Thổ Nhĩ Kỳ và Ý thắt chặt hợp tác về khí đốt

14:43 | 11/02/2018

328 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong chuyến thăm chính thức tới Ý, ngày 9/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R. Erdogan đã thảo luận với Tổng thống Ý S. Mattarella và Thủ tướng P. Gentiloni về việc vận chuyển khí từ Nga và Azerbaijan sang Ý thông qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
tho nhi ky va y that chat hop tac ve khi dot
Đường ống TANAP dẫn khí đốt qua châu Âu đang được lắp đặt ở Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R. Erdogan cho biết, từ năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành quốc gia trung chuyển khí quan trọng cho châu Âu với hai đường ống dẫn khí lớn sẽ chạy qua lãnh thổ nước này: Turkish Stream của Nga và Transanatolian (TANAP), một phần của Hành lang Khí đốt phương Nam (SGC).

Với SGC, tình hình ít nhiều đã trở nên rõ ràng: tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp, TANAP sẽ nối với đường ống xuyên Adriatic (TAP), điểm cuối sẽ ở phía nam nước Ý.

Qua SGC, 10 tỷ m3 khí mỗi năm sẽ được cung cấp cho châu Âu từ giai đoạn 2 của sự phát triển mỏ Shah Deniz ở Azerbaijan. Trong tương lai, năng lực vận chuyển của TAP có thể tăng gấp đôi.

Với Turkish Stream, tình hình vẫn còn chưa mấy rõ ràng.

Để phục vụ việc cung cấp nguồn khí đốt cho các nước Nam Âu và Đông Nam Âu, nhánh ống thứ 2 của Turkish Stream, có công suất 15,75 tỷ m3/năm, đã được thiết kế sẵn.

Tuy nhiên, bối cảnh chính trị xung quanh dự án rất phức tạp và Gazprom chưa bình luận gì về tuyến đường trên mặt đất của nhánh ống thứ 2 thuộc Turkish Stream, sẽ đi qua lãnh thổ EU.

Trước đó có thông tin Gazprom đang cân nhắc lựa chọn tuyến đường cho nhánh ống này: hoặc đi qua Bulgaria và Serbia, hoặc đi qua Hy Lạp và Ý.

Nếu tuyên bố của Tổng thống R. Erdogan được hiểu theo nghĩa đen thì phương án đi qua đất Ý của Turkish Stream đã được quyết định: theo lời ông nói, khi cả hai dự án hoàn thành, khí đốt của Nga và Azerbaijan sẽ đi tới Ý qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu sự việc sẽ diễn ra đúng như vậy, điều này sẽ giúp cho mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Ý được nâng cao đáng kể.

Trong trường hợp này, đến năm 2020, thông qua sự trung chuyển của Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ có ít nhất 2 đường ống lớn dẫn khí đốt đến Ý.

Ngoài ra, còn có thể kể thêm một đường ống dẫn khí nữa, đó là EastMed, sẽ nối các mỏ khí trên thềm lục địa Địa Trung Hải với châu Âu.

Tháng 12/2017, Cộng hòa Síp, Hy Lạp, Ý và Israel đã ký một bản ghi nhớ về hợp tác tương hỗ trong dự án xây dựng đường ống dẫn khí này. Công suất thiết kế của EastMed ước tính khoảng 12-16 tỷ m3/năm.

Nhưng dự án này hiện chỉ đang ở giai đoạn sơ khai, dự kiến việc thông qua quyết định đầu tư cuối cùng (OIR) cho dự án mãi đến cuối năm 2020 mới được thực hiện.

Ý hiện đang có kế hoạch hành động để trở thành một cổng tiếp nhận khí đốt cho châu Âu, điều này được thể hiện qua phát biểu của người đứng đầu công ty khí đốt Ý Snam SpA, ông M. Alver hồi cuối tháng 1/2018.

Lợi thế của Ý trong vấn đề này là nhờ có một vị trí địa lý thuận lợi và khối lượng đáng kể các đường ống dẫn khí tự nhiên. Nếu Snam SpA đứng ra quản lý việc thực hiện kế hoạch, trung tâm lưu trữ và vận chuyển khí đốt của châu Âu sẽ phải chuyển từ các địa điểm truyền thống ở Anh và Hà Lan tới Nam Âu, ông M. Alver khẳng định.

Cũng theo ông M. Alvera, nếu trung tâm lưu trữ và vận chuyển khí đốt của châu Âu được hình thành ở Ý, EU sẽ được hưởng nhiều lợi ích kinh tế hơn, và dự án này cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng cho toàn châu lục.

Hiện tại, Ý chưa có đủ điều kiện và nguồn lực để có được vị thế của một trung tâm khí đốt mạnh: trung tâm PSV của Ý kém hơn nhiều so với NBP của Anh và TTF của Hà Lan. Đồng thời sự phụ thuộc của Ý vào khí đốt Nga hiện nay là rất cao.

Chỉ cần nhớ rằng do vụ nổ tại trung tâm khí đốt Baumgarten ở Áo vào tháng 12/2017, dòng khí đốt của Nga tới Ý bị giảm đáng kể, buộc chính quyền phải ban bố chế độ khẩn cấp trong lĩnh vực sử dụng khí đốt.

Nhưng với sự xuất hiện trong tương lai của các đường ống dẫn khí đốt mới đến Ý, tình hình sẽ thay đổi triệt để và kế hoạch của Snam SpA không còn là chuyện không tưởng nữa.

Bá Thủy

RT