Phải xử thật nghiêm!

16:37 | 23/07/2017

737 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
18 con tàu vỏ thép ở Bình Định được đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bị hư hỏng nặng. Nguyên nhân chính được xác định là dùng thép “dỏm”, trang bị máy không chính hãng, vi phạm hợp đồng…

Thói làm ăn gian dối của hai công ty này sờ sờ như vậy nhưng ông Giám đốc Đại Nguyên Dương vẫn cãi rằng “Tôi thề không gian dối!”.

Thề “cá trê chui ống” của ông giám đốc này khi sự thật đã được phơi bày, càng làm cho dư luận thêm “dậy sóng”. Chẳng phải bàn tới sự “thề thốt” này làm gì. Cái cần nói, cần bàn lúc này là phải có biện pháp ra sao để triệt tiêu ngay thói gian dối trong các cơ sở đóng tàu.

Làm ăn gian dối, hậu quả mang lại cho xã hội vô cùng nặng nề. Không chỉ thiệt hại về vật chất mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân, làm mất uy tín của hàng Việt Nam với thị trường quốc tế…

18 con tàu vỏ thép ở Bình Định han gỉ nằm bờ, hàng trăm hộ ngư dân tự dưng mất việc làm, hàng chục chủ tàu đối mặt với nợ nần hàng chục tỉ đồng từ vốn vay ngân hàng.

phai xu that nghiem
Kiểm tra máy tàu không đúng chủng loại trong hợp đồng

Điều nhìn thấy trước mắt là như vậy. Song hậu quả nghiêm trọng hơn của thói gian dối này sẽ còn âm ỉ, dài lâu. Ông Võ Thiên Lăng - Phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị “phải chiếu theo Bộ luật Hình sự mà xử lý”.

Phát ngôn của ông Phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cũng là sự bức xúc đến phẫn nộ của đông đảo ngư dân. Không phẫn nộ sao được khi hàng trăm con người phó thác tính mạng cho những con tàu “vô trách nhiệm”. Giữa biển khơi mênh mông, với vỏ thép ọp ẹp như vậy, liệu có chịu được sóng to gió lớn? Rồi máy tàu kém chất lượng, chết máy bất ngờ trước bão tố, giông lốc thì sao?

Chỉ vì đồng lời, vì túi tham của một nhóm người mà họ nhẫn tâm đánh cược sinh mạng của bao ngư dân trước biển cả. Việc này phải mang ra xử thật nặng để làm bài học răn đe, làm “liều thuốc” triệt tiêu những mầm mống làm ăn gian dối.

Nghị định 67 của Chính phủ là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển nghề cá bền vững; là một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược biển của đất nước. Việc làm vô trách nhiệm của hai công ty này chính là đi ngược lại chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Tàu hư hỏng nằm bờ, ngư dân mất việc, biển khơi “bỏ ngỏ”. Đồng nghĩa với đó là “phên dậu” của Tổ quốc trên biển thiếu đi một lực lượng bảo vệ ngư trường. Việc làm vô trách nhiệm ấy chẳng khác gì sự “tiếp tay” cho việc làm suy yếu đi một lực lượng đông đảo bảo vệ chủ quyền, lãnh hải của Tổ quốc.

Ngành đóng tàu lâu nay luôn “đói” việc làm, nhiều cơ sở hoạt động cầm chừng, công nhân nghỉ việc dài dài; có nơi cho công nhân đi “hoạt động” bên ngoài lấy tiền đóng bảo hiểm để giữ chỗ; có cơ sở thì “tắc” hẳn…

Nghị định 67 ra đời và chủ trương phát triển đội tàu vỏ thép ở các địa phương ven biển trên cả nước chính là “chìa khóa” cho các cơ sở đóng tàu mở thế bế tắc.

Lẽ ra hai công ty Nam Triệu và Đại Nguyên Dương phải “bắt chặt tay” với ngư dân; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để cho ra đời những sản phẩm tốt nhất, giúp cho ngư dân có phương tiện hiện đại, chịu được sóng gió, yên tâm bám biển làm giàu cho bản thân và đất nước. Nhưng họ đã làm ngược lại.

Thói làm ăn gian dối rồi sẽ bị pháp luật xử lý. Đây là bài học đắt giá, đáng để các cơ sở đóng tàu khác trong cả nước rút kinh nghiệm.

Hiện đã đóng được 666 con tàu, trong đó có 297 tàu vỏ sắt. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Các chuyến ra khơi được bà con ngư dân nhận xét là đều phát huy tác dụng cả hiệu quả và độ an toàn. Có tàu thu về 3,5 tỉ đồng, lãi 1 tỉ đồng/năm, có ngư dân lãi 300 triệu đồng mỗi chuyến.

Đặng Trung