Trò chuyện với ông chủ khách sạn… chó

07:05 | 19/02/2018

764 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trò chuyện với ông Bảo Sinh, chúng tôi cứ há hốc mồm ra mà nghe chuyện chăm chó, nuôi mèo cả ngày không vãn...
tro chuyen voi ong chu khach san cho
Ông Nguyễn Bảo Sinh chăm sóc một chú chó

Chuyện là ông Nguyễn Bảo Sinh, chủ khách sạn chó mèo, có hai câu thơ tự trào:

“Làm thơ, nuôi chó, chọi gà

Ba trò chơi đó làm ta bơ phờ”…

Làm thơ và chọi gà của ông Bảo Sinh xin để dịp khác hầu chuyện bạn đọc. Kỳ này là chuyện yêu chó, nói chữ là ái khuyển của ông nhà thơ dân gian này. Chuyện bắt đầu bằng việc ông mở khách sạn cho chó, cho mèo.

Hồi ấy, cả bộ phận cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ở Hà Nội mất mấy ngày nhộn nhạo vì hồ sơ của ông Nguyễn Bảo Sinh xin mở khách sạn chó mèo - Dog & Cat Hotel. Việc chưa từng có và ông là người đầu tiên, duy nhất ở Hà Nội xin cấp chứng nhận kinh doanh ngành nghề đặc biệt này. Mấy chàng trai năng động cho rằng, cái gì mới thì nên ủng hộ. Lớp chỉn chu hơn thì lăn tăn có được không nhỉ, có điều kiện gì không? Ngành nghề kinh doanh chưa có trong nghị định, thông tư, hướng dẫn nào cả. Có anh em đến tận nơi để mục sở thị thấy phòng ốc, chuồng trại đàng hoàng, có người nấu ăn, có bác sĩ thú y, nóng có quạt, rét có sưởi, tươm tất lắm.

Vụ việc và đơn từ được chuyển lên cấp cao vừa, cao hơn, cao nhất và có được chỉ đạo: Người dân có quyền kinh doanh ngành hàng nào mà pháp luật không cấm. Ông Nguyễn Bảo Sinh được cấp phép mở khách sạn chó mèo. Thế là khách gần, khách xa tìm đến khách sạn của ông để gửi chó, gửi mèo dịp nghỉ hè, nghỉ tết ngày càng nhiều. Dịp noel, tết dương lịch khách Tây đến đông lắm, có khi “cháy” chỗ trọ.

Sau đó, ông Bảo Sinh nhận thấy, việc chôn cất thú cưng cũng có nhu cầu. Thế là ông mở luôn cả dịch vụ hỏa táng và chôn cất cho chó mèo. Rồi chiều lòng thân chủ thú cưng, ông tổ chức cầu siêu cho những bạn bốn chân này.

Lễ cầu siêu chó mèo do soái ca ái khuyển tổ chức ngay tại khách sạn và nghĩa trang chó (mèo) của ông ở 167 phố Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thu hút rất đông người dự khán. Họ là chủ nhân của các con thú xấu số, đoản mệnh đang an nghỉ trong nghĩa trang này. Họ cũng là người từng có dịp mang chó mèo đến hotel này gửi khi có công chuyện phải đi vắng dài ngày và còn là những người hiếu sự muốn một lần xem cầu siêu cho “khuyển mão chi tình”…

Chuyện làm lễ cầu siêu cho chó của ông Bảo Sinh khiến có người ghét chó, ghê mèo đến tận nhà ông để cật vấn về chuyện hành lễ kỳ cục này. Ông Bảo Sinh ôn tồn giải thích. Còn ai đó định gây hấn với ông thì nhớ rằng, ông từng là võ sĩ quyền Anh có lên đài rồi nhé. Ông bảo, tình yêu gia súc của người phương Đông khác với người phương Tây. Nói vậy không phải để bài xích mà nên chăng cứ kết hợp các quan niệm Đông - Tây để yêu con chó, con mèo. Tình yêu này sẽ giúp người đời trở nên nhân ái hơn.

tro chuyen voi ong chu khach san cho
Khách sạn hiện đại, đầy đủ tiện nghi dành cho chó, mèo của ông Sinh

Trong nghĩa trang chó mèo của ông Bảo Sinh có tấm bia ghi bốn chữ “Tề đồng vật ngã” bằng tiếng Việt, nghĩa là súc vật và con người đều bình đẳng theo triết lý nhà Phật. Châm ngôn này của ông Bảo Sinh cũng bị nhiều người phản đối ghê gớm hơn cả việc mở hotel, cầu siêu. Có người kể, từng có kẻ rách việc tìm đến tận nơi gặp ông để… lên tiếng.

