Tại Australia: Trung Quốc mất thị phần vì quá hung hăng

07:06 | 18/08/2016

974 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hành xử hung hăng và coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp Biển Đông chính là một trong những nguyên do khiến Canberra quyết định vào phút cuối từ chối lời chào mua Ausgrid - một trong những nhà cung cấp điện lớn nhất nước Australia của Tổng Công ty Lưới điện Nhà nước Trung Quốc và Tập đoàn Cheung Kong Infrastructure Holdings của tỷ phú Hongkong Lý Gia Thành.

Hôm 11/8/2016, Bộ trưởng Ngân khố Australia Scott Morrison đã công bố quyết định từ chối các đơn bỏ thầu của Tổng Công ty Lưới điện Nhà nước Trung Quốc (Stategrid) và Tập đoàn Cheung Kong Infrastructure Holdings có trụ sở ở Hongkong. Họ muốn nắm quyền thuê tương đương 50,4% cổ phần trong Ausgrid trong 99 năm. Mạng lưới này cung cấp điện cho bang New South Wales và thủ phủ bang là Sydney. Giao dịch này nếu được thực hiện sẽ mang lại cho chính quyền New South Wales ít nhất 7,6 tỉ USD.

trung quoc mat thi phan vi qua hung hang

Ông Morrison không nói cụ thể về những quan ngại của ông, mà chỉ cho biết “đề xuất đầu tư nước ngoài mà các công ty Trung Quốc đưa ra đi ngược lại lợi ích an ninh quốc gia của Australia”. Theo Bộ trưởng Ngân khố Australia, “mạng lưới của Ausgrid bao gồm các dịch vụ điện lực và liên lạc quan trọng đối với các doanh nghiệp và Chính phủ. Những lo ngại về an ninh quốc gia không nhằm vào một quốc gia cụ thể nào, mà liên quan tới cấu trúc của giao dịch và bản chất của tài sản được bán”. Ông cũng nói thêm rằng, hai công ty có thời gian từ nay cho đến ngày 18/8 để khiếu nại về quyết định của ông.

Theo The American Interest, sự can thiệp của Chính phủ Canberra vào vụ việc trên khiến các nhà phân tích rất ngạc nhiên. Liên minh cầm quyền của Australia thường bị cáo buộc là quá gần gũi với Bắc Kinh và ưu tiên lợi ích kinh tế hơn an ninh quốc gia.

Nhiều ý kiến cho rằng, động thái này của Canberra là dấu hiệu mới nhất cho thấy chủ nghĩa bảo hộ đang có chiều hướng gia tăng ở Australia. Sự thắng thế của đảng Dân tộc - một đảng theo chủ trương bảo hộ và chỉ trích mạnh hoạt động đầu tư của các công ty quốc doanh Trung Quốc ở Australia trong cuộc bầu cử hôm 2/7 ở Thượng viện, cùng với làn sóng phản đối ngày càng mạnh trong dư luận đối với việc bán đất nông nghiệp, bất động sản và các cơ sở hạ tầng chiến lược, đặc biệt là bán cho các nhà đầu tư Trung Quốc, đang gây sức ép lớn cho Chính phủ Canberra.

Ngay cả đồng minh Washington cũng đã nhiều lần cảnh báo Australia phải cảnh giác với nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc, sau vụ một công ty Trung Quốc mua lại một cảng biển ở thành phố Darwin phía Bắc Australia, nơi có một căn cứ của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ. Theo New York Times, các quan chức Mỹ cho việc Hãng Landbridge của Trung Quốc thuê cảng Darwin là một động thái chiến lược, chứ không phải là một thỏa thuận thương mại thuần túy. Họ nêu bật độ dài của hợp đồng thuê - lên đến 99 năm - và việc Công ty Landbridge đã đề nghị mức giá thuê cao hơn 20% so với hai nhà đấu thầu gần nhất. Bản thân người dân Australia cũng lo ngại. Một cuộc thăm dò dư luận tại Australia nhưng do Mỹ thực hiện đã cho thấy, gần một nửa người được hỏi cho rằng, việc cho thuê đặt ra “rất nhiều rủi ro” cho an ninh quốc gia và 9/10 người cho biết, điều đó hàm chứa ít nhất một số rủi ro.

