Vi phạm quyền sở hữu công nghiệp: Bắt không hết, phạt không xuể

09:16 | 27/04/2011

741 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở Hà Nội, mỗi năm có tới hàng nghìn vụ vi phạm quyền sở hữu công nghiệp bị xử lý, nhưng hàng nhái, hàng fake vẫn tràn lan, "tung tăng dạo phố"…

Ngay cả học sinh, sinh viên, người lao động nghèo ở Việt Nam cũng dùng túi xách hiệu LV, Gucci, Chanel, Hermes… mặc quần áo, giày dép hiệu Lacoste, D&G, Armani… Tất thảy đều là những hãng hiệu nổi tiếng trên thế giới thường có giá bán "siêu khủng”… nhưng được làm nhái. Những mặt hàng nhái kiểu dáng, chất liệu và thương hiệu này được chia thành nhiều "cấp độ”, có loại sản xuất ở những xưởng gia công trong nước, nhưng nhiều loại được nhập từ Trung Quốc về với tên gọi "yêu kiều” hơn: hàng fake. Riêng ở Hà Nội, mỗi năm có tới hàng nghìn vụ vi phạm quyền sở hữu công nghiệp bị xử lý, nhưng hàng nhái, hàng fake vẫn tràn lan, "tung tăng dạo phố”…

Nhái, giả "trên mọi mặt trận”

Một cán bộ quản lý thị trường, khi được hỏi đã lắc đầu ngao ngán: “Hàng nhái, hàng fake tràn lan. Túi xách, giày dép, quần áo, kính mắt là nhiều nhất, rồi bánh kẹo, nước hoa, rồi băng đĩa, sách truyện, rồi cả gas nữa… Quân số thì mỏng, chúng tôi muốn bắt giữ và xử phạt thì nhiều lắm, nhưng không xuể.

Theo thống kê, trong khoảng 70 công ty kinh doanh gas, với hơn 5.000 đại lý thì chỉ có khoảng 40 công ty đăng ký nhãn hiệu vỏ bình gas. Chỉ tính sơ sơ đã thấy có tới 30% số lượng vỏ bình gas lưu hành trên thị trường là giả nhãn hiệu. Những bình gas này bị thay đổi nhãn mác, gây ảnh hưởng đến uy tín của chính hãng và đe dọa nguy cơ cháy nổ cho người dân, đặc biệt là việc chiết nạp gas lậu.
Một ví dụ khác, là trường hợp “xe tay gas vỏ Piaggio, ruột Honda, giá cả Việt Nam” khiến dư luận xôn xao thời gian qua. Hay điển hình như vụ việc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ lô hàng 22.000 gói dầu gội giả mạo nhãn hiệu Clear, Sunsilk của Công ty Unilever, vỏ bao bì của bột ngọt Ajinomoto…

Có nhiều lý do khiến tình hình vi phạm KDCN ngày càng trở nên phổ biến và phức tạp. Trước hết, đó là vì hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái luôn tạo ra siêu lợi nhuận. Hàng giả có mẫu mã, kiểu dáng giống hệt hàng thật, nhưng có giá thành thấp hơn nhiều, do đó thường được khách hàng lựa chọn. Thứ hai, nhiều chủ sở hữu KDCN chưa thực sự ý thức và chú ý đến việc đăng ký bảo hộ độc quyền kiểu dáng sản phẩm của mình, chưa có kế hoạch bảo vệ tài sản (SHTT) một cách khoa học. Thực tế, có rất ít doanh nghiệp Việt Nam có bộ phận chuyên chăm lo về SHTT, do đó việc phát hiện vi phạm SHTT nói chung và vi phạm về KDCN nói riêng thường không kịp thời. Một lý do nữa là, việc xử lý vi phạm KDCN mới chủ yếu dừng ở mức xử phạt hành chính, mức phạt cũng chưa đủ sức răn đe đối với đối tượng thực hiện hành vi vi phạm.

Những "thượng nguồn” của hàng fake

Có thể nói, một trong những “thượng nguồn” của nhiều mặt hàng fake tràn lan trên thị trường Việt Nam hiện nay là Quảng Châu, Trung Quốc. Đa phần những chủ kinh doanh nhỏ lẻ thường lấy hàng fake từ nguồn này về theo đường bộ, rồi bán ở cửa hàng hoặc bán qua mạng với giá cả tùy thuộc chất lượng hàng. Ví dụ, chỉ một loại túi Hermes, nhưng hàng fake loại 1-A6 thì giá cũng mấy triệu đồng, còn loại kém hơn được hạ dần từ 1 triệu đồng, đến vài trăm nghìn đồng đều có.

Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Lạng Sơn – TS Lường Đăng Ninh cho biết: “Đặc thù của Lạng Sơn là một tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc, với hơn 11 cửa khẩu lớn nhỏ và rất nhiều đường mòn qua biên giới, nên tình trạng buôn bán hàng hóa qua biên giới vi phạm Luật sở hữu trí tuệ diễn ra phức tạp. Các đối tượng lợi dụng địa hình biên giới trải dài các lực lượng chức năng không thể kiểm soát chặt chẽ đã tiến hành vận chuyển hàng hóa vào nội địa Việt Nam, các hàng hóa vi phạm về nhãn mác, kiểu dáng công nghiệp… gây thiệt hại không nhỏ cho các nhà sản xuất các sản phẩm đã được bảo hộ và người tiêu dùng”.

Trên thực tế, hàng hiệu với mức giá xa xỉ kiểu như 240 triệu đồng một chiếc túi xách Hermes Birkin, hay 120 triệu đồng một bộ veston made in Italy, 75 triệu đồng một đôi giày cũng made in Italy… Đối với nhiều người đó là mức chi tiêu vượt khả năng, thế nên hàng fake được lựa chọn như một sự thay thế hợp ý, hợp túi tiền. Ở các phố Hàng Gà, Hàng Ngang, Hàng Đào, có rất nhiều cửa hàng chuyên bán hàng hiệu nhái. Trên các kệ và tủ hàng tràn lan sản phẩm mang thương hiệu lớn như Louis Vuitton, Gucci, Burberry, Chanel, Hermes… có giá chỉ từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Chủ một shop thời trang trên phố Hàng Gà thẳng thắn nói: “Hàng ở đây chủ yếu là hàng fake. Nhưng có những sản phẩm thời trang cao cấp của các hãng nổi tiếng như Hermes hay Louis Vuitton giá cũng không ít đâu, có cái cũng tới 10 triệu đồng, nhưng số hàng loại này rất ít nhập vì ít khách hàng có khả năng mua, chủ yếu chỉ nhập về theo đơn đặt hàng”.

Ảnh minh họa

Một chủ bán hàng trên mạng cho biết, một số hàng nhái được nhập từ công ty tại Hongkong, được làm để xuất đi châu Âu, nên kỹ từng chi tiết. Sản phẩm nào không giống sẽ bị loại bỏ nên chất lượng, đường may của hàng fake cũng không thua gì hàng thật. Thậm chí, hàng xịn mới có mẫu nào, hàng fake cũng sẽ có ngay mẫu đó. “Bạn chỉ việc vào trang web chính của hãng chọn mẫu. Sau khi đặt hàng khoảng 4–5 ngày sẽ có hàng về”. Còn một điều đáng lưu ý nữa. Có rất nhiều người, dù chủ trương mua hàng nhái nhưng vẫn kêu mình bị lừa. Đó là bởi họ chưa biết phân biệt các cấp độ “fake” khác nhau. Một khách hàng có kinh nghiệm mua sắm trên mạng cho hay: Do hàng nhái được phân theo cấp độ, fake 1, fake 2, fake 3, trong đó fake 2 và 3 thì rất dễ nhận ra hàng nhái, nhưng riêng fake 1 lại có thêm các loại từ A1 – A6, trong đó, hàng loại 1 – A6 là hàng cao cấp nhất, giá nhập và giá bán đều cao. Tuy nhiên, không phải người tiêu dùng nào cũng nhận ra sự khác biệt này. Vì vậy mới xảy ra tình trạng nhiều chủ hàng trên mạng cố tình nhầm lẫn. Trên các trang web mua sắm đã xảy ra không ít trường hợp quảng cáo là fake 1, nhưng khi nhận hàng, người tiêu dùng mới phát hiện ra hàng kém chất lượng hơn quảng cáo đã đăng.

