'Tín dụng gốc cây' và những bi kịch không báo trước

07:20 | 18/12/2015

1,805 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hằng ngày, đi trên đường phố, chỉ cần chú ý quan sát một chút là sẽ nhìn thấy ngay những tấm biển dán sơ sài vào những gốc cây, cột điện, bờ tường… 

Năng lượng Mới 484

Nội dung của những tấm biển ấy, có thể không mấy ý nghĩa với những người bình thường nhưng lại trở thành nơi bấu víu cho những người thiếu thốn, đang có khát khao, được vay... tiền. Đó là những tấm biển quảng cáo “tín dụng không thế chấp”, “tín dụng tín chấp” với lời chào mời ngọt ngào “thủ tục nhanh gọn, lãi suất thấp”. Nhưng, “thấp” cũng chỉ là một khái niệm tương đối khi mà chả có trần để so sánh.

Vay tiền bằng… thòng lọng

“Thấp” của “tín dụng gốc cây” nghe có vẻ đơn giản: Mỗi ngày chỉ phải trả lãi 3-5 nghìn/1 triệu đồng. Nhưng, nếu vay thì sau 1 năm, số tiền lãi đã lớn gấp 1,5 lần số tiền vay. Không trả được, lãi mẹ tiếp tục đẻ lãi con, tiền gốc cộng lãi tăng theo cấp số nhân, nhiều người chỉ vay có 900 triệu đồng mà mất cả ngôi nhà 4 tỉ.

tin dung goc cay va nhung bi kich khong bao truoc
Gốc cây, cột điện giăng mắc quảng cáo cho vay không thế chấp nhưng thực chất là tín dụng đen

Và, bi kịch sinh ra từ đây…

Theo số điện thoại của “tín dụng gốc cây”, chúng tôi gọi, đặt vấn đề vay tiêu dùng một khoản khoảng 100 triệu đồng trong vòng 3 tháng. Người phụ nữ trả lời máy, thậm chí không cần dò hỏi xem người ở đầu dây bên kia là ai, ở đâu, mà chỉ đáp một câu gọn lỏn: “Có giấy tờ là ok”. Chúng tôi giả bộ ngớ ngẩn: “Giấy tờ gì? Giấy vay nợ á?”.

Người phụ nữ cười ha hả trong ống nghe: “Ngáo à? Giấy tờ tùy thân, như chứng minh thư, hộ khẩu, thẻ sinh viên chẳng hạn”. “Thủ tục thế nào, sổ hộ khẩu nhà em ông bà già giữ, chứng minh thư em đánh mất, chỉ có mỗi cái giấy đăng ký xe ôtô”, tôi khẩn khoản.

Người phụ nữ lại cười khùng khục: “Thì đăng ký xe cũng được, mang bản chính đến đây”. Tôi giãy nảy: “Có mỗi cái xe để kiếm sống, chị giữ thì chết em à?”. Người phụ nữ tỏ vẻ sốt ruột: “Tôi cũng đi chết với ông thôi, tôi giữ xe của ông làm gì! Ông viết giấy bán xe cho tôi, giá 100 triệu, ngày giao xe chính là ngày đáo nợ. Viết xong tôi giao tiền cho ông, xe ông ông vẫn đi, tôi chỉ giữ cái đăng ký thôi”.

Tôi lại khẩn khoản: “Em cần tiền thật, nhưng chị giữ đăng ký xe thì khác nào giữ xe của em. Em làm taxi, lỡ vi phạm gì, công an kiểm tra giấy tờ thì em đứt à?”. Không cần suy nghĩ, người phụ nữ chuyển hướng: “Thôi được, vậy thì ông tới đây, tôi viết giấy cho ông thuê xe, thời hạn trả xe đúng vào ngày đáo nợ, được chưa? Lãi suất tính theo ngày, cứ 4 nghìn đồng/1 triệu/ngày, ông ok thì gặp tôi, không thì thôi, mất thời giờ với ông quá!”.