Sau vụ này, ông Morrison đã tăng cường giám sát việc bán tài sản quốc gia cho nước ngoài bằng quyết định: Kể từ ngày 31/3/2016, mọi dự án bán hoặc cho thuê các cơ sở hạ tầng quan trọng gồm cảng, sân bay, mạng lưới điện… cho giới đầu tư tư nhân nước ngoài đều phải xin ý kiến Hội đồng Thẩm định Đầu tư ngoại quốc của chính quyền liên bang Australia. Một thành viên trong hội đồng này là cựu giám đốc tình báo Australia.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia tin rằng, việc trao quyền kiểm soát mạng lưới điện sẽ làm tăng nguy cơ tấn công mạng và gián điệp điện tử. Australia cũng không phải là quốc gia duy nhất lo ngại vấn đề an ninh quốc gia khi để nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, rót vốn vào cơ sở hạ tầng quan trọng. Gần đây, cả thế giới đã “gai” mình trước vụ Mỹ cáo buộc Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) âm mưu đánh cắp các bí mật trong ngành công nghiệp điện của Mỹ để đẩy mạnh việc phát triển và sản xuất công nghệ lò phản ứng của Trung Quốc. Công ty này dự kiến đảm trách 1/3 phần Dự án Hinkley Point. Bộ Tư pháp Mỹ trước đó đã cáo buộc kỹ sư hạt nhân Ho Szuhsiung (Allen Ho), thuộc CGN về tội sản xuất vật liệu hạt nhân đặc biệt bên ngoài nước Mỹ mà không có sự chấp thuận từ phía Bộ Năng lượng Mỹ. Hành vi này kéo dài 20 năm từ năm 1997 đến tháng 4/2016.

Tân Thủ tướng Anh Theresa May đã hoãn việc thông qua kế hoạch xây dựng một lò phản ứng hạt nhân mới mà Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc sẽ nắm một cổ phần nhỏ. Năm ngoái, một cố vấn lâu năm của bà May cảnh báo rằng, sự tham gia của Trung Quốc vào các dự án điện hạt nhân có thể cho phép họ “tùy ý ngắt hoạt động sản xuất năng lượng của Anh”.

Tuy nhiên, “vấn đề an ninh quốc gia” của Australia trong quyết định này có lẽ còn lớn hơn những suy nghĩ ở trên.

Khi tiết lộ với Reuters, một quan chức cao cấp trong Liên minh cầm quyền Australia đã nói: “Các tranh chấp Biển Đông, sự gia tăng thừa nhận về việc chính quyền Trung Quốc độc tài hơn chúng tôi nghĩ ban đầu và thực tế là chúng ta đang giao dịch với một doanh nghiệp nhà nước” - 3 điều này đã khiến Canberra phải cân nhắc về việc tiếp nhận đầu tư Trung Quốc vào Ausgrid.

Tiết lộ này cũng trùng hợp với cảnh báo trước đó của ông Peter Jennings, Giám đốc điều hành Viện Chính sách chiến lược Australia trên tờ The Weekend Australian. Theo ông Jennings, “các hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy Bắc Kinh đang hoạt động theo các ưu tiên chiến lược của riêng mình. Bằng việc phủ nhận phán quyết của Tòa trọng tài chống lại hành vi xây đảo của Trung Quốc, Bắc Kinh đã coi thường “trật tự toàn cầu dựa trên quy tắc” - vốn rất quan trọng đối với an ninh của Australia”.

Ông Jennings lưu ý, “chủ sở hữu của Stategrid và bộ máy chỉ đạo các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông” là một. Trong khi đó, Ausgrid cung cấp điện cho 1,6 triệu hộ gia đình và doanh nghiệp tại Sydney, duyên hải miền Trung và các vùng Hunter, bao gồm các ngành công nghiệp quốc phòng quan trọng, các cơ sở và các cơ quan Nhà nước chính phủ liên bang. Hãy thử tưởng tượng đến kịch bản khi tình huống chiến lược ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương xấu đi nhanh chóng và căng thẳng lên cao, mà khu vực này bị gián đoạn điện. Đây là khả năng rất dễ xảy ra. Bởi hệ thống lưới điện của Australia là sự kết hợp của công nghệ cũ và mới, chạy bằng hệ thống điều khiển công nghiệp điều tiết dòng điện. Tin tặc có thể đột nhập vào hệ thống điều khiển và làm ngắt điện trong tình huống nguy cấp.

Truyền thông Nhà nước Trung Quốc đã chỉ trích động thái mà họ gọi là “bất thường” của Canberra và “dọa” rằng, Bắc Kinh có thể ngăn cản các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Australia.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, mặc dù mối quan hệ Australia - Trung Quốc có thể bị thiệt hại nhất định nhưng lợi ích kinh tế không thể so sánh được với lợi ích an ninh quốc gia. Mặt khác, thái độ hung hăng kiểu bề trên của Trung Quốc cũng đang làm hạn chế các cơ hội kinh tế của họ. Chính Bắc Kinh đang tự thu hẹp thị phần đầu tư riêng của mình.

Linh Phương

Năng lượng Mới 549