15 năm đẩy xe lăn đưa con đến trường

08:49 | 22/07/2011

388 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
15 năm ròng, chị thầm lặng làm đôi chân đưa con đến trường. Hết bậc tiểu học đến bậc trung học và giờ đã là đại học, vòng xe lăn của mẹ con chị đã vượt qua bao sự tủi hờn, khó nhọc để viết nên một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Chị là Nguyễn Thị Tâm, xã An Bình, Thuận Thành, Bắc Ninh.

Hai mẹ con chị Tâm trong căn phòng trọ chật trội

Vượt qua tủi hờn

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Kinh Bắc, chị Nguyễn Thị Tâm là con gái lớn trong một gia đình 5 chị em. Nhà nghèo, bố mẹ lại thường xuyên đau yếu nên Tâm sớm trở thành trụ cột trong gia đình. Mải bươn chải lo cho các em, đến khi ngẩng đầu nhìn lại mình thì đã quá lứa, nhỡ thì. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Tâm quyết định vượt qua lời dị nghị của dân làng để thực hiện mơ ước được làm mẹ của mình. Sau chín tháng mang nặng đẻ đau, một bé trai bụ bẫm, kháu kỉnh đã cất tiếng khóc chào đời.

Chị đặt tên con là Nguyễn Hà Hải. Thế nhưng niềm vui lớn chẳng tầy gang. Lên 3 tuổi mà đôi chân Hải cứ mềm như bún. Thương con, chị đưa bé Hải đi khắp nơi chữa trị, nhưng các bác sĩ không phát hiện ra được cháu bị bệnh gì. Họ khuyên chị về nhà cho cháu ăn đầy đủ dưỡng chất và tập luyện, hy vọng sẽ đi được.

Hy vọng vẫn chỉ là hy vọng, đến năm 6 tuổi Hải vẫn chưa thể đi được. Đôi chân cứ teo tóp, khớp gối cứng lại. “Mỗi lần nhìn cháu cố vặn người để đứng dậy, mặt nhăn lại, mồ hôi vã ra, tôi chạy đến ôm cháu vào lòng, cả hai mẹ con cùng khóc”, chị Tâm nhớ lại. Đôi chân không thể đi đứng nhưng bù lại, Hải có khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú. Ngay từ nhỏ, Hải đã tỏ ra là một cậu bé rất thông minh và ham học hỏi. Năm 8 tuổi, Hải nói với mẹ: “Mẹ ơi, con muốn được đi học như các bạn”. Chiều ý con chị Tâm đẩy xe lăn đưa Hải đến trường với tư cách là học sinh dự thính, nhưng thật bất ngờ, Hải không những học được mà còn học giỏi. Suốt những năm tháng học phổ thông, năm nào Hải cũng là học sinh tiên tiến.

Năm 2008, Hải đã làm nên một kỳ tích khi trở thành thí sinh khuyết tật thi đỗ liền hai trường đại học. Ba năm qua, Hải đã vượt qua tất cả để viết tiếp câu chuyện về nghị lực vươn lên. Giờ đây, Hải đã là sinh viên bước vào năm cuối, Trường đại học KHXH&NV Hà Nội. Ngoài nghị lực vươn lên trong học tập, sau nhiều năm khổ luyện với sự giúp đỡ của mẹ, nay Hải đã có thể tự mình nhúc nhắc đi lại trong phòng.

Mót rác nuôi con học đại học

Một buổi chiều hè oi nồng, tôi tìm đến nơi trọ học của mẹ con chị (ở số 56 Giáp Nhất, Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Căn phòng chưa đầy 10m2, mái lợp pro hầm hập nóng. Ngoài chiếc phản gỗ ghép vênh váo rộng chừng 1,2m, chỗ còn lại chỉ vừa đủ để chiếc xe lăn của Hải. Bàn học của cậu cũng phải tận dụng từ chiếc hòm tôn, đặt ngay trên giường, tối đi ngủ thì đặt xuống đất. Trời nóng mà hai mẹ con chị không có nổi một chiếc quạt điện. “Lúc mới lên Hà Nội cũng thấy ngột ngạt khó chịu, nhưng ở riết rồi cũng quen. Mẹ con tôi đã gắn bó với căn phòng này được gần hai năm rồi đó”, chị Tâm nói.

Ba năm qua, xóm trọ này chứng kiến sự đi về của hai mẹ con chị. 6 giờ chị đẩy xe lăn 4 cây số để đưa con đến trường. Khi con đã yên vị, chị lại tất bật tay cầm tải, tay móc sắt đi khắp nơi nhặt nhạnh từng vỏ lon bia, túi nilon cũ gom lại bán lấy tiền. Ngoài ra, ai thuê việc gì chị cũng làm. Từ dọn nhà, lau cửa kính, thậm chí là rửa bát đĩa hay giặt giũ quần áo, miễn là lao động chính đáng. “Mặc dù Hải được miễn học phí, nhưng còn bao nhiêu thứ phải chi. Tiền nhà trọ, tiền điện, tiền nước rồi ăn uống hàng ngày của hai mẹ con. Ngày ở nhà còn trông vào mấy sào ruộng chứ ở đây thì lấy đâu ra. Thôi thì cố nhặt nhạnh, được đồng nào hay đồng ấy”, chị Tâm chia sẻ.

Không thể đi lại như các bạn, Hải rất mong có một chiếc máy tính để làm phương tiện giúp em có thể nghiên cứu và học tập ngay tại nhà. Mơ ước nhỏ bé đó có vẻ quá xa vời với thu nhập của người mẹ tần tảo ấy…

Nhật Minh