Sức mạnh của Mỹ đến từ đâu?

15:02 | 25/05/2018

2,236 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Từ khi lên nắm quyền đến nay, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra nhiều quyết định đơn phương gây ảnh hưởng tới rất nhiều nước, bao gồm tất cả các cường quốc, thậm chí còn thổi bùng làn sóng bạo động tại Trung Đông. Mục tiêu duy nhất của ông Trump là vì nước Mỹ trên hết và đưa “nước Mỹ trở nên vĩ đại như xưa”. Vậy sự vĩ đại đó hay nói đúng hơn sức mạnh cường quốc của Mỹ hiện nay và trong quá khứ bắt nguồn từ đâu?
suc manh cua my den tu dau
Tổng thống Donald Trump và khẩu hiệu nước Mỹ trên hết

Ngay khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) rồi thỏa ước về chống biến đổi khí hậu Paris. Hai thỏa thuận này đã được nhiều nước trên thế giới và các chính quyền tiền nhiệm của ông phải vất vả trong nhiều năm đàm phán mới có được.

Một trong những thành tựu của thời kỳ Obama về ngoại giao, là thỏa thuận với Iran, chủ yếu do châu Âu thương lượng trong hơn 10 năm. Thỏa thuận có vai trò quan trọng tới sự ổn định của cả vùng Trung Đông và thế giới này cuối cùng cũng đã bị Tổng thống Trump đơn phương xé bỏ bất chấp tất cả. Quyết định này trước mắt đã đặt Iran và Israel vào tình trạng chiến tranh.

Trước đó, một chảo lửa khác ở Trung Đông cũng đã được ông Trump thổi bùng lên khi cho chuyển đại sứ quán Mỹ về Jerusalem, nơi đang tranh chấp giữa Palestine và Israel. Đã có hàng trăm người ngã xuống và hàng nghìn người bị thương trong những vụ bạo động giữa Palestine và Israel sau quyết định trên.

Ông Trump làm tất cả những điều đó vì mục tiêu “nước Mỹ trên hết” bất chấp sự ngăn cản của cả những đồng minh lâu đời của nước Mỹ, đó là châu Âu. Báo Le Courrier International của Pháp cho rằng, ông Trump là con người của chủ nghĩa đơn phương tuyệt đối, cho rằng chỉ có tiếng nói của người chiến thắng là quan trọng. Tổng thống Trump ỷ vào sức mạnh của mình, bất chấp các đồng minh châu Âu. Ông nghĩ rằng đã thắng được ván đầu khi đưa nhà lãnh đạo Triều Tiên vào bàn hội nghị. Lãnh đạo Mỹ mơ thành nhà kiến tạo hòa bình theo kiểu của ông. Nhưng theo Le Courrier International, đó là một ván bài tẩy đầy rủi ro, có thể kết thúc bằng một đám cháy lớn trên toàn cầu, mà những ngọn lửa đầu tiên đã bốc lên ở dải Gaza và Syria.

Vậy sức mạnh đó đến từ đâu? Theo Le Figaro, sức mạnh của một quốc gia không nằm ở chỗ diện tích lớn hay nhỏ. “Thế độc tôn không đòi hỏi phải là quốc gia lớn nhất hành tinh. Nước Anh đã từng thống trị một phần thế giới trong suốt hơn một thế kỷ trong quá khứ”, ông Kenneth Rogoff, chuyên gia kinh tế tại Harvard nhận định.

Do vậy, theo ông Rogoff, sức mạnh cường quốc thể hiện ở khả năng áp đặt ý chí của một đơn vị chính trị lên những đơn vị khác. Về điểm này, Mỹ sở hữu nhiều ưu thế để thể hiện thế độc tôn của mình. Thứ nhất, sức mạnh kinh tế. Khả năng sản xuất và tổng sản phẩm nội địa chiếm tỷ trọng cao xếp nước Mỹ đứng đầu bảng. Tương tự, Mỹ là thị trường nhập khẩu hàng đầu (17,3% thị phần thế giới theo WTO). Và thị trường này vận hành như một máy hút khiến các nước khác không thể nào bỏ qua.

Thứ hai, sức mạnh quân sự. Thế mạnh này thể hiện một ưu thế đáng ngợp hơn. Ngân sách quân sự của Mỹ là 610 tỷ USD, bằng ít nhất 7 nước gộp lại, trong đó có Trung Quốc. Chưa có một nước nào có đội hàng không mẫu hạm hùng hậu như Mỹ gồm 11 chiếc đang hoạt động. Hải quân Mỹ thống lĩnh các đại dương, điều đó đã tạo lợi thế cho Mỹ bá quyền đồng đôla. Lịch sử nhắc lại rằng vào thế kỷ XIX, thế thượng phong của đồng Bảng cũng liên quan đến tính ưu thế hàng hải của đế chế Anh.

Thứ ba, làm chủ được không gian mạng. Lĩnh vực tư nhân như nhóm Gafam (Google, Amazon, Facebook, Microsoft) chỉ là một phần nổi của tảng băng kinh tế kỹ thuật số. Chính Icann (Internet Corporation for Assigned Names and Numbers), tập đoàn cung cấp tên miền và địa chỉ Internet, hiện nằm dưới sự bảo hộ của chính phủ Mỹ từ năm 2016, mới là cơ quan thống trị lĩnh vực công nghệ. Cuối cùng, thế mạnh đào tạo. Các trường đại học của Mỹ, với Harvard đứng đầu, chiếm 17 trong số 20 vị trí đầu tiên theo bảng xếp hạng thế giới các trường đại học ARWU của Thượng Hải.

Theo Le Figaro, chính sức mạnh quân sự đã mang lại cho Mỹ một lợi thế kinh tế lớn lao. Tờ tiền xanh đã trở thành “tiếng nói” của giới tài chính. 42% trao đổi tài sản và dịch vụ được niêm yết bằng đôla và 59% các khoản vay mượn ngân hàng là cũng bằng đôla. Theo giải thích của giáo sư Barry Eichengreen, Trung Quốc đang nắm giữ đến 60% dự trữ ngoại tệ bằng đôla, bởi vì nước này xuất nhiều hàng sang Mỹ hơn ai hết. Hai nước châu Á khác là Nhật Bản và Hàn Quốc, nắm giữ đến 80% ngoại tệ xanh dưới dạng trái phiếu nhà nước, do những thỏa thuận an ninh ký kết với Washington. Tệ hơn nữa là Đức và Arập Xê út. Gần như 100% nguồn dự trữ ngoại tệ của hai nước này là bằng đôla, để đổi lấy ô hạt nhân của Mỹ. Lợi thế tài chính mà Washington có được là rất lớn, đến mức “chỉ cần những nước lệ thuộc vào Mỹ về an ninh giảm 30% nguồn dự trữ bằng đôla, sao cho lãi suất dài hạn của Hoa Kỳ tăng lên 80 điểm cơ bản, là đủ để làm chi phí của bộ Tài chính Mỹ tăng thêm 115 tỷ đôla mỗi năm”.

Le Figaro cũng lưu ý là nền kinh tế Mỹ còn lợi dụng được các điều kiện tài chính đặc biệt từ những nước khác. Trong những năm 1950-1960, khi mà các tập đoàn đa quốc gia phát triển mạnh mẽ, Mỹ đã mở rộng đế chế công nghiệp của mình ra ngoài lãnh thổ. Lợi nhuận kiếm được còn cao hơn cả sản xuất trong nước, do 90% các khoản đầu tư ở nước ngoài là từ chính những nước tiếp nhận tài trợ. Do đó, theo quan điểm của tờ báo, thâm thủng mậu dịch của Mỹ mà ông Trump đang ầm ĩ phàn nàn chỉ là một mẹo lừa. Những khoản thâm hụt này đều được bù đắp bằng tiền tiết kiệm của nước ngoài và những dòng vốn này cho phép các tập đoàn đa quốc gia chinh phục thế giới và tích lũy lợi nhuận. Theo số liệu của bộ Tài chính Mỹ, lợi nhuận mà các doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài tích lũy được lên đến 3.000 tỷ USD.

Nhưng cay đắng thay, trong nguồn vốn liên lục địa này, những đồng minh chính trị của Mỹ chỉ là những khán giả không có tiếng nói. Theo quan sát của ông Patrick Artus, kinh tế gia tại Natixis, kể từ cuối những năm 1990, các cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế và suy thoái kinh tế đi kèm theo luôn xuất phát từ chính sách tiền tệ của Mỹ, từ cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán 1987, khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, cho đến vỡ bong bóng thị trường cổ phiếu năm 2000 và gần đây nhất là khủng hoảng ngân hàng và tài chính năm 2008.

Và Mỹ xử lý các cuộc khủng hoảng này theo một nguyên tắc duy nhất là bất cân xứng, nghĩa là không có chuyện “có qua có lại”. Lấy danh nghĩa “không một cá nhân nào, chủ thể nào gây tổn hại đến nền kinh tế chúng ta có thể nằm ngoài pháp luật” như tuyên bố của cựu Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder, nên Mỹ thẳng tay trừng phạt các ngân hàng châu Âu. Về điểm này, Le Figaro dẫn lại câu chuyện ngụ ngôn của Phedre nhắc nhở rằng “chẳng bao giờ có được một sự an toàn khi chơi với kẻ mạnh”. Giới chuyên gia chỉ ra rằng “Mỹ gây chiến trong khoảng từ 20-30 năm qua là nhằm mục đích bảo vệ ưu thế đồng đôla”.

Theo Les Echos, thế giới đang chứng kiến một sự mới lạ hoàn toàn, được bắt đầu từ nửa thế kỷ qua và đồng thời cũng là sự tiếp tục truyền thống của nước Mỹ. Mới lạ vì chưa bao giờ, lãnh đạo một cường quốc lớn lại có cách hành xử như vậy. Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh sự đi xuống của cường quốc Mỹ, kể từ những năm 1960 của thế kỷ trước. Ngược về quá khứ xa hơn một chút, thì tư duy co cụm đã từng nhiều lần xuất hiện trong lịch sử Mỹ, từ thời George Washington và Alexandre Hamilton.

Như vậy hiện nay, nước Mỹ đang tự tách mình ra khỏi thế giới và đã đến lúc thế giới phải có cách ứng xử phù hợp, không để cho các “hạt mầm chia rẽ” mà tổng thống Mỹ gieo rắc, có thể nảy mầm và phát triển. Thực ra, thế giới đã và đang hành động theo hướng này. Tại những định chế mà Mỹ tìm cách đánh sập, lãnh đạo các nước khác đã nỗ lực cứu chữa, khắc phục và duy trì mà điển hình là TPP đang được Nhật dẫn đầu hồi sinh, thỏa thuận hạt nhân đang được châu Âu cố gắng gìn giữ.

S.Phương

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc