THẾ GIỚI 24H: Sau Iran sẽ đến Triều Tiên?

06:00 | 16/07/2015

1,486 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thỏa thuận giữa các cường quốc thế giới với Iran đang được coi là hình mẫu để giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi suốt nhiều năm qua của Triều Tiên.

Ngoại trưởng Iran Zarif (thứ hai từ trái sang) hoan hỉ sau thỏa thuận hạt nhân ký ngày 14/7 tại Vienna (Áo)

Bộ ngoại giao Mỹ hôm qua khẳng định sau khi đạt thỏa thuận hạt nhân với Iran, Washington sẵn sàng đàm phán nghiêm túc với Bình Nhưỡng về việc giải giáp hạt nhân.

Tuyên bố trên được đưa ra ngay sau khi Iran và sáu cướng quốc tuyên bố đạt thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân của Iran. Đổi lại Mỹ và các quốc gia khác se dỡ bỏ trừng phạt kinh tế đối với quốc gia trung đông này.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết Washington đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán đáng tin cậy về toàn bộ chương trình hạt nhân của Triều Tiên, đưa đến những bước cụ thể và không thể thay đổi theo hướng giải giáp hạt nhân.

“Những mưu toan của Bình Nhưỡng thực hiện tại cuộc đối thoại trong khi họ vẫn giữ các yếu tố quan trọng cho việc cho chạy chương trình vũ khí hạt nhân của mình là không thể chấp nhận được”- ông Kirby nhất mạnh.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ còn nó rằng Mỹ sẽ đánh giá Triều Tiên qua hành động của nước này chứ không phải qua lời nói. Mỹ vẫn đang liên hệ chặt chẽ với các đối tác trong vòng đàm phán sáu bên để thảo luận về mục tiêu giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên theo con đường hòa bình.

“Giải giáp hạt nhân vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi” - người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ cho biết.

Vòng đàm phán sáu bên nhắm vào việc giải quyết thế bế tắc của các cuộc đàm phán chương trình hạt nhân của Triều Tiên từ năm 2008 đến nay. Trong khi Bình Nhưỡng đòi nối lại vô điều kiện các cuộc đàm phán thì Washington vẫn giữ ý định rằng Bình Nhưỡng phải thực hiện các bước cụ thể để chứng minh cam kết giải giáp hạt nhân của mình.

Kết quả là vòng đàm phán sáu bên vẫn đang bị trì hoãn, còn Triều Tiên lại tăng cường các hoạt động liên quan đến vũ khí hạt nhân. Trong đó, có các cuộc thử hạt nhân vào năm 2009 và 2013.

Một số chuyên gia cảnh báo kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể có 100 quả bom vào năm 2020.

Cùng với “không khí chung”, tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, số ra ngày 15/7 cho rằng thành quả của cuộc đàm phán hạt nhân Iran đã cho thấy quan điểm của Bắc Kinh về việc dựa vào đàm phán chứ không phải các biện pháp trừng phạt cũng như đe dọa vũ lực là phương thức đúng đắn và nên được áp dụng vào vấn đề Triều Tiên.

Báo trên đăng bài xã luận phân tích cuộc đàm phán Iran đã gửi đi “thông điệp hy vọng” tới thế giới rằng các nỗ lực ngoại giao cuối cùng đã tỏ ra hữu hiệu sau hơn một thập niên căng thẳng.

Xã luận có đoạn viết: “Thực tế cho thấy đối thoại và thương lượng là lộ trình đúng đắn và hiệu quả duy nhất, và rằng một số quốc gia đe dọa sử dụng vũ lực và áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Iran là điều không thể chấp nhận được”.

Theo bài viết, Trung Quốc là một trong những nước chính ủng hộ nguyên tắc tìm kiếm các giải pháp chính trị, và cuộc đàm phán Iran đã chứng minh tầm quan trọng của triết lý này. Bài viết nhấn mạnh: “Đây có thể là ví dụ tham khảo cho việc giải quyết các điểm nóng trong khu vực, trong đó có vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên”.

Nga sẽ bỏ cấm vận Hy Lạp?

Nghị sĩ Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Andrei Krutov ngày 15/7 đã gửi yêu cầu lên Tổng thống Vladimir Putin, đề nghị xem xét khả năng tháo bỏ chế độ trừng phạt của Nga với Hy Lạp.

Đề nghị của ông Andrei Krutov dựa trên cơ sở lập luận rằng tính đến tịnh trạng kinh tế của Hy Lạp, việc bãi bỏ lệnh cấm vận lương thực-thực phẩm sẽ được đón nhận tích cực ở cả hai nước. Ngoài ra, hàng loạt nông sản Hy Lạp không thể trồng cấy hoặc sản xuất tại Nga.

"Hy Lạp là một đối tác đáng tin cậy của Nga. Từ năm 2010 đến năm 2013, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng gấp đôi. Tình trạng thiếu vắng lối tiếp cận thị trường Nga rộng lớn có thể dẫn đến tác động nghiêm trọng đối với cơ cấu nông nghiệp Hy Lạp trong nền kinh tế quốc dân nói chung. Đó sẽ là những hậu quả nặng nề về kinh tế, xã hội và chính trị mà chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở đất nước này"-nghị sĩ Andrei Krutov nhấn mạnh.

Nghị sĩ Duma Quốc gia nhắc nhở rằng Hy Lạp còn có sự gần gũi với nước Nga về tâm linh: đó là một trong không nhiều quốc gia Chính thống giáo ở châu Âu. Vì thế việc dỡ bỏ chế độ trừng phạt với Hy Lạp sẽ là bước đi rất hiệu quả. “Cử chỉ thiện chí như vậy từ phía Matxcơva chắc chắn sẽ được không riêng Hy Lạp mà cả các đồng bào của chúng ta đón nhận tích cực”- ông Andrei Krutov kết luận.

