Thế giới tiếc thương và ngợi ca Lý Quang Diệu

12:46 | 23/03/2015

787 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Rất nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã bày tỏ lòng kính trọng và tiếc thương sâu sắc trước sự ra đi của ông Lý Quang Diệu - vị Thủ tướng đầu tiên của Singapore, một trong những chính sách danh tiếng nhất của lịch sử châu Á và thế giới hiện đại.

Người Singapore cầu nguyện cho sức khỏe ông Lý Quang Diệu trước cửa bệnh viện nơi ông điều trị trước khi từ trần

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã chia buồn với gia quyến, đất nước và nhân dân Singapore, cũng như  bày tỏ sự tiếc thương, kính trọng đối với ông Lý Quang Diệu qua một tuyên bố trên trang web của Liên Hiệp Quốc.

Ông Ban Ki-moon miêu tả Thủ tướng đầu tiên của Singapore là một "nhân vật huyền thoại ở châu Á, được đông đảo mọi người kính trọng bởi sự lãnh đạo tài tình và tài năng chính trị của ông".

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc ghi nhận: “Trong suốt 3 thập kỷ cầm quyền, ông Lý Quang Diệu đã giúp Singapore từ một nước đang phát triển trở thành một trong những quốc gia phát triển nhất thế giới, một trung tâm kinh doanh quốc tế lớn”.

Từ Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama ca ngợi ông Lý Quang Diệu là "một người vĩ đại thực sự của lịch sử, sẽ được nhiều thế hệ tiếp theo nhớ đến như là một người cha của đất nước Singapore hiện đại và như một trong những chiến lược gia vĩ đại về các vấn đề châu Á".

Thủ tướng Anh David Cameron chia sẻ trong thông cáo: "Cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher từng nói rằng không có vị thủ tướng nào mà bà ngưỡng mộ bằng Ngài Lý Quang Diệu vì "sức mạnh lý lẽ của ông ấy, sự rõ ràng trong quan điểm của ông ấy, tính thẳng thắn trong các bài phát biểu của ông và cách ông nhìn xuyên thấu vấn đề phía trước". Người đứng đầu Chính phủ Anh ca ngợi: Vị trí của ông Lý Quang Diệu trong lịch sử được ghi nhận như một nhà lãnh đạo và là một trong những chính khách lỗi lạc nhất của thế giới hiện đại.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ca ngợi ông Lý Quang Diệu là “một nhà lãnh đạo châu Á vĩ đại, người đã đặt nền móng cho sự thịnh vượng của Singapore ngày nay”.

Ngoại trưởng Úc, bà Julie Bishop coi “sự ra đi của một vĩ nhân chính trị như Lý Quang Diệu là kết thúc của một kỷ nguyên”.

Tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng bày tỏ sự kính trọng với ông Lý Quang Diệu - một người gốc Hoa, đã giành được “sự tôn trọng rộng rãi trong cộng đồng quốc tế như là một nhà chiến lược và một chính khách”.

Ông Lý Quang Diệu đã gặp lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần và mô hình kiểm soát liên minh chính trị để tăng trưởng kinh tế của “cha đẻ” Singapore được coi là một hình mẫu để Đảng Cộng sản Trung Quốc khi tiến hành cải cách.

Trong một bức thư chia buồn với Thủ tướng Lý Hiển Long - con trai cả ông Lý Quang Diệu, Tổng thống Singapore Tony Tan viết: “Ông Lý Quang Diệu đã dành trọn cuộc đời mình cho Singapore, kể từ khi ông làm việc ở vị trí cố vấn pháp lý cho các công đoàn lao động vào năm 1950 sau khi tốt nghiệp Đại học Cambridge cho tới khi ông đảm nhiệm vai trò “kiến trúc sư” của nước Cộng hòa Singapore hiện đại của chúng ta”.

Linh Phương (tổng hợp)