Khủng hoảng di dân ở châu Á:

8.000 người lênh đênh trên biển chờ... chết!

22:31 | 15/05/2015

1,592 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện có tới 8.000 người di dân từ Bangladesh và Myanmar vẫn còn lênh đênh trên biển. Malaysia, Indonesia và Thái Lan, 3 nước mà di dân nhắm đến, nói rằng họ không có trách nhiệm đối với các di dân tuyệt vọng này. Họ chỉ tiếp tế lương thực rồi lại đẩy những người này ra biển.

8.000 người lênh đênh trên biển chờ... chết!

Hàng nghìn thuyền nhân đã được cứu vớt từ Eo biển Malacca, hàng ngàn di dân còn lại vẫn còn đang lênh thênh trên biển vì không quốc gia nào chịu nhận họ

Hàng nghìn thuyền nhân người Bangladesh và người sắc tộc thiểu số Rohingya của Myanmar cho tới hôm nay dường như không biết phải trôi dạt vào điểm đến nào sau khi các nước trong khu vực Đông Nam Á đều từ chối cho tàu của họ cập bờ.

Hôm qua, 14/5, một quan chức thuộc cơ quan thi hành pháp luật hàng hải của Malaysia công bố nước này không cho phép bất cứ tàu chở thuyền nhân ngoại quốc nào vào, dù rằng những chiếc tàu đó không thể nào tiếp tục đi biển. Lực lượng hải quân của Malaysia chỉ cung cấp vật phẩm cho những người trên tàu và xua đi.

Thứ trưởng Nội vụ Malaysia Wan Junaidion hôm qua nói rằng nước ông phải "gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng di dân không được ở đây đón nhận". Các giới chức khác của Malaysia cho hay tàu và máy bay tuần dương đang tăng cường hoạt động để ngăn chặn "người xâm nhập bất hợp pháp".

Trước khi có công bố của phía Malaysia như vừa nêu, cơ quan chức năng Indonesia cũng cho đẩy một tàu với hàng trăm người Rohingya và Bangladesh trên đó ra khơi về lại hướng Malaysia nơi được cho là điểm xuất phát của chiếc tàu. Cơ quan chức năng Indonesia cũng nói có cung cấp lương thực và nước uống cho những người trên tàu.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo về thuyền nhân Rohingya và Bangladesh đang mỗi lúc một tăng lên. Có khoảng 1.600 người đã vào được đất của Malaysia và Indonesia do họ cố tình nhảy tàu bơi vào bờ. Trong khi đó vẫn còn hàng ngàn người được tin là đang lênh đênh tại khu vực Eo biển Malacca và vùng biển gần đó. Trong số này có người đã phải ở trên những chiếc tàu bị bỏ rơi hơn hai tháng rồi.

Cuộc khủng hoảng di dân này bắt nguồn từ việc mới đây chính quyền Thái Lan đã phá vỡ một mạng lưới chuyên đưa người vượt biên. Chính điều này đã làm gián đoạn các mạng lưới chuyên chở tội phạm.

Cảnh sát Thái Lan ngày 14/5 cho hay họ đang truy lùng một nghi phạm đầu sỏ của mạng lưới buôn người ở đây, trong khi giới thám tử nước này cũng đang điều tra xem một đảo gần biên giới với Malaysia có phải là trụ sở điều hành chính của bọn gian hay không. Theo cảnh sát Thái Lan thì nghi phạm có tên Pajjuban Aungkachotephan, từng một thời là quan chức chính quyền địa phương với biệt danh Ko Tong. Nghi phạm đã trốn khỏi Thái sau khi có trát bắt đối với y được đưa ra hôm 9/5.

Chiến dịch truy diệt những kẻ buôn người được tiến hành sau khi cơ quan chức năng Thái Lan phát hiện ra những hố chôn người tập thể khiến những băng nhóm trốn chạy, bỏ lại hàng trăm người từ Myanmar và Bangladesh trong những trại trong rừng Thái Lan.

Trước tình hình khủng hoảng di dân hiện nay, các nhóm di dân và Liên Hiệp Quốc đã đưa ra lời kêu gọi các nước trong khu vực nên rủ lòng thương để cứu giúp những di dân đang chờ chết trên biển. Theo phát ngôn viên của Cơ quan Tị nạn Liên Hiệp Quốc đặt tại Bangkok, cần phải có một nổ lực chung trong khu vực, các chính phủ có khả năng tìm kiếm với các phương tiện như tàu thuyền và vệ tinh.

Giới bảo vệ nhân quyền đồng loạt lên tiếng lo ngại cho tình hình người tỵ nạn bị bỏ rơi hiện nay. Phó Giám đốc châu Á của Tổ chức Nhân quyền quốc tế Phil Robertson yêu cầu hải quân Thái Lan, Malaysia và Indonesia ngừng đùn đẩy những người tỵ nạn đáng thương, mà hãy hợp tác để bảo toàn mạng sống cho những thuyền nhân mà tính mạng đang treo trên đầu sợi tóc, trên những con thuyền ọp ẹp.

Hôm qua, phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Thái Lan tuyên bố, Washington kêu gọi các nước trong vùng phải đưa ra “một đáp ứng mang tính khu vực” không chậm trễ cho cuộc khủng hoảng này. Malaysia hiện giữ chức Chủ tịch khối ASEAN.

Theo thông báo của Thái Lan, một hội nghị về chủ đề này sẽ được tổ chức ngày 29/5 tới tại Bangkok, với sự tham gia của 15 quốc gia, trong đó có Úc, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, Bangladesh và Mỹ.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới