60 năm vụ mưu sát Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai

11:30 | 19/04/2015

4,246 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đúng 60 năm trước, 29 lãnh đạo quốc gia Á-Phi đã tề tựu đông đủ để tham dự hội nghị Bandung lần đầu tiên và một âm mưu ám sát Thủ tướng Chu Ân Lai đã được hoạch định kỹ lưỡng.

Từ 21 đến 24/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến Indonesia tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Phi và kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung. Indonesia đã mời 109 quốc gia châu Á, châu Phi, 17 nước quan sát viên và 20 tổ chức quốc tế tham gia lễ kỷ niệm lần thứ 60 Hội nghị Á-Phi.

Theo Cố vấn Tổng thống Indonesia Luhut Pandjaitan, đã có 35 nguyên thủ quốc gia khẳng định sẽ tham dự lễ kỷ niệm này. Và để đảm bảo an toàn cho các nhân vật kể trên, Indonesia đã huy động hơn 4.000 cảnh sát để bảo vệ 18 khách sạn và 13 tòa nhà cao tầng với sự phối hợp của lực lượng an ninh và quân sự quận. Tổng thống Joko Widodo và Phó Tổng thống Jusuf Kalla, cùng nhiều bộ trưởng và quan chức cấp cao của Indonesia đã họp để rà soát công tác chuẩn bị cho lễ kỷ niệm. Những biện pháp an ninh cao nhất được thực hiện nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Hội nghị Cấp cao Á-Phi khiến dư luận nhớ tới vụ mưu sát Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai diễn ra cách đây 60 năm.

60 năm vụ mưu sát Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai

Cảnh sát Indonesia

Đúng 60 năm trước (từ 18 đến 24/4/1955), 29 lãnh đạo quốc gia Á-Phi đã tề tựu đông đủ để tham dự hội nghị Bandung lần đầu tiên và một âm mưu ám sát Thủ tướng Chu Ân Lai đã được hoạch định kỹ lưỡng. Và để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho chuyến công tác của Thủ tướng Chu Ân Lai, khoảng 9 giờ 30 phút ngày 10/4/1955, Bắc Kinh đã yêu cầu lãnh đạo Hongkong áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ an toàn cho chiếc máy bay "Công chúa Kashmir" khi quá cảnh tại đây. Nhưng vụ nổ vẫn xảy ra và sau khi sự việc xảy ra, Bắc Kinh yêu cầu lãnh đạo Hongkong điều tra, làm rõ vụ việc; đồng thời chỉ rõ, Mỹ và đặc vụ Tưởng đứng đằng sau vụ này.

Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Mỹ coi đây là điều bịa đặt bởi chiếc máy bay "Công chúa Kashmir" đã bị trục trặc khi bay từ Bombay đến Hongkong, do đó “sự cố” xảy ra là điều bình thường. Còn lãnh đạo Hongkong khẳng định, không có lỗi trong việc này bởi Bắc Kinh không thông báo tỷ mỷ âm mưu phá hoại nên không biết điều tra, bảo vệ theo hướng nào.

Ngày 2/5/1955, đại diện chính phủ Anh đã trao cho Chương Hán Phu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc bản kết luận điều tra vụ phá hoại chiếc máy bay "Công chúa Kashmir". Theo đó, cảnh sát Hongkong đã điều tra 68 người có liên quan tới việc tiếp xúc với hành lý trên chiếc máy bay "Công chúa Kashmir", nhưng không phát hiện ra bất cứ nghi vấn nào. Được biết, cảnh sát Hongkong đã gọi hỏi (2 lần) Chu Tử Minh, người được biết tới dưới cái tên Chu Câu hoặc Chu Quý. Đồng thời hứa trả 100.000 HKD (tiền Hongkong) cho những ai cung cấp thông tin về vụ đánh bom, nhưng không có kết quả.

Còn theo tài liệu của cơ quan an ninh Trung Quốc, Trạm tình báo ở Hongkong thuộc Cục Bảo mật của Quốc Dân đảng là nơi đã lên kế hoạch vụ đánh bom. Chủ mưu là Triệu Bân Thành, người trực tiếp chỉ huy là Kim Kiến Phu, còn người trực tiếp thực hiện là Chu Tử Minh. Dựa trên tài liệu của Trung Quốc, cảnh sát Hongkong đã tìm đến địa chỉ của Chu Tử Minh, nhưng tới nơi hắn đã cao chạy xa bay trên chuyến bay Hongkong-Đài Bắc sáng 18/5/1955. Mặc dù không bắt được Chu Tử Minh, nhưng cảnh sát Hongkong đã bắt được Chu Thuỵ Duy, bố đẻ Chu Tử Minh và Chu Sỹ Học, bạn cùng phòng với hắn. Qua lời khai của Chu Thuỵ Duy và Chu Sỹ Học, ngày 30/6/1955, cảnh sát Hongkong đã bắt Quan Tựu Kế, người có quan hệ với Trương Diệu Linh, nhân viên tình báo của Tưởng Giới Thạch. Ngày 3/7/1955, một người họ Quan khác bị bắt và ngày 6/7/1955, Chu Toản Như cũng bị bắt.

60 năm vụ mưu sát Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai

Thủ tướng Chu Ân Lai

Qua khai thác những tên kể trên được biết, trong tháng 3/1955, thông qua Trương Diệu Linh, Quan Tựu Kế và Chu Toản Như, Triệu Bân Thành đã làm quen với Chu Tử Minh, nhân viên phục vụ trong sân bay Khải Đức, Hongkong. Sau khi biết chuyện, ban đầu Chu Tử Minh không dám nhận, nhưng trước món tiền quá lớn (600.000 HKD) cùng lời hứa đảm bảo tính mạng nếu bại lộ, nên Chu Tử Minh đã đồng ý. Ngày 10/4/1955, một nhân viên đặc vụ Tưởng bí mật tới Hongkong trao số tiền 600.000 HKD cho Chu Thuỵ Duy. Tối hôm đó tên này giao cho Chu Tử Minh quả mìn hẹn giờ và dạy hắn cách sử dụng. Đó là quả bom hẹn giờ mang nhãn hiệu MK-7 do Mỹ sản xuất, một loại vũ khí mà CIA thường cung cấp cho đặc vụ Tưởng. Để an toàn trong lúc gài đặt, chúng đã cải trang quả mìn giống như một tuýt thuốc đánh răng. Tưởng Giới Thạch sau khi nghe trùm mật vụ Mao Nhân Phượng báo cáo lại vụ việc, đã ra lệnh thưởng 9.000 USD cho Chu Tử Minh.

Trở lại buổi tối 11/4/1955, khi đó Viên Trọng Hiền, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ đang mở tiệc chiêu đãi đoàn đại biểu Trung Quốc do Quách Mạt Nhược dẫn đầu sang Ấn Độ dự Hội nghị các quốc gia châu Á. Khi mọi người đang vui vẻ nói chuyện, đột nhiên có một người tới bên cạnh, ghé sát tai Viên Trọng Hiền nói điều gì đó khiến sắc mặt ông tái đi và buổi tiệc hôm đó phải dừng giữa chừng... Lúc đó khoảng 21 giờ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ bỗng nhận được một bức điện khẩn của Bộ ngoại giao Ấn Độ thông báo, chiếc máy bay "Công chúa Kashmir" mà Trung Quốc thuê của Hãng hàng không quốc tế Ấn Độ để chở những quan chức đi dự hội nghị Á-Phi tại hội nghị Bandung bỗng nhiên bị mất liên lạc ngay sau khi cất cánh từ sân bay Khải Đức, Hongkong trong buổi chiều hôm đó. Tới 22 giờ cùng ngày, Bộ ngoại giao Ấn Độ cho biết, họ vẫn chưa bắt liên lạc được với chiếc máy bay "Công chúa Kashmir".

Sau đó, Bộ ngoại giao Trung Quốc nhận được thông báo, chiếc máy bay "Công chúa Kashmir" đã bị nổ trên bầu trời của quần đảo Natura vào đêm 11/4/1955. Sau khi chiếc máy bay "Công chúa Kashmir" bị nổ, rơi xuống biển và vỡ ra làm 3 mảnh, Tư lệnh hạm đội Anh đóng gần đó được lệnh khẩn trương cứu vớt những người sống sót và họ đã cứu được 3 người. Đó là Dickseet, phi công số 1, Pattuque, hoa tiêu và Finneya, kỹ sư. Họ thoát nạn bởi kịp mặc áo phao và lao ra khỏi máy bay trước khi máy bay lao xuống biển. Sau khi nhận được thông báo trên, tham tán Thân Kiện của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ đã nhận lệnh tới Singapore để tìm hiểu vụ việc, đồng thời vào bệnh viện hỏi thăm tình hình từ 3 nhân chứng sống kể trên.

Theo 3 nhân chứng cho biết, vào khoảng 12 giờ 15 phút ngày 11/4/1955, máy bay của họ cất cánh từ sân bay Hongkong, thời tiết lúc đó rất tốt. Vào khoảng 16 giờ 50 phút, khi máy bay đang bay trên vùng trời của quần đảo Natura thì đột nhiên có một tiếng nổ lớn và khói lan nhanh vào tất cả các khoang. Theo đúng lịch trình, Thủ tướng Chu Ân Lai cùng xuất phát với đoàn cán bộ kể trên. Nhưng khi ở thành phố Côn Minh, Thủ tướng Chu Ân Lai đột nhiên thay đổi kế hoạch vì còn phải tiếp Thủ tướng Myanmar, Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Ai Cập. Các nhà lãnh đạo kể trên gặp nhau tại Côn Minh để bàn cách đưa hội nghị Bandung đi tới thành công tốt đẹp, nhờ đó mà Thủ tướng Chu Ân Lai đã thoát chết.

Ngày 19/7/2004, Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng thông báo, sẽ tiếp tục công bố trong tổng số 5.042 tài liệu mật mà nước này đang lưu giữ, bảo quản (từ 1945 đến 1955). Và trong số tài liệu này, dư luận đặc biệt chú ý tới vụ mưu sát Thủ tướng Chu Ân Lai. Khi chiếc máy bay "Công chúa Kashmir" nổ có 8 nhân viên Trung Quốc và 3 phóng viên người nước ngoài. Đó là, Thẩm Kiến Đồ, Chủ nhiệm Ban đối ngoại của Tân Hoa xã; Hoàng Tác Mai, Trưởng phân xã của Tân Hoa xã tại Hongkong; Lý Bính Hoành (tức Lý Bình), phóng viên Ban đối ngoại của Tân Hoa xã; Đỗ Hồng, Phó chủ nhiệm ban đối ngoại của Cục quản lý phát thanh và truyền hình; Hách Phượng Cách, quay phim; Chung Bộ Vân, lái xe cho Thủ tướng Chu Ân Lai; Thạch Chí Ngang, Phó cục trưởng Cục 3 thuộc Bộ Kinh tế đối ngoại; Lý Triệu Cơ, Phó trưởng phòng thu thập tin tức thuộc Bộ Ngoại giao; Vương Minh Phương, nhân viên công tác của đoàn đại biểu Việt Nam và 2 phóng viên của hãng thông tấn Ba Lan và Áo.

Đông Ngàn - Từ Sơn (theo Năng lượng Mới)