Việc bình thường?

06:00 | 21/03/2014

942 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người dân thật sự thất vọng khi nghe ông Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Điện Biên phát biểu lạnh tanh với báo giới rằng, ông chẳng có gì bất ngờ với thông tin thầy trò phải chui túi nilon qua suối cả, đây là việc bình thường.

Năng lượng Mới số 306

Những hình ảnh rùng mình về cảnh cô giáo và học trò tại Sam Lang, xã Nà Hì, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên qua suối bằng cách độc nhất vô nhị là chui vào… túi nilon để người biết bơi kéo qua sông. Sự học ở vùng cao sao mà cơ khổ đến thế! Hình ảnh “người thật, việc thật” do chính một cô giáo là người trong cuộc quay lại đã khiến không ít khán giả nghẹn lòng, rơi nước mắt.

Theo Tổng cục Đường bộ, thống kê của 28 tỉnh đã có tới 1.200 vị trí cần xây cầu treo. Tuy nhiên, sau khi rà soát cùng đánh giá của tư vấn thiết kế, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có đề án xây 186 cầu treo tại 28 địa phương với tổng mức đầu tư 1.700 tỉ đồng. Đề án này đã được trình Chính phủ. Hiện Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến các bộ, ngành. Vậy là vẫn còn hơn 1.000 nơi như Sam Lang mà thầy trò lội bộ, đánh đu hoặc chui vào túi nilon để qua suối. Người ta không thấy có ý kiến rốt ráo của ngành giáo dục xin bắc cầu cho học trò.

Học sinh được ngồi vào trong một chiếc túi nilon để người lớn lôi qua suối

Vậy nên người dân thất vọng khi nghe ông Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên phát biểu lạnh tanh với báo giới rằng, ông chẳng có gì bất ngờ với thông tin thầy trò phải chui túi nilon qua suối cả, đây là việc bình thường. Nhân tiện, ông răn dạy họ rằng, giáo viên, học sinh không nên có hành động nguy hiểm như vậy. Thầy cô, học sinh nên chờ nước rút rồi đi. Trường hợp xấu có thể cho trò nghỉ học, sau dạy bù…

Ông đốc học này giảng giải, Điện Biên là địa phương có nhiều đoạn địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn. Mùa lũ, nước ở các con sông, con suối lên rất nhanh. Các thầy cô giáo muốn đến trường buộc phải làm thế thôi. Trường hợp này cũng không phải là hiếm… Tuy nhiên, ông cũng chịu chết không biết hiện trong địa phận tỉnh ông có bao nhiêu vị trí cần làm ngay cầu treo như Sam Lang. May mà chưa có thảm họa thủng túi trôi cô, trôi trò. Nói dại, nếu tình huống xấu xảy ra, ông này sẽ phủi tay ngay vì không có đủ kinh phí để xây dựng các cầu treo giúp các em học sinh và giáo viên đi lại thuận lợi.

Thật não lòng! Không thể dùng từ nào khác và đắc địa hơn là hai chữ vô cảm để nói về ông này.

Trong khi đó, dù đang tháp tùng Chủ tịch nước thăm Nhật Bản, Bộ trưởng GTVT cho biết, ông có biết thông tin chui túi nilon này và ngay lập tức chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương xem xét triển khai xây dựng cầu treo để phục vụ người dân ở địa phương nói trên. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, vốn đầu tư xây dựng cầu treo qua suối Nậm Pồ, bản Sam Lang khoảng 3,5 tỉ đồng, lấy từ nguồn vốn giao thông nông thôn.

Bộ GTVT giao Sở GTVT tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư và yêu cầu nhanh chóng triển khai xây dựng cầu trong thời gian khoảng 2 tháng để đảm bảo học sinh và người dân bản Sam Lang có cầu đi lại trước khi mùa mưa tới. Hy vọng các cô giáo, học sinh và người dân Sam Lang sẽ sớm có một cây cầu vững chãi không như cầu Chu Va 6 và câu chuyện qua sông bằng phương tiện vô cùng đặc biệt này.

Việc xây cầu treo chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu về dài cần có đường giúp cho giao thông tại đây được thông suốt. Bộ GTVT cho biết, sẽ có ý kiến với UBND tỉnh Điện Biên để nghiên cứu làm đường giao thông cho bà con đi lại thuận tiện.

Được biết, bản Sam Lang có 100 hộ dân là người dân tộc Mông, cách trung tâm xã Nà Hỳ 17km nhưng chỉ có 2km đường mòn và bị chia cắt bởi con suối Nậm Pồ rộng tới 80m. Do nước chảy xiết nên thuyền đò không thể hoạt động được, vì thế những chiếc túi nilon mỏng manh là cách người dân nơi đây nghĩ ra để đưa con em họ tới trường học chữ. Họ cho các em học sinh ngồi vào những chiếc túi nilon to, một người lớn biết bơi sẽ túm chặt miệng túi lại rồi cứ thế... lôi các em qua dòng nước chảy xiết sang đến bờ bên kia.

Nói gì thì nói, hành động nhanh nhạy và quyết liệt này của Bộ trưởng GTVT rất đáng được ghi nhận.

Mặc dù vậy, câu chuyện này lại khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ và liên tưởng... Xã hội hóa việc làm cầu đã có những mô hình thành công với sự góp sức của báo chí. Tấm lòng của cán bộ, phóng viên Báo Dân Trí thật đáng biểu dương. Nhờ vận động được các nhà hảo tâm, hàng loạt cây cầu Dân Trí - Khuyến học ở miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ đã được đưa vào sử dụng.

Thật vậy, chỉ khi nào không còn cách nghĩ vô cảm như ông đốc học kia thì mới hết cảnh đánh đu, chui túi qua suối để đến trường. Còn nếu vẫn mang nặng tư duy “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, biết rồi việc thường thôi thì các bức xúc trong cuộc sống hằng ngày của người dân khó khắc phục được. Nhà nước chưa đủ kinh phí thì vận động xã hội hóa sẽ giải quyết được. “Khó vạn lần dân liệu cũng xong” mà!

Bảo Dân