Ai thi đua, quan hay dân?

08:35 | 24/10/2012

1,188 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ai thi đua, thi đua với ai, ai lập thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước để xứng với đề cử danh hiệu của Chiến sĩ thi đua Toàn quốc? Dư luận lên tiếng khá rộng rãi về bản danh sách đông quan này.

Hòa bình lập lại không đầy 3 năm, ngày 7/7/1958 đã khai mạc Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua công, nông, binh toàn quốc lần thứ II nhằm biểu dương thành tích của những năm hòa bình đầu tiên, khôi phục kinh tế miền Bắc.

Trong bài phát biểu, Bác Hồ nói: “Anh hùng, chiến sĩ thi đua là những người tiên phong trong sản xuất mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng. Họ đặt lợi ích chung của dân tộc lên trên lợi ích riêng của cá nhân. Họ toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân chứ không nửa tâm, nửa ý. Họ không sợ khó nhọc, ra sức vượt mọi khó khăn để hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho họ, chứ họ không suy bì hơn thiệt của cá nhân, không ganh tị về địa vị và hưởng thụ, không giấu nghề, không dìm những anh em chung quanh mình, không tự kiêu, tự mãn, tự tư, tự lợi. Đó là những đức tính cách mạng mà chúng ta cần phải học tập các anh hùng, chiến sĩ thi đua”. Người còn căn dặn: “Các anh hùng, chiến sĩ thi đua cần nhận rõ rằng: thành tích là thành tích chung của tập thể. Tách rời tập thể thì dù tài giỏi mấy, một cá nhân cũng không làm được gì. Cho nên càng có thành tích thì càng phải cố gắng, càng phải khiêm tốn”.

Từ đó đến nay, phong trào thi đua yêu nước luôn luôn được đề cao và tấm gương những chiến sĩ thi đua toàn quốc, Anh hùng Lao động tiêu biểu đã trở thành mẫu mực cho con người Viêt Nam thế hệ Hồ Chí Minh.

Nhắc lại điều này để thấy rằng, danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc rất cần được cân nhắc, xem xét và nhất thiết phải lấy ý kiến của nhân dân. Còn nhớ, có ông sếp ở cơ quan nọ kỳ công vận động cho mình đạt bằng được danh hiệu thi đua này dù năm đó ông nghỉ ốm, đi mổ và  nghỉ dưỡng bệnh tới gần hai tháng. Tất nhiên là ông vẫn được nhưng để lại điều ong tiếng ve cho cơ quan đến nỗi có người đủ tiêu chuẩn khi được bình xét đã nằng nặc từ chối vì nhìn vào “gương không sáng” của ông.

Mới đây khi danh sách đề cử 60 Chiến sĩ Thi đua toàn quốc được công bố đã gây xôn xao trong dư luận danh sách toàn quan là quan. Trong số quan chức được để cử thì người có chức sắc cao nhất có hàm Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy và thấp cổ bé họng nhất là cô hiệu phó trường mẫu giáo. Cả danh sách đề cử 60 người thì 59 người là quan chức, chỉ có mỗi một “dân thi đua” là  thầy giáo Nguyễn Viết Đức, giáo viên Tổng phụ trách Đội Thiếu niên trường Tiểu học Tân Lợi, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.

Vậy câu hỏi đặt ra là: ai thi đua, thi đua với ai, ai lập thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước để xứng với đề cử danh hiệu của Chiến sĩ thi đua Toàn quốc? Dư luận lên tiếng khá rộng rãi vể bản danh sách đông quan này. Trả lời băn khoăn của báo giới về việc “đông quan ít dân” này, một quan chức Ban Thi đua khen thưởng Trung ương không cần rào đón cho hay, thành tích và tầm ảnh hưởng của những người quản lý lớn hơn chuyên viên hoặc những người trực tiếp lao động, sản xuất(?!). Riêng trường hợp đề cử ông Nguyễn Văn Binh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại diện Ban Thi đua khen thưởng Trung ương đã phải lên tiếng thanh minh thanh nga rằng, dẫu ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được đề cử là chiến sĩ thi đua Toàn quốc, nhưng còn phải lấy ý kiến nhân dân và thông qua Hội đồng Thi đua khen thưởng Nhà nước. Vị này nhấn mạnh trong trường hợp các khâu này đều vướng thì sẽ xem xét lại việc phong tặng danh hiệu cao quý này cho ông Nguyễn Văn Bình. Đọc kỹ danh sách đề cử người ta thấy có tới 4 người đảm nhiệm vị trí lãnh đạo trong ngành ngân hàng là quá nhiều, lại có mấy người thuộc khối thanh tra cũng là đông quá.

Hiện nay, khá nhiều người Việt Nam vẫn chưa nhận thức đầy đủ về việc khen thưởng, nên có thể còn tâm lý e ngại. Ở nhiều nơi, khen thưởng còn đi kèm với các quyền lợi về kinh tế như đề bạt, nâng lương, phân nhà chia đất, thưởng tiền… nên ở nhiều đơn vị, lãnh đạo được khen thưởng nhiều hơn chuyên viên, công chức, lao động bình thường. Rõ là nước chảy chỗ trũng!

Có tin là Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi một số điều trong Luật Thi đua – Khen thưởng, để trình Quốc hội năm 2012, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp cơ sở khen thưởng nhiều những người trực tiếp lao động, sản xuất. Được biết đã có một số cơ quan Nhà nước quy định, từ hàm Vụ trưởng, dù được khen thưởng thì không nằm trong diện đề xuất nâng lương, đề bạt… để tạo thuận lợi cho cấp dưới được khen thưởng. Điều này cần được nhân rộng. Một số nơi cũng vận dụng Luật, khuyến khích khen thưởng những người không làm quản lý và các vị thuộc diện này, nói chung đều khiêm tốn dứt khoát đề nghị được rút tên khỏi danh sách đề cử bầu bán tại cơ sở.

Quái không hiểu tại sao các quan chức có tên trong bản danh sách này lại không chịu đòi rút ra.

Thọ Vinh

(Năng lượng Mới số 166, ra thứ Ba ngày 23/10/2012)