Giảm tổn thất điện năng

Thách thức đối với lưới truyền tải

08:14 | 25/09/2016

506 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải chỉ là tổn thất kỹ thuật. Bài toán giảm tổn thất điện năng đòi hỏi tối ưu hóa quá trình quản lý, vận hành lưới điện truyền tải. Và theo ông Hoàng Xuân Phong - Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3), thuộc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đây là vấn đề hết sức khó khăn bởi lưới điện truyền tải hiện thường xuyên phải vận hành trong tình trạng đầy, quá tải, đường truyền tải dài…  

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, ông Hoàng Xuân Phong nhấn mạnh, giảm tổn thất điện năng là một chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật quan trọng được Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng EVNNPT đặt ra từ nhiều năm nay. Và để cụ thể hóa mục tiêu này, những năm qua, PTC3 đã từng bước xây dựng được quy trình quản lý, vận hành lưới điện, nghiên cứu và triển khai nhiều sáng kiến, sáng chế để tối ưu quá trình vận hành đó. Theo đó, PTC3 đã tăng cường kiểm tra định kỳ lưới điện, có kế hoạch đăng ký lịch cắt điện thực hiện sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên, bảo dưỡng và thí nghiệm định kỳ lưới điện hợp lý, giảm thời gian cắt điện…

thach thuc doi voi luoi truyen tai

Vệ sinh hotline tại trạm 220kV Khánh Hòa

Đáng chú ý, do đặc thù là quản lý, vận hành hệ thống lưới điện truyền tải ở khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, địa hình đồi núi phức tạp, nhiều khu vực chạy qua vùng đất đỏ bazan, vào mùa hanh khô, bụi đất bám vào đường dây, bát sứ, máy biến áp… rất nhiều, gây tổn thất điện năng lớn. Để giải quyết đề này, PTC3 đã nghiên cứu và triển khai việc triển khai vệ sinh cách điện khi mang điện (vệ sinh hotline). Đây là giải pháp vệ sinh các trụ sứ mà không phải cắt điện, công nhân ngành điện cũng không phải vất vả trèo lên các cột điện cao ngất ngưởng để lau từng bát sứ...

Ông Huỳnh Xắng - Trung tâm Thí nghiệm điện (Truyền tải điện Khánh Hòa, PTC3) khi đề cập đến câu chuyện này cho hay: Đối với hệ thống lưới điện, trong quá trình quản lý vận hành, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tổn thất điện năng cao. Đó có thể là việc truyền tải từ nguồn đến các phụ tải quá xa, truyền tải điện trong tình trạng quá tải... Nhưng đó cũng có thể do các bát sứ lâu ngày bám bụi bẩn dẫn tới phóng điện. Vậy nên, trước đây, để hạn chế tình trạng phóng điện tại các cột điện khiến điện “bốc hơi” ra không khí, công nhân ngành điện vẫn phải trèo lên các cột điện để lau từng bát sứ. Cách làm này rất mất thời gian, ngành điện lại phải cắt điện, ảnh hưởng đến công tác cấp điện và cũng không dễ thực hiện các đường dây truyền tải công suất cao như đường dây 220kV hay 500kV ở các vị trí khó khăn như trên đỉnh núi, trên đồi...

“Với phương pháp vệ sinh hotline, tất cả các vấn đề trên gần như đều được giải quyết. Thời gian vệ sinh một bát sứ chỉ mất chưa tới 1 phút thay vì mất cả chục phút như trước đây vệ sinh bằng tay. Lưới điện cũng không phải cắt điện, vẫn đảm bảo truyền tải điện. Việc vệ sinh các vị trí cột, đường dây cũng trở nên dễ dàng hơn khi các thiết bị dùng để vệ sinh hotline rất đơn giản, không đòi công nghệ cao...” - ông Xắng nói.

Mặc dù đã chủ động đề ra các giải pháp để tối ưu hóa quá trình quản lý, vận hành hệ thống lưới điện truyền tải và đã đạt nhiều kết quả, nhưng theo ông Phong, bài toán giảm tổn thất điện năng đối với hệ thống lưới điện truyền tải là vô cùng khó khăn. Đường truyền tải dài, truyền tải trong tình trạng đầy, quá tải, nhiều vùng địa hình, khí hậu phức tạp, núi cao, đầm lầy… đã tác động tiêu cực đến công tác giảm tổn thất điện năng.

Đặc biệt trong năm 2016, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết nắng nóng, khô hạn, các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trong khu vực lưu lượng nước về ít, thiếu nước nên buộc phải truyền tải tăng cao từ các trạm 500kV Pleiku, 500kV Vĩnh Tân qua các đường dây 220kV như Pleiku - An Khê, An Khê - Quy Nhơn, Pleiku - Krông Buk, Tháp Chàm - Nha Trang, Nha Trang - Tuy Hòa… để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao của các tỉnh Đắk Lắk, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Định. Chưa kể mật độ giông sét ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên rất cao, công ty đã xử lý khoảng 70% thiết bị tiếp địa và tăng thiết bị cách điện của đường dây để giảm sự cố do giông sét.

Vậy nên, theo ông Phong, mặc dù PTC3 đã áp dụng rất nhiều các giải pháp kỹ thuật trong công tác quản lý, vận hành nhưng tỉ lệ tổn thất điện năng 7 tháng năm 2016 của công ty vẫn không đạt kế hoạch EVNNPT giao. Cụ thể: 7 tháng của năm nay, tỷ lệ tổn thất điện năng trên lưới 500kV và 220kV trong khu vực công ty quản lý là 1,89%, vượt kế hoạch EVNNPT giao là 0,21%. Trong đó tổn thất trên lưới 220kV là 1,44%, tăng 0,5% so với cùng kỳ và tăng 0,51% so với kế hoạch tổng công ty giao.

Được biết, để giảm tổn thất điện năng trên lưới điện quản lý về mức 1,68% trong năm 2016, PTC3 đang triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật như liên tục rà soát các máy biến áp, đường dây đã vận hành lâu năm có tổn thất tăng cao trong vận hành để có kế hoạch thay thế kịp thời; áp dụng các giải pháp sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị đang mang điện công nghệ mới như vệ sinh bằng nước áp lực cao để không phải cắt điện gây dồn tải lên những đường dây, máy biến áp khác làm tăng tổn thất điện năng; giảm thời gian gián đoạn cung cấp điện, cải thiện các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện… Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo chống quá tải tại các trạm 220kV Krông Buk, Tuy Hòa; nâng công suất các trạm biến áp 220kV Tháp Chàm, Nha Trang; tiếp nhận và đưa vào quản lý vận hành đường dây Nhà máy Điện phân nhôm - Đắk Nông dài khoảng 5km…

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới 560