Ảnh minh họa

Xử phạt không xuể và cũng không dễ
Thực ra, Việt Nam đã có đủ các biện pháp, chế tài xử lý các hành vi vi phạm về SHTT nói chung và KDCN nói riêng. Tuy nhiên, công tác thực thi nhìn chung còn yếu, hầu như mới sử dụng biện pháp xử phạt hành chính. Theo lý giải của một số cán bộ chuyên môn thì xử phạt hành chính nhiều vì quy trình giải quyết đơn giản và nhanh nhất. Các biện pháp xử lý hình sự còn phức tạp, tốn kém và chủ thể quyền SHTT thường gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện bảo vệ quyền SHTT của mình bằng biện pháp này.

Thông thường, trong trường hợp xảy ra vi phạm KDCN, việc giải quyết được thực hiện theo những bước sau: Điều tra thu thập chứng cứ vi phạm; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thẩm định, đánh giá chứng cứ vi phạm; soạn thảo văn bản cảnh báo bên vi phạm, đàm phán với bên vi phạm để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết vi phạm khi không đạt được mục đích thông qua thương lượng, đàm phán.

Một bất cập lớn trong việc thực thi quyền SHTT hiện nay là thiếu sự phối hợp xử lý một cách khoa học của các cơ quan chuyên trách. Hiện nay Việt Nam có tới 6 cơ quan được giao trách nhiệm bảo đảm thực thi về SHTT là tòa án, quản lý thị trường, thanh tra (KH&CN, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn); công an; hải quan, UBND các cấp. Mặc dù thẩm quyền của mỗi cơ quan đã được quy định rõ trong Nghị định 106 nhưng vẫn có hiện tượng chồng chéo. Điều này không chỉ khiến các chủ thể quyền SHTT lúng túng khi muốn liên lạc, mà còn làm chính những cơ quan thực thi này nảy sinh tâm lý đùn đẩy, chờ đợi, dẫm chân lên nhau hoặc mạnh ai nấy làm.

Trước tình hình vi phạm ngày càng trở nên phổ biến, tinh vi, việc bảo vệ quyền sở hữu KDCN rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp phải là người chủ động trong việc bảo vệ quyền KDCN của mình. Về phía Nhà nước, không chỉ tăng cường công tác thanh tra, mà sự phối kết hợp của các cơ quan chức năng cũng cần được thiết lập để xử lý kịp thời khi phát hiện vi phạm. Bên cạnh đó, cần sắp xếp lại và tăng cường năng lực của các cơ quan thực thi. Việc bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý để có đủ các chế tài xử lý và xử lý hiệu quả là rất cần thiết. Có nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng mức phạt xử lý vi phạm hành chính đến mức đủ sức răn đe. Ngoài ra, cần phải bổ sung cơ sở để xác định mức phạt một cách cụ thể vào các văn bản pháp luật hiện hành. Hiện nay, do gặp khó khăn trong việc xác định mức phạt, nhiều cơ quan thực thi thường “ước lệ” mức phạt, và cũng do tâm lý luôn cân nhắc đến khả năng thi hành, nên mức phạt đưa ra thường thấp so với giá trị hàng hóa bị vi phạm.

Phú Vinh