Sài Gòn có một… xóm gà

07:00 | 06/02/2017

3,435 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những người sống ở Sài Gòn - Gia Định lâu không ai là không biết đến địa danh Xóm Gà. Đây là vùng đất thuộc làng Bình Hòa, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định khi xưa. Xóm Gà cách chợ Bà Chiểu - Lăng Ông 4 cây số và cách trung tâm Sài Gòn 10 cây số.

Xóm gà, vùng đất của mấy tay anh chị thời xưa

Xóm Gà là một xóm quê, nhưng có đường lộ rải nhựa, xe ngựa, xe hơi đi lại thuận tiện, lại có một chợ tuy nhỏ nhưng người mua kẻ bán cũng khá đông, đa số là dân thôn quê quanh vùng Gò Vấp. Nhà cửa ở đây xen lẫn những ngôi nhà tranh, nhà gỗ và lợp mái tôn, những căn nhà làm bằng vật liệu nhẹ để cho thuê - người thuê đều là dân nghèo tứ xứ. Sáng lên Sài Gòn - Chợ Lớn làm, tối mới về ngủ qua đêm. Xuất xứ của cái tên “Xóm Gà” là gì thì cho tới nay chưa có tài liệu nào nói rõ.

Có người nói, vì trước đây, ở xóm này có chợ bán gà từ các vùng quê lân cận mang tới bán buôn cho người Sài Gòn. Nhưng cũng có người nói trước đây, ở xóm Bình Hòa, có một khu đá gà của các tay máu mê cờ bạc, thường Chủ nhật, ngày lễ ôm gà tới đá độ, ăn thua bạc ngàn (tiền thời đó). Có điều chắc chắn là Xóm Gà khi xưa, cách đây gần một thế kỷ đã nổi tiếng là xóm anh chị cờ bạc, những người lạ mặt không dám lui tới.

sai gon co mot xom ga
Xóm gà - Ngã tư Lê Quang Định - Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh, TP HCM)

Xóm Gà không phải là một địa danh hành chính ghi trong bản đồ. Cái tục danh “Xóm Gà” là do dân gian đặt cho. Xã Bình Hòa, đất rộng người thưa lại xa trung tâm gần 10 cây số. Đất rộng bỏ hoang nhiều, nên người tứ xứ đã kéo nhau đến đây cư ngụ và làm ruộng, chăn nuôi gia súc. Ở đây là đồng ruộng nên người ta nuôi đa phần là gà để đem lên chợ thành phố bán sỉ. Từ tờ mờ sáng, họ đã quang gánh lũ lượt mang gà đi bán. Gà thịt, gà giò, gà trống thiến, gà kiểng, gà nòi, gà chọi đủ loại. Sau này những con buôn đã đích thân tới xóm này để lựa gà, mua gà cho tiện và rẻ hơn. Nơi đây trở thành một xóm chuyên nuôi gà và bán gà nên được dân gian gọi là Xóm Gà.

Ngoài việc cung cấp gà thịt, người dân ở đây có nuôi thêm giống gà tre, gà nòi để đá độ, ăn giảng tượng trong các dịp lễ hội, tết nhất. Sau này lại có những tay nuôi gà nòi, gà tre (loại gà đá nhỏ con) đem gà lại đây thách đá ăn tiền, ta gọi là đá độ. Thời đó Xóm Gà hay bị những tay du côn ở Hóc Môn, Bà Điểm, Bình Chánh… kéo nhau đến thách thức đá độ. Và ở Xóm Gà đã xuất hiện những tay anh chị chuyên đối đầu với dân chơi ở xa tới. Thời đó, từ năm 1910 đến năm 1945, phải kể đến những tay anh chị như Năm Đồ, Năm Tồn, Ba Giáp… mà nay nhiều người tuổi trên bát tuần còn nhớ rõ.

Ở Xóm Gà có hai ba hạng anh chị. Một loại hạng đúng là “du côn” đâm thuê chém mướn, những tay này cứ mở miệng ra chửi thề, là tay đấm, chân đá. Một hạng nữa được gọi là “đàn anh” lúc nào cũng tỏ ra nghiêm trang và đứng đắn, trọng nghĩa khinh tài, hễ gặp việc gì nguy hiểm thì sẵn sàng lăn xả vào bênh vực, dù kẻ địch có mạnh hơn cũng không chịu thua. Hạng người này có máu anh hùng mã thượng, không ai chịu thua ai và không sợ ai. Những đàn em trong Xóm Gà đã tặng cho những người này cái tên xước danh là “Đại ca”.

Vào khoảng năm 1910 đến 1919, tại Bình Hòa có một người tên là Nguyễn Hữu Nghĩa làm thông phán ở sở Tạo tác Gia Định. Tánh ông cương trực, lại có ngón võ cao cường. Những người thân cô thế cô bị bọn du côn cướp giật, vô cớ gây sự đánh lộn là ông Nghĩa sẵn sàng can thiệp giải vây, nếu chúng không nghe, ông Nghĩa ra tay đánh cho chúng những trận đòn sống chết để chúng ngán sợ, không lui tới Xóm Gà gây rối, phá phách.

Cũng tại Xóm Gà còn có một người được coi là tay anh chị nhất vùng, tên là Năm Tôn, làm thợ ở xưởng Ba Son. Mỗi khi anh định ra tay đánh ai thì anh quyết hạ cho được, dù người đó có thế lực như đội xếp (cảnh sát) mã tà hay biện Tây cũng không lùi bước. Nhưng không phải vô cớ anh đánh người, chỉ những kẻ cậy khỏe mạnh, cậy quyền thế ức hiếp kẻ thân cô thế cô, thì anh Năm Tồn mới ra tay can thiệp. Vì vậy đàn em của Năm Tồn cũng khá đông để bảo vệ cho anh.

Năm Tồn cư ngụ ở Xóm Gà từ khi mới sanh ra. Miếng đất của anh là nơi hương hỏa của gia đình anh để lại. Nay anh Năm Tồn đã chết nhưng tiếng tăm của anh vẫn còn được nhiều người ở vùng Gia Định nhắc tới. Chỗ nhà đất Năm Tồn ở khi xưa, nay là chợ Chồm Hổm ở ngã tư Bình Hòa (hay là ngã tư Thầy Sóc), cũng có người còn gọi là chợ Năm Tồn để ghi nhớ một tay anh chị một thời vang bóng.

Kể thành tích giới giang hồ anh chị mà không nhắc đến Ba Giáp thì thiếu sót.

Ba Giáp nguyên quán ở Quảng Bình, nhưng theo gia đình lưu lạc vào vùng Xóm Gà - Bà Chiểu sinh sống, Ba Giáp tướng người khôi ngô, mặt xương, mũi thẳng, mắt sáng, tính tình cương trực, dám nói dám làm, không bao giờ chịu lùi bước trước kẻ địch có quyền thế. Ba Giáp sống bằng nghề dạy võ, có nhiều môn sinh và anh sống độc thân, không vợ con. Những tay du côn có tiếng ở vùng Chợ Lớn khi xưa như Tư Mắt, Năm Liễu hay Sáu Thắm, Tư Son ở vùng An Nhơn, Gò Vấp, nghe danh Ba Giáp đều bái phục và đặt cho Ba Giáp cái xước danh “Lý Ngươn Bá”.

Bữa nọ tại chùa Ông có đám làm chay, có một bọn du côn vùng Hóc Môn, Bà Điểm kéo đến giựt heo quay cúng trên tay em út Ba Giáp và còn ra tuồng không sợ ai. Ba Giáp nghe tin, tới can thiệp phân phải trái. Bọn du côn không coi ai ra gì, hơn 10 tên xông vào đánh Ba Giáp, nhưng một mình Ba Giáp đã đánh cho bọn chúng nhừ tử, đứa nào đứa nấy đều mang thương tích bỏ chạy ráo trọi. Kể từ đó về sau, không còn đám du côn nào ở vùng xa dám bén mảng tới vùng Xóm Gà, Bình Hòa nữa.

Vào đúng tuổi 25, Ba Giáp đã xuống tóc vào chùa quy y, dứt phần đời, bỏ lại cái tên Ba Giáp vùng Xóm Gà, để vào tu tại chùa Sắc Tứ Tập Phước và mang pháp danh Thiện Minh. Sau đó thầy Thiện Minh sang trụ trì chùa Hội Phước, lên tới chức Hòa thượng rồi viên tịch vào ngày 11 tháng 11 âm lịch, năm 1947…

Thi sĩ Tản Đà và bài thơ về Xóm Gà

Xóm Gà càng nổi danh vì đã từng có nhiều văn nhân, ký giả tên tuổi khắp Bắc - Trung - Nam tới cư ngụ.

sai gon co mot xom ga
Xóm Gà bây giờ nhìn từ trên cao

Điều lý thú hơn nữa là nơi đây lại chính là chốn tạm dừng chân của nhà thơ tên tuổi lẫy lừng: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu - trong thời gian ông vào đất Nam Kỳ làm báo.