Tôi buông máy, thở dài và chợt nhớ tới câu chuyện mà một luật sư danh tiếng của Hà Nội từng kể cho tôi nghe. Nếu như để vay được nguồn vốn từ các ngân hàng, người đi vay phải hoàn thiện đủ các loại thủ tục để chứng minh rằng mục đích sử dụng nguồn tiền vay là chính đáng thì trong tín dụng đen, khi xuất tiền cho vay, các ông trùm bất cần biết đến điều đó.

Thủ tục cho vay của tín dụng đen dễ đến mức người ta có cảm giác tiền tỉ với các ông trùm chỉ là mớ giấy lộn. Khi mua căn biệt thự mà hiện gia đình ông đang ở, bị thiếu khoảng hơn 1 tỉ đồng, ông đã tìm đến tín dụng đen. Và, ngạc nhiên là chỉ cần đúng 1 tấm giấy chứng minh nhân dân và 1 tờ giấy viết tay nhận nợ, ngay lập tức ông nhận về số tiền 1 tỉ đồng.

Thủ tục chỉ diễn ra trong vòng 10 phút. Tất nhiên, lợi bao giờ cũng đi cùng với hại, lãi suất vay của tín dụng đen là lãi suất tính theo ngày và gấp khoảng chục lần ngân hàng. Đúng 1 tháng sau, ông trả, xót xa kèm theo khoản tiền lãi khổng lồ và mọi việc suôn sẻ, an bình.

tin dung goc cay va nhung bi kich khong bao truoc
Tuấn “thần đèn” đã bị đưa ra xét xử

Nhưng đó mới chỉ là một nửa sự thật về tín dụng đen. Chỉ mãi đến sau này, khi tham gia tư vấn cho một số vụ việc có liên quan đến nó, ông mới hiểu ra một nửa sự thật kinh hoàng kia. Đó là những bản hợp đồng ép chết. Là mạng sống của con nợ chỉ bé bằng sợi tóc dưới bàn tay đâm thuê chém mướn của những kẻ đòi nợ thuê.

Ngay tại Hà Nội, một con nợ đã phải treo cổ tự vẫn tại ngôi nhà của chủ nợ bởi chỉ có cái chết mới giúp ông thoát khỏi cái thòng lọng lãi suất khủng đã bị tròng vào cổ. Người đàn ông bất hạnh ấy là H nhà ở Thanh Xuân Bắc. Do cần tiền làm ăn nên ông đã vay của vợ chồng Vũ Minh Trí và Trương Kim Dung ở Thái Hà số tiền 460 triệu đồng. Nhưng với lãi suất khủng phải trả mà ít lâu sau, khoản nợ ấy đã lên tới 1,5 tỉ đồng.

Không có tiền để trả, ông H bỏ trốn nhưng chỉ một thời gian ngắn là bị bọn giang hồ bắt về và ông bị ép phải gán nợ cho chúng ngôi nhà ở Thanh Xuân Bắc. Ngôi nhà đó sau này bọn chúng đã bán đi được 1,7 tỉ đồng nhưng viện lý do trong thời gian ông H trốn nợ, bọn chúng đã phải đi vay tiền với lãi suất cao để trả bù cho những khoản nợ đó nên dù đã gán nhà nhưng ông vẫn còn nợ chúng 1,1 tỉ đồng.

Để ép trả, chúng đã bắt ông về giam lỏng ở Thái Hà và ông đã phải thắt cổ tự vẫn tại đây.

Còn nữa, đây là một câu chuyện đau lòng khác của một người phụ nữ. Chị không dám xuất hiện trên truyền thông mà chỉ dám trao đổi với chúng tôi qua điện thoại. Quê ở gần Hà Nội, chị chỉ buôn bán nhỏ nhưng nhờ chăm chỉ làm ăn, sau nhiều năm tích cóp, vợ chồng chị đã mua được 2 ngôi nhà ở Hà Nội. Nhà trong ngõ, nhỏ thôi nhưng do giá cả nhà đất ở Hà Nội đắt đỏ mà cả hai ngôi nhà đó ước tính với thời giá hiện nay khoảng 4 tỉ đồng.

Nhưng do vào thời điểm mua nhà, người không có hộ khẩu ở Hà Nội không được đứng tên sổ đỏ nên chị đã nhờ anh trai ruột là T nhà ở Từ Liêm đứng tên sổ đỏ giúp. Thế nên, trên giấy tờ thì chủ sở hữu cả ngôi nhà đó là anh T.

Vào tháng 8 và tháng 10-2009, do cần tiền, anh T đã 2 lần vay của một người tên là B giám đốc một công ty TNHH tại Hà Nội tổng số tiền 900 triệu đồng với lãi suất khủng, thế chấp bằng sổ đỏ của 2 ngôi nhà nói trên. Việc này chị không biết vì T giấu kín.

Đầu năm 2010, do không có tiền trả nợ, T bỏ trốn. Chị kể: “B đã sử dụng bọn giang hồ để truy lùng anh tôi nên chỉ ít lâu sau là anh tôi bị bắt. Họ ép anh tôi phải ký thêm một hợp đồng vay 1 tỉ 208 triệu đồng đề ngày 22-3-2010.

Anh tôi nói thực chất đây là số tiền lãi khủng mà đến ngày đó anh tôi còn nợ chưa trả”. Chị đau xót nói trong nước mắt: “Như vậy, với 900 triệu đồng tiền gốc, tính bình quân đến tháng 3-2010 riêng số tiền lãi mà anh tôi phải trả mỗi tháng đã lên tới 240 triệu đồng”.

Hiện giờ, theo lời kể của chị thì sau nhiều lần thương lượng, B đồng ý cho gia đình chị được trả tiền thay T. để chuộc sổ đỏ về. Nhưng số tiền mà B đưa ra quá lớn. Từ số tiền vay gốc 900 triệu đồng, nay B ra giá phải trả đủ 4 tỉ thì mới trả lại giấy tờ nhà. Gia đình chị đã nhiều lần xin xỏ để được trả 2 tỉ đồng nhưng B nhất định không nghe. Hai ngôi nhà đó, hiện B đã cho người vào ở.

Theo thông tin mà chúng tôi tổng hợp được thì đối với tín dụng đen, khi xuất tiền cho vay, các ông trùm thường khá chặt chẽ về mặt thủ tục pháp lý. Người vay thường phải ký vào một trong các giấy tờ sau đây:

Đối với các món vay lớn, từ khoảng vài trăm triệu đồng trở lên, người vay nếu có nhà đất hoặc xe ôtô thì phải ký giấy ủy quyền sở hữu định đoạt tài sản cho các ông trùm hoặc ký giấy bán đứt tài sản đó. Khi nào trả xong nợ thì “xé giấy”.

Đối với các món vay nhỏ hơn mà người vay không có tài sản thế chấp thì họ sẽ phải ký một hợp đồng hoặc thuê ôtô, thuê máy tính, thuê xe máy. Thời hạn thuê đúng bằng thời hạn trả nợ. Nhưng trên thực tế thì các tài sản đó chỉ trên giấy tờ, không có thật. Nó chỉ có giá trị là bằng chứng để các chủ nợ xiết nợ mà thôi!

Vụ một nữ sinh viên ở một trường đại học trên địa bàn Cầu Giấy do vướng bẫy tín dụng đen mà phải dàn cảnh vờ bị bắt cóc tống tiền cha mẹ để lấy tiền trả nợ là một ví dụ. Do thiếu hiểu biết, em đã bị dụ vào một đường dây bán hàng đa cấp.

Để em có tiền mua hàng, đám cò mồi đã dẫn em đến gặp tín dụng đen. Em đã phải ký một bản hợp đồng thuê nhiều máy tính xách tay với giá trị tài sản bằng đúng số tiền bọn chúng cho em vay. Sau này, lãi mẹ đẻ lãi con, không có tiền để trả, em đã phải lừa dối cha mẹ ở quê để lấy tiền bằng màn kịch bất đắc dĩ kia.

Cay đắng hơn, có trường hợp người vay khi đến hạn trả nợ mà không có, tín dụng đen còn ép họ mang hộ khẩu của gia đình ra cửa hiệu thuê ôtô, thuê đại 1 chiếc để rồi sau đó con nợ lại phải mang xe ra hiệu cầm đồ khác cầm cố lấy tiền để trả lãi cho chủ nợ. Vậy là con nợ đã phải gánh lãi suất khủng của chủ nợ lại còn phải cõng thêm lãi suất khủng của cầm đồ nữa.

