Ngày làm việc thứ 5 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV:

Thảo luận dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

06:32 | 27/05/2017

322 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều 26/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu

Đa số ĐBQH thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD, nhất là trong bối cảnh nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại. Số liệu thống kê cho thấy, đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chưa xử lý chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế; nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần có cơ chế xử lý nợ xấu gắn với xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu

thao luan du thao nghi quyet ve xu ly no xau cua cac to chuc tin dung
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp tổ (Ảnh: Quang Khánh)

Tuy nhiên, một số ĐBQH lưu ý, để ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD, Chính phủ cần phân tích rõ hơn về nguyên nhân để xảy ra nợ xấu và trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu. ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) nhấn mạnh, trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ, qua nhiều năm đều nêu đã có giải pháp xử lý nợ xấu hiệu quả. Vậy tại sao đến năm 2016, nợ xấu lại tăng đột biến lên 10,08%? Chính phủ cũng chưa phân loại cơ cấu nợ xấu. Thực tế, có bao nhiêu nợ xấu do khách quan, bao nhiêu nợ xấu do chủ quan? Nợ xấu do đầu tư, do vay tín dụng, sản xuất hay nợ xấu do thiên tai, hạn hán? Phân tích nguyên nhân xảy ra nợ xấu để xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để xảy ra nợ xấu. Từ đó, mới xác định được giải pháp đồng bộ xử lý nợ xấu.

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh nợ xấu, dự thảo Nghị quyết quy định, sẽ xử lý toàn bộ nợ xấu hiện tại và nợ xấu phát sinh trong thời hạn hiệu lực của Nghị quyết (tức là nợ xấu phát sinh đến năm 2022), các ĐBQH Trần Văn Minh (Quảng Ninh), Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang), Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương)… đều bày tỏ lo ngại về thời hạn xử lý nợ xấu. Theo đó, chỉ xử lý nợ xấu đến ngày 31/12/2016. ĐB Trần Văn Minh cho rằng, nếu mở rộng phạm vi, kéo dài thời hạn xử lý nợ xấu đến năm 2022 tức là làm lỏng lẻo trách nhiệm xử lý nợ xấu của các tổ chức, cá nhân. Những khoản nợ xấu phát sinh sau 31/12/2016 phải do các TCTD, chi nhánh tín dụng nước ngoài tự xử lý.

Đáng lưu ý, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với quan điểm: Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu; và việc xử lý nợ xấu phải công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Chỉ hỗ trợ TCTD “đuối nước” thật sự cần “phao”

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, ĐBQH Nguyễn Kim Tuyến (Tiền Giang) khẳng định phải tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2016 - 2020. Đây là đòi hỏi từ thực tiễn phát triển của kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới và yêu cầu khắc phục những khó khăn, hạn chế của các TCTD trong giai đoạn trước trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, nhằm xây dựng hệ thống TCTD lành mạnh về tài chính, quản trị theo thông lệ quốc tế, tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các TCTD nói riêng và là kênh huy động vốn hiệu quả cho phát triển kinh tế nói chung. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Kim Tuyến đề nghị, Ban soạn thảo cũng cần phân định rõ hai đối tượng của TCTD để hỗ trợ đúng và trúng. Theo đó, chỉ hỗ trợ cho các TCTD "đuối nước" thật sự cần "phao", chứ không thể hỗ trợ cho các TCTD không chịu "bơi".

Về phương án cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt, một số ĐBQH đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của các bên liên quan như: TCTD nhận chuyển giao bắt buộc, TCTD phải chuyển giao bắt buộc, TCTD tham gia hỗ trợ cơ cấu lại… Trong đó, lưu ý trách nhiệm của các bên liên quan trước và sau cơ cấu lại. Làm rõ hơn căn cứ, tiêu chí, nguyên tắc, cơ chế lựa chọn, chỉ định TCTD, nhà đầu tư nhận chuyển giao bắt buộc, cơ chế ưu đãi cho các TCTD tham gia hỗ trợ cơ cấu lại. Qua đó, bảo đảm hài hòa lợi ích tổng thể và tuân thủ nguyên tắc thị trường…

Báo Đại biểu Nhân dân