8 khuyến nghị đột phá thu hút FDI thế hệ mới cho Việt Nam
![]() |
Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Nội trình bày tham luận” Sự cần thiết phải xây dựng Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới”. |
Theo khuyến nghị của IFC, chiến lược thu hút FDI của Việt Nam cần trả lời được các câu hỏi bao gồm: Nên tập trung các nguồn lực dành cho việc xúc tiến đầu tư và cải cách chính sách đầu tư vào đâu để thu hút được loại hình FDI phù hợp nhằm tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoan 2020 - 2030; làm thế nào để nâng tỷ trọng FDI có giá trị gia tăng cao, bền vững, có hiệu ứng lan toả FDI tích cực mạnh mẽ hơn đối với khối kinh tế tư nhân trong nước.
Theo IFC, sản xuất kim loại bậc cao khoáng chất, hoá chất, nhựa và linh kiện điện tử, công nghệ cao; sản xuất máy và thiết bị công nghiệp; dịch vụ du lịch giá trị cao; dịch vụ hậu cần; nông nghiệp sáng tạo, giá trị cao là các lĩnh vực ưu tiên trước mắt, đóng vai trò quan trọng đối với gia tăng giá trị và năng lực cạnh tranh trong nước.
Trong thời gian ngắn hạn, sản xuất thiết bị gốc và nhà cung cấp thiết bị vận tải ô tô; công nghệ môi trường cần được xem là cơ hội hẹp để cạnh tranh thắng lợi. Bên cạnh đó, các ưu tiên trong thời gian trung hạn, đi đôi với mở cửa và phát triển kỹ năng là sản xuất và chế tạo dược phẩm, thiết bị y tế; các dịch vụ bao gồm giáo dục và y tế; tài chính, công nghệ tài chính; công nghệ thông tin và dịch vụ tri thức.
![]() |
Toàn cảnh Hội thảo “Một số khuyến nghị về chiến lược và định hướng thu hút FDI thế hệ mới 2020- 2030” |
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra trong việc thu hút FDI chất lượng cao hơn, báo cáo chính tại Hội thảo đã đưa ra 8 “khuyến nghị đột phá” được đề xuất theo từng giai đoạn.
Theo đó, 3 ưu tiên trước mắt (2018 - 2020) là cần thành lập một cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài thế hệ mới có đầy đủ thẩm quyền và chức năng lồng ghép cao hơn để chỉ đạo việc thực hiện chiến lược thu hút FDI thế hệ mới; hiện đại hóa công tác xúc tiến đầu tư - bao gồm phạm vi các hoạt động xúc tiến đầu tư, cách tiếp cận, công cụ và các chỉ số hiệu quả FDI được sử dụng; và thực hiện các chính sách để tăng cường liên kết thượng nguồn từ đầu tư FDI, trong đó có chính sách kết nối doanh nghiệp FDI đồng bộ và thực hiện các chính sách kết nối doanh nghiệp FDI.
5 ưu tiên từ ngắn hạn đến trung hạn (2020 - 2030) bao gồm đẩy mạnh nguồn cung kỹ năng để đảm bảo thu hút đầu tư FDI thế hệ mới thông qua việc lượng hóa vấn đề, tiến hành chương trình phối hợp quốc gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo đồng thời với xây dựng kỹ năng. Nguồn cung lao động có tay nghề cao sẽ là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh về thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới.
Xây dựng “môi trường kinh doanh 4.0” phù hợp với nhu cầu kinh doanh trong kỷ nguyên số bằng việc cải thiện môi trường kinh doanh cho mọi nhà đầu tư, tăng cường bảo vệ nhà đầu tư và đảm bảo để nhà đầu tư yên tâm, cải thiện tác động và hiệu quả đối thoại công tư.
Tiếp đến là cải tổ toàn diện khung chính sách ưu đãi hiện hành và cân đối bằng cách chuyển hướng sang ưu đãi trên hiệu quả. Điều này cần thiết phải đổi mới tư duy, tăng cường tác động của ưu đãi, cải thiện quy trình quản lý chế độ ưu đãi. Theo đó, cần đưa ra các quy định tương ứng về ưu đãi từ Luật Đầu tư vào Luật Thuế và Luật Hải quan, với sự hỗ trợ của một hệ thống giám sát và đánh giá hiệu quả.
Mở cửa thị trường ở lĩnh vực hỗ trợ đầu tư là nền tảng làm nên năng lực cạnh tranh và tăng trưởng để thu hút FDI thông qua việc nới lỏng rào cản pháp lý trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch, khoa học đời sống, giao thông vận tải, truyền thông, dịch vụ tài chính, dịch vụ môi trường, giáo dục, y tế; giải quyết các rào cản thực tế đang cản trở khuyến khích đầu tư FDI.
Cuối cùng là áp dụng chính sách về xúc tiến chiến lược đầu tư ra nước ngoài. Điều này có thể góp phần đáng kể vào việc thực hiện các mục tiêu của chiến lược thu hút FDI thế hệ mới của Việt Nam, bao gồm đa dạng hóa kinh tế, chuyển giao công nghệ và nâng cấp năng lực trong nước trong các ngành nghề ưu tiên.
Tám lĩnh vực cải cách đột phá đề xuất tuy cấu thành các khuyến nghị định hướng chiến lược phù hợp, nhưng mỗi khuyến nghị đều khá phức tạp, vì vậy đòi hỏi phân tích sâu hơn và có sự cân nhắc chi tiết với các cơ quan đối tác và các bên liên quan chính để hoàn thiện và điều chỉnh các thông lệ quốc tế tối ưu đảm bảo kết quả thực hiện tối đa phù hợp với Việt Nam.
Trên tinh thần của báo cáo, Việt Nam cần thực hiện các cải cách mang tính đột phá, nhằm cạnh tranh thu hút các dòng vốn FDI có chất lượng hơn - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng bày tỏ tin tưởng: “Các khuyến nghị mà Báo cáo đưa ra sẽ đặt nền tảng cho một cách tiếp cận mới ở cấp quốc gia về FDI và góp phần vào việc đạt được các mục tiêu phát triển của đất nước”.
Nguyễn Hoan
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng