Từ đường dây 500KV Bắc Nam đến “niềm tự hào” của Thủ tướng Australia

08:37 | 14/03/2024

60 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thủ tướng Australia tự hào về quan hệ đối tác mới của hai nước Việt Nam - Australia, trong đó có những trụ cột cụ thể, đặc biệt là hợp tác về năng lượng.

Phát biểu tại chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Australia Anthony Albanese vui mừng thông báo: Ông tự hào rằng, quan hệ đối tác mới của hai nước có những trụ cột cụ thể, trong đó có hợp tác về năng lượng

Năng lượng - trụ cột hợp tác cụ thể

“Hôm nay tôi rất vui mừng vì chúng ta đã đồng ý thiết lập cơ chế đối thoại thường niên giữa Bộ trưởng Bộ Công Nghiệp, Khoa học, Năng lượng và Tài nguyên Australia và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam - Thủ tướng Australia Anthony Albanese nói và nhấn mạnh rằng đây sẽ là nền tảng cho sự hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực năng lượng và tài nguyên của hai nước, bao gồm các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng để hỗ trợ các mục tiêu của hai nước.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và ngài Tim Ayres, Đồng Bộ trưởng phụ trách Thương mại và Sản xuất, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã có rất nhiều nỗ lực để góp phần tạo nên “trụ cột” quan trọng đó. Tại buổi gặp mặt làm việc giữa hai Bộ trưởng bên lề chuyến thăm chính thức của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhắc lại cuộc gặp song phương giữa hai bộ trưởng vào tháng 7 năm 2023 tại New Zealand, hai bộ trưởng đã thống nhất thúc đẩy sớm ký kết Bản ghi nhớ thành lập cơ chế Đối thoại Bộ trưởng về Năng lượng và Khoáng sản Việt Nam - Australia. Và rất nhanh chóng, chỉ 5 tháng sau, điều đó đã trở thành hiện thực.

Từ đường dây 500KV Bắc Nam đến “niềm tự hào” của Thủ tướng Australia
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese chứng kiến lễ ký kết, trao đổi các văn kiện hợp tác giữa lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan hai nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia và Australia cũng là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 13,8 tỷ USD. Australia là thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào quan trọng cho một số ngành công nghiệp, năng lượng của Việt Nam như than đá, quặng, khoáng sản, kim loại thường… Tỷ trọng trên 40% của nhóm hàng này trong tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Australia cho thấy tầm quan trọng của việc củng cố, phát triển quan hệ năng lượng, khoáng sản Việt Nam – Australia.

Cơ chế đối thoại cấp Bộ trưởng về năng lượng sẽ tạo động lực mới

Việc thành lập Cơ chế đối thoại cấp Bộ trưởng về năng lượng, khoáng sản là sự kiện có ý nghĩa quan trọng. Qua cơ chế Đối thoại Bộ trưởng Năng lượng và Khoáng sản, Bộ Công Thương Việt Nam; Bộ Công Nghiệp, Khoa học, Năng lượng và Tài nguyên Australia; Bộ Ngoại giao, Thương mại Australia và các cơ quan liên quan sẽ có điều kiện cùng nhau trao đổi, triển khai các nội dung, chiến lược hợp tác với mục đích vừa duy trì ổn định trao đổi thương mại các sản phẩm khoáng sản, nguyên nhiên liệu đồng thời mở ra các cơ hội hợp tác đầu tư mới, hướng tới phát triển xanh, bền vững nói chung và giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26.

Từ đường dây 500KV Bắc Nam đến “niềm tự hào” của Thủ tướng Australia
Từ đường dây 500KV Bắc Nam đến “niềm tự hào” của Thủ tướng Australia
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và ngài Tim Ayres, Đồng Bộ trưởng phụ trách Thương mại và Sản xuất, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia ký kết Bản ghi nhớ thành lập cơ chế Đối thoại Bộ trưởng về Năng lượng và Khoáng sản - Ảnh Nguyên Minh

Cùng với Bản ghi nhớ thành lập Đối thoại Bộ trưởng về Thương mại ký tháng 6 năm 2023, hai Bộ đã thúc đẩy thành lập 2 cơ chế đối thoại hết sức quan trọng trong lĩnh vực thương mại, lĩnh vực năng lượng và khoáng sản. Hai cơ chế này cùng với nhau sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, năng lượng, khoáng sản giữa hai nước phát triển tương xứng với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vừa được nâng cấp.

Tầm nhìn dài hạn và kỷ niệm về đường dây 500 KV Bắc - Nam

Dấu ấn con đường hợp tác về năng lượng khoáng sản trở thành “đại lộ” còn được các chuyên gia, nhà quan sát ghi nhận ngay sau đó. Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales nhìn lại thực tiễn lịch sử: Một tháng sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, tháng 2/1973, Australia đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... Ông cho rằng, quan hệ Australia - Việt Nam đã hình thành như thế và điều đó thể hiện cho tầm nhìn dài hạn của Chính phủ Australia và đến nay hợp tác kinh tế, thương mại không ngừng phát triển.

Ngược dòng lịch sử, Việt Nam và Australia có những kỷ niệm sâu sắc về hợp tác năng lượng từ lâu. Ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp đổi mới, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đứng trước bài toán khó giải vì tình trạng thiếu điện ở miền Nam nhưng lại thừa điện ở miền Bắc. Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ là đồng chí Võ Văn Kiệt đã vô cùng trăn trở giao nhiệm vụ cho ngành điện: Làm thế nào để đưa điện từ miền Bắc vào Nam.

Theo các chuyên gia ngành điện: Muốn đưa điện vào Nam chỉ có cách xây dựng đường dây siêu cao áp, có hai loại đường dây siêu cao áp: 400kV hoặc 500kV. Một số nước như Pháp, Nga dùng loại 500kV song họ chỉ làm từ 400-500km còn ở Việt Nam để đưa điện vào miền Nam phải làm gần 1.600km, một kỷ lục chưa có tiền lệ trên thế giới. Dư luận các nhà khoa học còn lo ngại “không thể làm được” vì yếu tố kỹ thuật về bước sóng điện. Đã có rất nhiều dư luận, ý kiến phản đối, thậm chí trên diễn đàn Quốc hội.

Rất may khi đó, các chuyên gia ngành điện Việt Nam đã được hỗ trợ quan trọng từ các chuyên gia Australia. Pacific Power International (PPI - một công ty tư vấn thiết kế đường dây cao áp của Australia) đã vào cuộc và khẳng định làm được nếu đầu xây thêm các trạm bù áp dọc từ Bắc vào Nam. Sau này, Công ty PPI (Pacific Power International), bang New South Wales và SECVI (State Electricity Commission of Victoria International), bang Victoria còn hỗ trợ tư vấn giám sát, đào tạo quản lý vận hành, an toàn... dưới sự tài trợ của Chính phủ Australia, góp phần tích cực cho dự án hoàn thành.

Hiện nay, Việt Nam đang triển khai xây dựng đường dây 500 KV mạch 3 với hành trình ngược lại “đưa điện từ miền Nam ra miền Bắc” để giải bài toán thiếu điện cũng như đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để vừa phát triển mạnh mẽ nguồn điện, vừa chuyển đổi năng lượng theo đúng cam kết quốc tế. Cách đây ít lâu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo từ sớm, từ xa về tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024 và các năm tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với vai trò Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng đã 8 lần chủ trì cuộc họp giao ban (cả trực tiếp lẫn trực tuyến) để đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị liên quan phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ, đưa dự án về đích đúng hẹn. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 không chỉ giúp đảm bảo an ninh năng lượng, nhất là đối với khu vực miền Bắc, mà còn làm nhiệm vụ liên kết lưới điện khu vực và lưới điện quốc gia ở cấp điện áp 500 kV, góp phần giúp “trục xương sống” truyền tải điện ngày càng vững chắc hơn.

Hợp tác để đa dạng hóa năng lượng

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Còn Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 là cung cấp đủ năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 – 2030). Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch…

Theo tinh thần đó, việc hợp tác để phát triển năng lượng với các quốc gia đi đầu về hiện đại hoá hệ thống năng lượng rất có ý nghĩa với Việt Nam. Nếu Việt Nam mới bắt đầu những bước đi đầu tiên trong việc phát triển năng lượng tái tạo thì Australia đã sớm chú trọng các nguồn năng lượng như mặt trời và gió từ năm 1997, đến nay đạt được nhiều thành tựu như: Dẫn đầu thế giới về lượng năng lượng bình quân đầu người được tạo ra từ năng lượng mặt trời và gió, dẫn đến giảm phát thải khí nhà kính và giá điện giảm. Australia cũng đã sớm xây dựng và triển khai thành công nhiều chiến lược, chương trình phát triển năng lượng mà Việt Nam đang triển khai và cần học tập như: Kế hoạch Năng suất năng lượng Quốc gia (NEPP); Chiến lược Hydro Quốc gia của Australia; Chiến lược Năng lượng tái tạo ngoài khơi của Australia …

Với khí thiên nhiên hoá lỏng LNG, nguồn năng lượng quan trọng mà Việt Nam đang đầu tư để xây dựng các nhà máy nhiệt điện đến năm 2023, Australia và Mỹ hiện là hai quốc gia dẫn đầu thế giới về nguồn cung. Chính phủ của Thủ tướng Albanese còn tìm cách đưa Australia trở thành siêu cường năng lượng tái tạo trong những năm tới, thể hiện qua cam kết trị giá 2 tỷ AUD cho chương trình “Khởi đầu về hydro” nhằm mục đích đưa nước này trở thành nhà sản xuất hydro hàng đầu trên toàn cầu.

Với nước ta, định hướng phát triển năng lượng hydrogen tại Việt Nam đã được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Nghị quyết số 55-NQ/TW. Đặc biệt, ngày 7/2/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngày 22/2, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị triển khai Chiến lược năng lượng Hydrogen ngay sau khi chiến lược được phê duyệt. Đó là một trong những ví dụ cho thấy quyết tâm và tiềm năng hợp tác phát triển năng lượng giữa hai nước đang mở ra, khả năng hiện thực hoá rất cao.

Đối với Bộ Công Thương Việt Nam, cách đây ít lâu phái đoàn Năng lượng Australia từng tới Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp 2 nước tiếp cận, trao đổi cơ hội hợp tác trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, trao đổi năng lượng giữa hai nước. 8 doanh nghiệp năng lượng hàng đầu tham gia Phái đoàn, bao gồm: Ardexa, Entura, Gentrack, Magellan Power, Powerledger, Reclaim Energy, Ultra Power System, Village Energy…

Theo Báo Công Thương

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps