20.000 bộ đội ở tuyến đầu chống dịch

21:57 | 16/04/2020

1,137 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong 20.000 quân nhân tham gia phòng chống Covid-19 có khoảng 10.000 bộ đội biên phòng, còn lại là bác sĩ quân y, hậu cần, lái xe.

Chiều 16/4, thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Bộ Quốc phòng, cho biết ngay từ khi dịch bùng phát ở Trung Quốc cuối tháng 1, bộ đội Biên phòng đã triển khai quân chốt chặt đường mòn, lối mở dọc biên giới Việt - Trung để ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, không để dịch xâm nhập vào trong nước. Đến nay, khoảng 10.000 người lính quân hàm xanh phối hợp với lực lượng đứng chân trên địa bàn bám biên chống dịch tại 25 tỉnh, thành có đường biên giới trên bộ, đặc biệt là tuyến biên giới Tây Nam.

"Bộ đội Biên phòng thường xuyên tiếp xúc với công dân từ vùng có dịch về qua biên giới. Ngoài ra, còn 10.000 bác sĩ quân y, hậu cần, lái xe, dân quân... làm việc tại các khu cách ly tập trung, cũng phục vụ những người có nguy cơ cao. Tất cả đều làm hết sức mình, vì dân phục vụ", tướng Đơn nói.

Theo tướng Đơn, dù 20.000 quân tham gia làm nhiệm vụ chống dịch, đến nay chưa ai bị lây nhiễm. Quân đội vẫn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, bảo vệ chủ quyền, biển đảo, biên giới... Năm nay, Việt Nam còn là Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nên quân đội phải tổ chức khoảng 20 hội nghị về vấn đề quốc phòng, chuẩn bị tổ chức diễn tập phòng chống dịch cho quân y ASEAN...

20.000 bộ đội ở tuyến đầu chống dịch
Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng, Trưởng Ban phòng chống Covid-19 của Bộ Quốc phòng. Ảnh: Hoàng Thùy.

Xác định việc chống dịch đã bước sang giai đoạn 3 lây lan ra cộng đồng, tướng Đơn yêu cầu Ban chỉ đạo phải làm việc "bất cứ lúc nào kể cả ban đêm". Để giải quyết vấn đề cấp bách, cuộc họp có thể được triệu tập bằng tin nhắn, cuộc gọi, "không ai được báo bận, dù đang ngủ cũng phải đi".

Trung tướng Phùng Sỹ Tấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nhấn mạnh hơn 100 ngày qua bộ đội làm ngày, làm đêm không có thứ bảy, chủ nhật. Vì vậy, Bộ Quốc phòng cần điều chỉnh chế độ, thời gian, biện pháp thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu... Đơn cử như Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng phải báo cáo kế hoạch kiểm soát biên giới trên địa bàn từng tỉnh. "Quân số tham gia chống dịch lớn và bộ đội đã làm việc dài ngày nên cần tính toán lại để anh em được thay nhau nghỉ ngơi, về thăm gia đình", ông nói.

Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, thiếu tướng Lê Văn Phúc khẳng định, việc kiểm soát, tuần tra không thể tạm dừng nên Bộ tư lệnh đã quyết định luân chuyển, đổi quân luân phiên ở các tuyến biên giới. "Chúng tôi đang nghiên cứu để 71 người có việc riêng như bố mẹ qua đời, vợ sinh, con ốm... có thể được đi phép về thăm nhà trước. Riêng học viên Học viện Biên phòng, trường Trung cấp 24 Biên phòng được tăng cường thì giữ nguyên quân số", tướng Phúc cho hay.

20.000 bộ đội ở tuyến đầu chống dịch
Bộ đội Biên phòng dùng đèn pin chiếu sáng, quan sát lối mở ở đường biên trong ca trực đêm. Ảnh: Hoàng Thùy.

Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, trung tướng Trần Duy Giang góp ý phải tổ chức hội nghị trực tuyến cấp Bộ Quốc phòng để rút kinh nghiệm phòng chống Covid-19 thời gian qua. "Hiện nay đã hết quý I/2020, nhiệm vụ của quân đội thì rất nhiều, chúng ta cần có kế hoạch cụ thể để hoàn thành tốt", ông Giang nói.

Vừa qua, quân đội tiếp tục mở rộng khu cách ly tập trung trước diễn biến dịch bệnh phức tạp ở Thái Lan, Lào, Campuchia. Bộ Quốc phòng đã điều chỉnh kế hoạch thời gian, lực lượng để thực hiện các nhiệm vụ quân sự, chính trị, đặc biệt trong công tác huấn luyện và chương trình đào tạo tại các học viện, nhà trường. Các tổ đội cơ động phòng, chống dịch tiếp tục được rà soát, kiện toàn. Quân đội cũng xây dựng kế hoạch triển khai 7 bệnh viện dã chiến, với 2.800 giường bệnh sẵn sàng ứng phó cho tình huống dịch lan rộng, tình trạng khẩn cấp.

Sau ba tháng, quân đội đã tiếp nhận, vận chuyển và cách ly gần 54.000 người, tổ chức đưa 49.000 người hết cách ly về địa phương an toàn. Khoảng 5.000 người đang thực hiện cách ly.

Theo VNE