bố, vũ khí hóa học... và là một trọng tâm mới trong công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng của mỗi quốc gia. Ở nước ta, tội phạm online cũng gây nhiều bất ổn về an ninh, trật tự an toàn xã hội; cần những biện pháp cấp bách kịp thời để ngăn chặn, đẩy lùi.