Cố sự tân ngôn, ông bảo nay thì khác rồi, ông chẳng quan ngại gì nữa. Nói theo các chuyên gia kinh tế, ông đã có thương hiệu, có thị phần, có khách ruột rồi. Tiếng lành đồn xa, cả người ta lẫn người nước ngoài tìm đến ông để gửi chó, gửi mèo theo lời hẹn trước. Ông tổ chức chăm sóc cho những khách hàng đặc biệt này khá chu tất, chúng mạnh khỏe và mau quen với cảnh xa nhà.

Đi một vòng nghĩa trang, ta dễ đọc được những tấm bia mộ ghi Lu Lu, Xồm, Milu, Mun… có cả ảnh, có năm sinh tháng mất và có bát hương riêng. Ngày cuối tuần thỉnh thoảng có chủ cũ đến thăm mộ chúng.

Trò chuyện với ông Bảo Sinh, chúng tôi cứ há hốc mồm ra mà nghe chuyện chăm chó, nuôi mèo cả ngày không vãn. Ông quả quyết những câu chuyện nuôi chó mà ông nhớ, ông kể là sự thật trăm phần trăm chứ không như trong truyện của Vũ Trọng Phụng. Trong “Số đỏ” có chuyện hai thầy cảnh binh số 1002 và 1003 (Min đơ, Min toa) đi tuần ở phố Tây vào nhà bà Phó Đoan phạt vi cảnh việc để chó chạy rông dù không có chuyện này. Họ vào vì có tiếng động lạ nhưng bà chủ vui vẻ nhận lỗi để chó chạy ra phố.

Ông Sinh có một kho chuyện nuôi chó Berger ở Hà Nội từ trước khi thủ đô giải phóng đến bây giờ. Hồi đó có ông Đỉnh thầu khoán ở đầu phố Hàng Chiếu là người nuôi chó Berger nổi tiếng bậc nhất ở Hà Nội. Chuyện ông Đỉnh bán chó khá là lạ và hấp dẫn. Khách không lên Hà Nội mà chỉ gửi một chiếc khăn tay. Ông Đỉnh cho con Berger ngửi khăn của khách hàng rồi được di chuyển ra Hải Phòng. Người của ông Đỉnh đến nơi đã thấy có một đám đông ngồi sẵn chờ... chó. Con Berger được thả ra để tự đi tìm chủ mới. Nó đi vòng vòng đánh hơi một chặp rồi tìm đến đúng người chủ chiếc khăn tay, nằm phục xuống bên cạnh chủ mới. Hợp đồng bán Berger được hoàn tất. Người của ông Đỉnh nhận tiền ra về và con Berger ở lại với chủ mới.

Các cụ ta có câu: Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng. Bạn bè ông Bảo Sinh cũng biết, ông từng mua con Ami với giá 1 cây vàng. Thời ấy, 1 cây vàng có thể mua được 3 sào đất… Con Ami sau trở thành vật chứng của phong trào nuôi chó kinh doanh, làm giàu bằng nghề nuôi chó. Thời đó có câu “Người nuôi chó - Chó nuôi người”. Sau này, khi con Ami chết, ông Bảo Sinh làm ma, làm giỗ chu toàn cho Ami.

tro chuyen voi ong chu khach san cho
Một khu phòng VIP trong khách sạn

Nhà thơ ái khuyển Nguyễn Bảo Sinh có cả một kho chuyện chó. Ông trở thành nhân chứng cho câu chuyện nuôi chó làm giàu ở Hà Nội thời bao cấp. Trong bộ nhớ của ông có tên nhiều văn nghệ sĩ xóa nghèo, vượt lên làm giàu bằng chó Nhật, chó Berger, nhưng không có ai phất lên nhờ chó ta. Người Hà Nội nhớ lại thời vàng son của “Liên hiệp các xí nghiệp thịt chó Nhật Tân” dọc đường đê đi lên cầu Thăng Long, nay thuộc quận Tây Hồ với những tên tuổi Hồ Kiểm, Anh Tú, Anh Tú béo, Trần Mục… Thế rồi ngày ấy lụi tàn, thiên hạ ngấm thông tin từ các phóng sự bêu xấu thịt chó đến mức ngại ngần không thích “mộc tồn” nữa.

Chuyện đời, chuyện nuôi chó còn dài và kho chuyện chó của nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh còn dài lắm...

Bảo Văn