Tác giả cho rằng vào thời điểm này, do lệnh trừng phạt mà cả hai bên đều thiệt thòi. Chẳng có gì bí mật là một phần sản phẩm nông nghiệp của Hy Lạp vẫn nhập vào Nga thông qua Belarus, và kết quả là giá thành bị đội lên và người tiêu dùng Nga phải mua đắt hơn.

Mỹ lại tuần tra Biển Đông

Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ hôm 14/7 cho biết hai tàu chiến của Mỹ vừa hoàn tất cuộc tuần tra phối hợp ở Biển Đông.

Trang mạng ABS-CBNnews tường thuật rằng đây là lần đầu tiên tàu tác chiến cận duyên USS Fort Worth phối hợp tuần tra vùng biển tranh chấp ở Biển Đông với tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen.

Bản tin cho biết cuộc tuần tra đã khởi sự từ hôm 9/7, và trích dẫn một thông cáo báo chí của chỉ huy tàu Fort Worth, Rich Jarrett, nói rằng các hoạt động có phối hợp với tàu khu trục USS Larsen “thể hiện cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương và châu Á -Thái Bình Dương, đồng thời chứng tỏ khả năng của chúng tôi thực hiện các hoạt động tự do trên biển cả”.

Ông Jarrett cho biết thêm là với tua luân phiên kéo dài 16 tháng, các tàu tác chiến cận duyên như Fort Worth sẽ duy trì sự hiện diện thường xuyên để đóng góp cho việc duy trì ổn định trên Biển Đông”.

Hải quân Mỹ cho biết Hạm đội 7 thường xuyên thực hiện các hoạt động hàng hải để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Mỹ tại khu vực Ấn Độ dương và châu Á -Thái Bình Dương.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ quan ngại là Trung Quốc đang dùng sức mạnh và quân số đông đảo của mình để hiếp đáp các nước nhỏ hơn trong vùng biển tranh chấp. Nhà lãnh đạo Mỹ nói Mỹ tin là có thể giải quyết tranh chấp bằng đường lối ngoại giao, nhưng không chấp nhận việc Trung Quốc “hiếp đáp Philippines hay một nước nào khác, chỉ vì họ nhỏ hơn Trung Quốc”.

Hãng tin CNN hôm 14/7 dẫn lời các giới chức Mỹ cho biết là Lầu Năm Góc đang cân nhắc việc triển khai thêm máy bay và tàu để thách thức những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại các hòn đảo trên Biển Đông.

Trong cùng ngày, Trung Quốc cảnh báo Mỹ chớ có hành động nào có thể được xem là khiêu khích.

Theo Xinhua, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng trong khi Bắc Kinh ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông, ‘Mỹ phải thận trọng và sử dụng quyền này một cách đúng đắn’.

Bà Hoa Xuân Oánh nói “Tự do hàng hải không cho phép tàu chiến và máy bay chiến đấu của một nước tự do tiếp cận các vùng biển thuộc lãnh hải và không phận của một nước khác”.

Nhật Bản thông qua luật an ninh gây tranh cãi

Ngày 15/7, Ủy ban đặc biệt phụ trách luật an ninh của Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự luật an ninh, theo đó cho phép thực thi một thay đổi đáng kể trong chính sách quốc phòng của Tokyo.

Động thái này diễn ra bất chấp làn sóng phản đối mạnh mẽ cả ở trong lẫn ngoài Nhật Bản.

Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định những thay đổi đó, được đồng minh Mỹ hoan nghênh, là yếu tố then chốt để đối phó với thách thức an ninh mới.

Nếu được thông qua, dự luật trên sẽ chính thức hiện thực hóa quyết định lịch sử của Nội các Nhật Bản hồi tháng 7/2014 theo đó Tokyo diễn giải lại Hiến pháp cho phép Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể hoặc tiến tới hỗ trợ Mỹ và các nước hữu hảo khác trước cuộc tấn công vũ trang ngay cả khi Nhật Bản không chịu bất kỳ cuộc tấn công nào.

Trong khi đó, phong trào phản đối chính sách quốc phòng của thủ tướng Shinzo Abe đang gia tăng. Trong cuộc điều tra mới đây qua điện thoại của hãng tin Kyodo, 58,7% số người trả lời phản đối dự luật trong khi 27,8% tỏ ý ủng hộ. Các cuộc biểu tình đã diễn ra ở nhiều nơi trên nước Nhật ngày 14/7 để phản đối động thái của Liên minh cầm quyền muốn thông qua dự luật tại Hạ viện. Những người phản đối cho rằng dự luật này sẽ vi phạm hiến pháp hòa bình của Nhật Bản và có nguy cơ đẩy Tokyo vào các cuộc xung đột do Mỹ đứng đầu.

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công minh Mới, đối tác nhỏ trong liên minh cầm quyền, hy vọng sau khi gửi dự luật lên Thượng viện để thảo luận thêm, dự luật sẽ được cơ quan này thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 27/9, thời điểm kết thúc kỳ họp Quốc hội được kéo dài của nước này. Liên minh cầm quyền hiện nắm đa số tại cả hai viện của Quốc hội.

Hình ảnh ấn tượng

Lính huấn luyện chim ưng của quân đội Mexico tham gia cuộc diễu hành quân sự kỷ niệm ngày phá ngục Bastille truyền thống ở Quảng trường Concorde ở Paris, Pháp

G.K

Năng lượng Mới