Xe công bán rẻ như bèo

07:05 | 15/03/2017

1,125 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cả nước có hơn 34.000 xe ôtô công đang được sử dụng trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (chưa kể các xe của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các doanh nghiệp Nhà nước). Số xe này trị giá gần 20.000 tỉ đồng. Như vậy, xe ôtô công là một khối tài sản rất lớn.

Năm nay Nhà nước triển khai việc khoán kinh phí đi lại cho một số cấp lãnh đạo nên số xe công sẽ dôi ra khá nhiều. Những xe này được thanh lý để thu tiền về Bộ Tài chính, chuyển vào công quỹ quốc gia. Nhưng việc thanh lý như thế nào và đấu giá bán ra sao là chuyện không đơn giản, đang được dư luận quan tâm. Nếu thiếu sự công khai, minh bạch thì Nhà nước lại thất thoát số tiền rất lớn và việc khoán kinh phí đi lại cho cán bộ sẽ không có hiệu quả cao.

xe cong ban re nhu beo

Bộ Tài chính vừa có tờ trình dự thảo quyết định bổ sung, thay thế một số quy định tại Quyết định 32 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, có 3 hướng xử lý xe ôtô dôi dư: Một là bán chỉ định cho một số chức danh trong trường hợp chức danh đang sử dụng xe có đề xuất mua lại. Hai là điều chuyển cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn thiếu xe so với tiêu chuẩn, định mức hoặc thay thế xe cũ. Ba là bán đấu giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và pháp luật về đấu giá.

Không được sử dụng xe công cho riêng mình, nhiều cán bộ cũng thấy hẫng hụt. Bởi lâu nay, xe công không chỉ phục vụ việc công mà còn được dùng rất nhiều vào việc tư. Một vị thủ trưởng cơ quan có xe riêng thì gia đình, bạn bè cũng được nhờ vả. Đặc biệt, xe công giải quyết được khâu oai, có lái xe giúp việc, đi đâu, lúc nào cũng sẵn sàng, chủ động. Bây giờ bỏ tiền ra thuê xe, không còn vi vu thoải mái như trước nữa…

Trước đó, việc thanh lý xe công đã được triển khai. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã thanh lý tổng cộng 264 xe ôtô công. Giá trị ban đầu của 264 xe này là gần 80 tỉ đồng, nhưng sau khi thanh lý chỉ thu về được 390 triệu đồng. Như vậy bình quân mỗi chiếc xe ôtô công đó chỉ bán được 1,5 triệu đồng. Với 1,5 triệu đồng mà mua được ôtô đang còn hoạt động tốt thì người dân lao động tự do hoặc công nhân có thu nhập dăm ba triệu/tháng cũng mua được. Song, những món tài sản quá hời này chẳng bao giờ đến lượt người dân, bởi các cán bộ đã từng có tiêu chuẩn xe công đưa đón đều sẵn tiền và lại được ưu tiên hàng đầu rồi.

Đến thời điểm này, tổng số xe đã thanh lý là 1.105 chiếc, số tiền thu được của 761 xe là 35,15 tỉ đồng, bình quân là 46,2 triệu đồng/xe. Giá tiền như thế vẫn còn quá rẻ. Bởi các loại xe phục vụ thủ trưởng đều là xe sang, giá trị; có chạy nhiều năm rồi thì vẫn có giá vài ba trăm triệu trở lên.

Trong cùng cơ quan, các nhân viên dưới quyền phải nhường xuất mua xe cho các thủ trưởng, các vị có máu mặt trước. Rồi xe nào có giá trị cao, còn mới cũng phải ưu tiên “các cụ”. Như vậy thì xe phải đấu với giá “mềm”, rẻ hơn nhiều lần so với giá trị thực. Với lối ứng xử “kính trên, nhường dưới” ấy, phương án ăn chia dễ được thỏa hiệp, “úm ba la, chúng ta cùng hưởng”.

Tuy là những chiếc xe đã qua sử dụng nhiều năm, việc bán xe có thể vẫn “đúng quy trình” nhưng việc bán tài sản Nhà nước còn nhiều vấn đề phải xem lại. Những người tham gia đấu giá có thể được chuẩn bị từ trước, cài cắm vào để mua tài sản với giá rẻ. Số người tham gia bán đấu giá tài sản cũng hạn chế, bắt tay với các đơn vị thẩm định giá để giảm giá trị tài sản đấu giá, rồi đưa ra mức giá khởi điểm thấp hơn thực tế nhiều lần là chuyện chắc chắn sẽ diễn ra. Tài sản Nhà nước bị mua đắt, bán rất rẻ do thiếu kiểm soát và có tiêu cực sẽ khiến ngân sách bị thất thu lớn, tài sản bán đấu giá sẽ rơi vào tay các nhóm lợi ích.

Ngày 1-3 vừa qua, 8 đơn vị của Hà Nội bắt đầu thực hiện thí điểm khoán xe công. Toàn bộ xe ở các đơn vị này được niêm phong và sẽ bán thanh lý. Các tỉnh, thành phố, cơ quan Nhà nước cũng sẽ tiến hành thanh lý số xe dôi dư. Nhiều cán bộ sẽ được hưởng lợi từ việc đấu giá và mua xe thanh lý này nếu khâu quản lý lỏng lẻo, lụy tình.

Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội thông qua tháng 11-2016 có những quy định khá chặt chẽ và hạn chế được nhiều các kẽ hở trong việc bán đấu giá tài sản Nhà nước. Luật Quản lý tài sản công để thay thế cho Luật Quản lý tài sản Nhà nước 2008 cũng đang được xây dựng và dự kiến sẽ được trình ra Quốc hội thông qua vào năm 2017. Nhưng để pháp luật phát huy được hiệu quả, đảm bảo không thất thoát, lãng phí thì việc công khai, minh bạch, tăng cường sự giám sát của nhân dân trong việc bán đấu giá tài sản Nhà nước là một khâu rất quan trọng, tránh để việc bán xe công “đúng quy trình” nhưng không đúng quy định. Lợi lộc vẫn lại rơi vào tay người giàu.

Ngọc Linh Trang