“Hồi đó ông Diệp Văn Kỳ có đề nghị với Tản Đà để ông tặng nhà thơ số tiền trang trải công nợ. Ông yêu cầu Tản Đà khi hết nợ rồi, vào Nam viết cho tờ Đông Pháp Thời Báo. Trong lúc đã cạn ly thứ ba, Tản Đà cao hứng nhận lời ngay. Và ông Diệp Văn Kỳ mở bóp ra, lấy hai xấp giấy bạc trao vào tay nhà thơ một cách tự nhiên như hai người bạn đã quen biết nhau từ lâu. Tản Đà cầm lấy, cũng không ngạc nhiên gì hết. Các văn hữu cùng ngồi uống rượu không cho là việc lạ, vì ai cũng biết tánh phóng khoáng của Chủ nhiệm Đông Pháp Thời Báo trong sự đối xử với bạn làng văn. “Sau đó, Tản Đà đứng dậy cáo từ người bạn mới và hẹn khi ra Bắc thu xếp công việc ông sẽ vào liền…”.

“Cái nhà của chúng tôi ở kế tiếp với Xóm Gà, nó là một nơi nhà quê thuộc làng Bình Hòa, cách Bà Chiểu 4 cây số và cách Sài Gòn độ 10 cây số. Nhà có bốn gian. Gia đình ông và tôi thuê một gian thì cũng hơi chật, nếu thuê hai gian thì đủ lắm rồi. Nhưng vì tòa nhà ấy mới làm xong, chúng tôi là những khách đến ở đầu tiên, cho nên Tản Đà nhất định thuê cả bốn gian: Một gian làm buồng, một gian làm buồng giấy, một gian làm buồng ăn, còn lại một gian nữa thì để mắc một cái võng đem ở Bắc vào. “Theo sự sắp đặt ấy, sau khi nhà đã thuê xong, Tản Đà liền đi mượn người phá mấy bức tường ở giữa để lấy đường thông gian nọ sang gian kia và lấy gạch xây cái bể cạn”. “Cái nhà này cũng không lấy gì làm đắt, tất cả bốn gian có 28 đồng. Với số lương của chúng tôi, nó là một phần mười chứ gì. Thế mà tháng nào cũng phải khất độ vài bốn hẹn”.

Và Tản Đà có mặt ở Xóm Gà làm báo với ông Kỳ. “Ông Diệp Văn Kỳ rước ông vào tòa soạn cũng chỉ mong Báo Đông Pháp Thời Báo được những nét bút tài hoa tô điểm “trang văn chương” với hai chữ ký “Tản Đà” đã lừng danh từ Nam chí Bắc với một bài thơ mỗi tuần, còn ông Tùng Lâm phụ tá và cả ông Ngô Tất Tố nữa. Ông Chủ nhiệm Đông Pháp Thời Báo dám tỏ bụng liên tài, thù lao Tản Đà mỗi tháng một trăm đồng (bằng lương chủ quận, hồi đó một viên thư ký ăn lương có mười hai đồng). Ấy vậy mà lắm khi báo sắp lên khuôn, tòa soạn vẫn chưa có bài thơ nào của Tản Đà. Ông Kỳ cho tùy phái ba lần, bốn lượt vào tận nhà của thi sĩ ở Xóm Gà (Gia Định) để đốc thúc. Có lần Tản Đà nổi nóng, đã thốt ra một câu nói lịch sử “Làm thơ đâu phải bửa củi mà muốn lúc nào là có lúc đó?”.

Làm báo với ông Diệp Văn Kỳ ít lâu, Tản Đà lại khăn gói trở ra Bắc để hy vọng tục bản tờ “An Nam Tạp Chí” của ông. Nhưng Tản Đà vẫn nhớ cái Xóm Gà nên trong khi đi xe lửa về Bắc, lúc tàu tới Nha Trang, Tản Đà đã cảm hứng sáng tác một bài thơ đề là:

Gửi tòa soạn

Đông pháp Thời báo

“Xóm Gà tan giấc rạng vầng ô,

Tối đến Nha Trang rượu một bồ.

Trợ bút đã xin từ bác Diệp,

Văn chương để lại cậy thầy Ngô.

Dám quên “Đông Pháp” người tri kỷ?

Riêng nhớ “An Nam” bức địa đồ.

Hai chuyến chơi Xuân Thìn với Mão,

Đi ra còn nhớ mãi đường vô”.

Phạm Thứ Lang

Năng lượng Mới số Xuân 2017