Vì sao các bệnh viện xin xuống hạng?

07:19 | 26/08/2016

1,336 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chuyện lạ hiếm thấy là suốt thời gian qua có không ít bệnh viện xin được xuống từ hạng 2 xuống hạng 3, mặc dù trước đó đã đầu tư rất nhiều về cơ sở vật chất, nhân lực để được thăng hạng. Lý do vì sao như vậy?

Lên rồi xuống

Hai bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh của Đồng Nai là Bệnh viện Da liễu và Y dược cổ truyền đã xin xuống hạng dù chưa đến 1 năm được thăng hạng 2 từ hạng 3 sau bao nỗ lực đầu tư cả về cơ sở vật chất và con người. Lý do họ đưa ra là Thông tư 40/2015/TT-BYT quy định về đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) được áp dụng từ ngày 1-1-2016 đã làm cho bệnh viện không được tiếp nhận khám chữa bệnh BHYT ban đầu dẫn đến số bệnh nhân giảm hẳn. Và đương nhiên bệnh nhân giảm nguồn thu của bệnh viện sẽ giảm. Chính vì vậy, không chỉ hai bệnh viện trên mà nhiều bệnh viện tuyến tỉnh nữa xin… xuống hạng.

vi sao cac benh vien xin xuong hang

Bệnh viện Y Dược tỉnh Đồng Nai mới lên hạng 2 lại xin xuống hạng 3

Cụ thể, Thông tư 40/2015/TT-BYT quy định rõ: “Bệnh nhân có BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại một cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám chữa bệnh tại bất kỳ trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh và được xem đúng tuyến. Như vậy, bệnh nhân sẽ được BHYT chi trả viện phí đầy đủ theo đúng mức quyền lợi hưởng của thẻ BHYT”.

Theo đại diện của Bệnh viện Da liễu Đồng Nai, sau khi thực hiện Thông tư 40 nói trên, số bệnh nhân đến viện khám ban đầu không còn như trước. Cụ thể từ đầu năm 2016 đến nay, số lượng bệnh nhân điều trị ngoại trú chỉ bằng 17% so với cùng kỳ năm trước. Còn công suất khám chữa bệnh nơi đây chỉ đạt 5,6%. Ước tính số bệnh nhân khám BHYT tại đây giảm gần 90%. Trong khi trước đây, mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận 1.000 bệnh nhân đến khám, nay chỉ còn 50 người/tuần”.

Tương tự, Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai cũng vậy, hơn nửa năm thăng từ hạng 3 lên hạng 2, tưởng rằng bệnh viện sẽ thu hút được nhiều bệnh nhân BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu hơn, nào ngờ, thực hiện Thông tư 40, bệnh viện chỉ còn khoảng 50% bệnh nhân so với trước đến khám, tức khoảng một nửa của 1.600 bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu khi chưa thực hiện thông tư.

Xuống sướng hơn lên

Như vậy có thể hiểu việc xin xuống hạng của một số bệnh viện có thể hiểu vì tiền. Và số tiền này xin nói thêm không phải gói gọn trong số bệnh nhân “hụt” so với ban đầu đăng ký mà có thể còn nhiều hơn nữa do số bệnh nhân được khám thông tuyến mang lại.

Bởi theo thống kê của của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2016, quỹ khám chữa bệnh BHYT đã bội chi gần 2.200 tỉ đồng. Một trong những nguyên nhân chính được cho là do quy định thông tuyến có hiệu lực, người dân được tự do đến khám chữa bệnh ban đầu ngay tại các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh, làm cho mức chi bình quân tại nhiều địa phương tăng cao. Nhưng điều đáng nói hơn là có hiện tượng các bệnh viện được khám thông tuyến đã lạm dụng nhiều dịch vụ, chỉ định quá mức để tăng nguồn thu cho bệnh viện.

Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, giá dịch vụ trước đây được Quỹ BHYT chi trả theo hạng bệnh viện. Công khám, ngày giường bệnh tại các bệnh viện hạng 2 được thanh toán cao hơn hạng 3. Do đó, trước đây chỉ thấy các bệnh viện xin đầu tư để được lên hạng. Nhưng giờ, giá dịch vụ đã thay đổi, các dịch vụ được BHYT chi trả như nhau, trong khi lại khám thông tuyến với tuyến huyện (bệnh viện tuyến tỉnh không được khám thông tuyến - PV). Nên nhiều bệnh viện xin xuống hạng để tiếp cận bệnh nhân - khách hàng dễ dàng hơn, qua đó tăng nguồn thu.

Ông Sơn cho hay, qua kiểm tra tại một bệnh viện được xuống hạng ở Nghệ An cho thấy, thẻ khám BHYT ban đầu (những người tại địa phương) có chi phí bình quân là 434.722 đồng/lượt khám, chữa bệnh, nhưng thẻ khám BHYT là người nơi khác đến (do được khám thông tuyến) có chi phí gần gấp đôi: 832.268 đồng/lượt. Chỉ định chụp MRI ngoại trú đối với thẻ đăng ký nơi khác đến số lượng cao gấp 7 lần so với thẻ đăng ký tại đó. Hay tại một số địa phương có tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT tại các bệnh viện “được” xuống hạng, khám thông tuyến gia tăng dưới nhiều hình thức như: tặng quà khuyến mãi, huy động cả lực lượng cựu chiến binh, Hội Phụ nữ vận động người đi khám BHYT; chỉ định tăng số lượng xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X-quang, nhất là các dịch vụ kỹ thuật cao, có chi phí lớn...

Sau 6 tháng triển khai khám BHYT thông tuyến ở phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện, số lượt khám, chữa bệnh tại các cơ sở này theo còn tăng hơn cùng kỳ khoảng 10-15%. Đáng lưu ý, một số tăng vọt 100-200%, trong đó có các bệnh viện vừa “được” xuống hạng. Ông Sơn công bố: “Năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã kiểm tra việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT tại một số địa phương. Kết quả đã thu hồi về Quỹ BHYT gần 62 tỉ đồng tiền chỉ định không đúng, trong đó năm 2015 thu hồi 34,624 tỉ đồng và 6 tháng đầu năm nay thu hồi 26,9 tỉ đồng, bao gồm nhiều dịch vụ bất hợp lý được phát hiện tại các bệnh viện được xuống hạng.

Ông Sơn cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến điều đó là do các bệnh viện lắp đặt nhiều máy xét nghiệm do các công ty trúng thầu hóa chất ký hợp đồng cho mượn máy, trong đó có hợp đồng ra điều khoản ràng buộc về số lượng hóa chất tối thiểu bệnh viện phải sử dụng trong năm, như cam kết sử dụng 1.500 que thử nước tiểu/tháng/2 máy xét nghiệm nước tiểu 10 thông số; hoặc cam kết sử dụng 400 phản ánh HBV/tháng (tương ứng 66 triệu đồng) đối với máy xét nghiệm Real-time PCR… Bởi vậy mới có chuyện tiền chỉ định không đúng và vì sao các bệnh viện rất “chú trọng” cho bệnh nhân làm các xét nghiệm.

“Thích” là lên

Trước việc xin xuống hạng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế đã khẳng định việc lên hay xuống hạng không thể “thích” là được.

Tuy nhiên, do sự phản ánh của một số bệnh viện tuyến tỉnh, đặc biệt là các bệnh viện chuyên về học cổ truyền, da liễu, Bộ Y tế cũng đã xem xét và thực hiện giải pháp: Chỉ đạo các bệnh viện chuyên khoa tỉnh tập trung phát triển các dịch vụ kỹ thuật y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao; tiến hành xây dựng thông tư quy định về điều trị nội trú ban ngày phù hợp với các chuyên ngành, các dịch vụ kỹ thuật mà bệnh nhân không cần nằm điều trị nội trú…

Để kết thúc bài viết này xin trích câu nói của ông Phạm Lương Sơn rất hay và đúng về việc xin xuống hạng của một số bệnh viện: “Bệnh viện ở hạng nào thì phải hoạt động đúng phạm vi chuyên môn đã xếp hạng, lo phát triển vững về chuyên môn để tạo niềm tin, thu hút người bệnh đến với mình. Bệnh viện chứ không phải là doanh nghiệp thuần túy chỉ tính toán làm thế nào để thu lợi”.

Ông Phạm Lương Sơn - Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: “Bệnh viện chứ không phải là doanh nghiệp thuần túy chỉ tính toán làm thế nào để thu lợi”.

Nguyễn Bách

Năng lượng Mới 552