Thư gửi một người mẹ trẻ: Đừng biến con cái thành một con cừu non

11:00 | 25/06/2015

949 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thương con, lo lắng cho con và muốn điều tốt đẹp nhất cho con là tâm trạng chung của tất cả các bà mẹ. Tuy nhiên, thương như thế nào, yêu con ra sao, bảo vệ con theo kiểu gì… để đứa trẻ phát triển bình thường lại là một chuyện khác. Thương yêu bao bọc nhưng đừng biến con cái thành một con cừu non là lời khuyên của nhiều chuyên gia tâm lý đối với các mẹ.

Có người tâm sự với tôi là đứa con trai 5 tuổi đang gặp phải một vấn đề làm chị rất buồn. Ấy là cậu con trai của chị trong lúc chơi với bạn bè hàng xóm đã học từ đứa trẻ hàng xóm một trò rất tinh nghịch, chưa phù hợp với lứa tuổi của cháu. Chị đang rất buồn phiền về điều này. Nhưng con trai chị thì rất thích thú với trò nghịch tinh quái ấy và chị cho rằng cháu chưa đủ tuổi để được giải thích cặn kẽ là con không nên chơi cái trò đó nữa.

Tôi hiểu sự phiền lòng của chị và có lẽ đó cũng là tâm trạng chung của nhiều người mẹ. Thông thường khi con cái khoảng 3 tuổi, ở thành phố vì ít khi ông bà ở cùng để chăm sóc con cháu nên cha mẹ sẽ gửi con đến nhà trẻ. Như vậy, đứa trẻ sẽ không còn hoàn toàn của cha mẹ mà đã là con người của gia đình và xã hội, lúc này có nhiều câu chuyện, trò chơi, lời nói con nghe được từ cô giáo, bạn bè chung quanh. Đó là một quá trình xã hội hóa. Và chúng ta cũng không nên quá hốt hoảng khi thấy con có biểu hiện khác lạ, bị vết trầy xướt trên người hay có những câu nói, trò chơi không phù hợp với lứa tuổi. Quan trọng là phải tìm nguyên nhân từ đâu và làm sao để đứa trẻ hiểu là không nên nói những ngôn ngữ và thực hành các trò chơi nguy hiểm ấy.

Thương con nhưng đừng biến con thành con cừu non (ảnh mang tính minh họa)

Chợt nhớ, có lần tôi đọc một mẩu tâm sự của một người mẹ, là nhà văn, nhà báo có đứa con gái đạt suất học bổng vào ĐH Havard (Mỹ). Sau đó, chính chị và con gái trở thành nhân vật nổi tiếng trên truyền thông và cộng đồng mạng. Rất nhiều bậc phụ huynh hỏi chị bí quyết nào để rèn cho con học giỏi và xin được học bổng danh giá đến vậy.

Chị tâm sự: “Đừng tạo áp lực cho trẻ” – cũng là một khẩu hiệu đang ru ngủ nhiều người tin rằng, đấy là một cách mang lại hạnh phúc cho trẻ. Điều này nghe rất thuyết phục nhưng cũng dễ cực đoan…. Xin hãy quan sát về võ thuật. Võ sinh chân chính phải dành nhiều năm tháng cuộc đời để rèn luyện khả năng chịu đựng đau đớn, rèn luyện khả năng hứng chịu đòn của đối phương và rèn luyện sự nhạy cảm để né đòn hiểm. Đây được coi là giai đoạn vô cùng quan trọng, những chiêu thức tấn công không hẳn là yếu tố quan trọng bậc nhất trong quá trình rèn luyện.

Theo chị, tương tự như vậy, tôi có quan điểm trong giáo dục con rằng cũng phải biết cách chịu đựng áp lực tăng tiến dần, biết chịu đựng đau đớn, biết đón nhận thất bại… Tôi nghĩ đây là những phẩm chất quan trọng giúp trẻ trở nên lành mạnh, vững vàng, quân bình tâm lý khi trưởng thành, đáp ứng được với những biến động ngoại cảnh, một thực tế đầy áp lực trong đời sống xã hội, mà vẫn giữ được vui vẻ, lạc quan. Quan trọng là những quan điểm ấy luôn được rọi sáng bằng một tình yêu vô bờ bến, tỉnh thức và sáng suốt của mình giành cho con.

Cách đây không lâu trong một buổi trò chuyện của chuyên gia tư vấn tâm lý dành cho các bà mẹ có con đang bước vào tuổi dậy thì, tôi nghe câu chuyện rất thực. Chính chị chuyên gia tư vấn tâm lý chia sẻ về cách dạy con. Chị bảo, trong xã hội này chúng ta không nên bọc con quá kỹ thì càng có hại cho đứa trẻ sau này. Hãy dạy cho đứa trẻ biết phân biệt người tốt – người xấu, biết cách tự phòng vệ và bảo vệ bản thân khi bị người lạ dụ dỗ, tấn công.

Chị kể, trên đường đưa con đi học từ nhà đến trường và từ trường về nhà thì thường ghé một trạm xăng quen thuộc mỗi lần xe cạn nhiên liệu. Và có lần, hai mẹ con ghé vào trạm xăng trong lúc chị bận lấy tiền trả thì có một người xin ăn, trông rất khổ, áo quần rách rới đến chìa tay và xin tiền. Chị lấy tiền cho người ăn xin đó không chút do dự. Chị nghĩ rằng, giúp đỡ người cô thế là một cử chỉ, hành động rất đẹp mà con chị có thể học hỏi vì trong các bài học đạo đức chị vẫn dạy con là sống phải biết cho đi, phải thương và chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình. Thế nhưng, những lần sau chị ghé trạm xăng cũ vẫn gặp lại người ăn xin đó và vẫn trong trạng thái thất thểu, áo quần rách rới xin tiền chị. Sau 3 lần, chị không cho nữa. Và đứa con hỏi, sao mẹ không cho tiền người ăn xin đó ha mẹ, con thấy người ta rất đáng thương.

Hãy tập cho trẻ biết cách sống và chơi với người khác (ảnh mang tính minh họa)

Người mẹ trẻ giải thích: “Con biết không, những lần đầu mẹ cứ tưởng là người đàn ông đó nghèo thật, khổ thật, bị bệnh tật hiểm nghèo thì mình giúp đỡ nhưng những lần sau mẹ quan sát hình như không phải vậy. Chỉ khi có người vào trạm xăng ông ta mới giả vờ khổ sở, trông rất đáng thương nên mẹ quyết định không cho nữa. Có lẽ ông ta là người khỏe mạnh nhưng do lười biếng nên giả vờ làm người ăn xin. Những loại người đó mình không nên giúp đỡ họ con ạ”. Đứa con đã phần nào hiểu cách suy luận và hành động của mẹ.

Trong buổi nói chuyện hôm ấy, chị cũng kết luận rằng, dù thương con đến đâu thì chúng ta cũng không nên biến con thành những con cừu non. Trong gia đình con cừu non thì có cha mẹ, người thân bảo vệ nhưng ra ngoài xã hội nếu con là cừu non thì dễ bị sói ăn thịt. Do đó, cha mẹ, nhà trường nên dạy cho trẻ kỹ năng sống biết phân biệt tốt – xấu, biết nhận diện vấn đề để phòng tránh những sự lừa bịp ở đời….

 Và người mẹ trẻ có đứa con gái đạt suất học bổng ở ĐH danh giá nhất thế giới cho rằng, bạn hình dung thế nào, một đứa trẻ muốn gì được nấy, không bao giờ phải đối diện với những áp lực để rèn luyện khả năng tự kiểm soát, bình tĩnh và khiêm nhường… thì khi lớn lên chúng sẽ yếu đuối và kém tự tin ra sao?

Bản thân tôi tán đồng quan điểm của chuyên gia tư vấn tâm lý là không nên yêu thương con theo cách biến con thành cừu non mà phải dạy cho con kiến thức, kỹ năng sống biết ứng biến với hoàn cảnh, phải dạy cho con biết cách sống chung với người khác để khi con bước vào tuổi trưởng thành sẽ không quá non nớt, quá bỡ ngỡ với những biến động xung quanh mình.

 

Nguyệt Anh (Năng lượng Mới)