Khuynh gia bại sản vì lãi suất khủng

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì trên thị trường tín dụng đen hiện nay, lãi suất được tính theo ngày với mức phổ biến là từ 3-5 nghìn đồng/1 triệu đồng. Như vậy, nếu vay 100 triệu đồng thì mỗi ngày tính riêng tiền lãi đã phải trả 300-500 nghìn đồng, mỗi một tháng phải trả lãi từ 9 đến 15 triệu đồng. Sau một năm thì số tiền lãi đã lớn gấp 1,5 lần số tiền vay. Cứ thế, lãi mẹ đẻ lãi con, lãi chồng lãi chất lên đầu con nợ. Không trả được tiền thì con nợ, không còn cách nào khác sẽ  phải gán nhà.

Tuấn “thần đèn” là một trùm cho vay nặng lãi ở Thanh Hóa đã bị đưa ra xét xử là một ví dụ về độ dã man của cái gọi là chính sách lãi suất. Chỉ đơn cử một hợp đồng cho vay cũng đủ thấy sự hãi hùng của “lãi suất tín dụng đen”. Anh T, giám đốc một công ty tư nhân tại Thanh Hóa do cần vốn làm ăn năm 2009 đã vay của chị gái Tuấn “thần đèn’ 2 tỉ đồng.

Mặc dù sau đó, anh T đã phải bán nhà và vay mượn thêm để trả nợ 3,3 tỉ đồng nhưng do số tiền gốc ban đầu đã bị đội lên bởi lãi suất khủng nên ngần ấy tiền trả vẫn chưa đủ. Cho đến tháng 4-2012, theo cách tính lãi suất cắt cổ của tín dụng đen thì số tiền vay của anh T đã lên tới… 8 tỉ đồng, gấp hơn 5 lần số tiền vay gốc ban đầu.

Do bị ép trả số tiền quá lớn nên anh T không thể xoay được để trả, đành phải khất lần. Vì thế, anh đã bị Tuấn “thần đèn” cùng đồng bọn đến tận trụ sở công ty uy hiếp, đánh đập.

Công an một tỉnh phía nam đã từng bắt giữ một trùm tín dụng đen chuyên cho công nhân các khu công nghiệp vay các món tiền nhỏ. Gọi là tín dụng kiểu “cò con” thôi nhưng lãi suất thì thực sự là “hàng khủng”: thường khoảng 20% mỗi tháng.

Mỗi khoản vay, tùy theo thỏa thuận sẽ được trả dần trong 3 tháng, 6 tháng hoặc lâu hơn nữa. Để vay được tiền, công nhân phải giao cho trùm thẻ ATM, hằng tháng khi công nhân có lương, trùm sẽ rút thẻ. Số tiền rút mỗi lần bao gồm một phần tiền gốc và tiền lãi.

Do lãi suất quá cao nên có công nhân chỉ vay có 2 triệu đồng nhưng phải trả tới 19 triệu đồng tiền lãi. Hoặc có công nhân chỉ vay có 5 triệu đồng nhưng phải trả tới 48 triệu đồng tiền lãi.

Thế cho nên, một khi đã vướng vào bẫy tín dụng đen thì con nợ chỉ có nước khuynh gia bại sản. Tiếc rằng, nhiều con nợ khi nhận ra thì đã muộn và họ không có cách nào khác phải gánh chịu mọi bị kịch.

Thủ đoạn lách luật

Chúng tôi đã có trên tay một số bản hợp đồng do các nạn nhân của tín dụng đen cung cấp và nhận ra rằng, người vay đã bị dồn vào đường cùng ngay từ bản hợp đồng đầu tiên này. Trong các bản hợp đồng thế chấp tài sản để vay vốn, ưu thế tuyệt đối bao giờ cũng thuộc về chủ nợ.

Trong đó, có điều khoản quy định: “Đến hạn thanh toán nếu bên B không thanh toán cho bên A số tiền đã vay thì bên B tự nguyện để bên A được quyền sử dụng biện pháp tịch thu và thanh lý tài sản của bên B để thu hồi vốn gồm: tiền gốc và tiền lãi. Việc định giá của tài sản bị tịch thu do bên A sẽ quyết định”.

Có nghĩa là khi phải gán nợ bằng nhà hoặc tài sản khác thì giá trị hoàn toàn do phía chủ nợ đinh đoạt. Một con nợ mất nhà vì bẫy tín dụng đen đã khóc ròng khi kể lại câu chuyện của mình: “Em cần tiền để mở cửa hàng, vay 1 tỉ đồng, thế chấp bằng ngôi nhà ông bà già đang ở. Kinh doanh thua lỗ, không có tiền để trả, cứ thế lãi mẹ đẻ lãi con.

Số tiền vay đội lên thành gần 2,8 tỉ. Nhà ở mặt ngõ, ôtô nhỏ đỗ được, rộng 47m2, 4 tầng khang trang giá thị trường lúc ấy phải 4 tỉ đồng mà đám chủ nợ chỉ định giá có 3 tỉ, bằng số tiền vay mà phần nhiều trong đó là lãi khủng. Lúc giao nhà, em chỉ được cầm lại đúng 200 triệu đồng, đau xót lắm mà đành phải chấp nhận”.

Một mánh lới nữa để lách luật, đó là theo quy định của pháp luật hiện hành thì người nào cho vay với lãi suất gấp 10 lần so với lãi suất của ngân hàng thì phạm tội cho vay nặng lãi. Nhưng trên thị trường tín dụng đen, lãi suất được thỏa thuận ngầm, không thể hiện trên hợp đồng vay mượn.

Những bản hợp đồng vay mượn cầm cố theo kiểu tín dụng đen mà chúng tôi thu thập được, trong đó, phần lãi suất bị bỏ trống, bên dưới thòng thêm một câu nghe tưởng thoải mái nhưng thực ra chính là cái bẫy đối với người đi vay và là mánh lới lách luật của chủ nợ, như: “Lãi suất do bên B (tức con nợ) đi tham khảo ở thị trường vay vốn và tự đề nghị thỏa thuận với bên A (tức chủ nợ)”.

Nhưng, ngay cả trong trường hợp phần lãi suất không bỏ trống việc xử lý cũng còn gặp khó khăn. Bởi, nếu chủ nợ ghi trên hợp đồng số lãi cao gấp 9 lần quy định của Ngân hàng Nhà nước thì sẽ không bị xử lý hình sự, thậm chí cũng không bị xử lý hành chính, đơn giản vì chưa có văn bản pháp quy nào quy định.

Còn nữa, theo phân tích của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật BASICO, một chuyên gia nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng thì để xử lý hình sự tội cho vay nặng lãi còn phải chứng minh được rằng các đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động chuyên nghiệp và lấy số lãi làm nguồn sống chính. Trong khi đó lại không đưa ra khái niệm thế nào là “hoạt động chuyên nghiệp và lấy số lãi làm nguồn sống chính”.

Một thủ đoạn lách luật nữa mà các trùm tín dụng đen thường áp dụng để hợp pháp hóa việc cho vay nặng lãi, đó là bằng các hợp đồng thuê nhà, thuê ôtô.

Đã có trường hợp vì cần tiền, một người làm kinh doanh đã phải vay 5 tỉ đồng của tín dụng đen với tài sản thế chấp là ngôi nhà vợ chồng anh đang ở. Tuy nhiên khi ký hợp đồng thì lại không phải là hợp đồng vay vốn mà là hợp đồng thuê nhà.

Để vay được 5 tỉ anh đã phải viết giấy bán ngôi nhà của mình cho chủ nợ với giá 5 tỉ sau đó chủ nợ lại làm hợp đồng cho vợ chồng anh thuê lại chính ngôi nhà trên. Thời hạn thuê bằng đúng thời hạn vay nợ và số tiền thuê hằng tháng bằng đúng số tiền lãi suất cắt cổ mà anh phải trả.

Khi có tranh chấp xảy ra thì với bản hợp đồng này, người vay cầm chắc phần thua. Bởi, họ không thể chứng minh được rằng, bản hợp đồng thuê nhà ấy là không có thật (!).

 

Song Thi